Thật, giả trong thời hiện đại thông tin và những gợi ý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lịch sử nhân loại, ở một phương diện nhất định có thể được xem là cuộc hành trình lâu dài nhằm tìm kiếm, thử nghiệm những khả năng của con người (cá nhân, nhóm-cộng đồng, giai cấp, dân tộc, nhân loại) trong việc nhận thức thế giới và cải tạo thế giới. Tất nhiên, rút cục mỗi con người, mỗi thế hệ trong một chừng mực nhất định chỉ có thể lý giải cắt nghĩa phần nào đó những vấn đề đặt ra từ hiện thực vốn vô cùng phong phú, phức tạp để rồi bằng hoạt động của chính mình, con người đã viết nên lịch sử-làm biến đổi lịch sử, trong chừng mực mà con người-cá nhân và các cộng đồng có thể làm được. Sản phẩm của mỗi thời đại, do đó được phản ánh trước hết thông qua lượng tri thức, bao gồm tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận mà con người, xã hội loài người thu nhận, đúc rút được trong quá trình nhận thức thế giới, sau nữa là toàn bộ kết quả của những tương tác giữa cái khả năng và hiện thực có tính thực tiễn của mỗi giai đoạn lịch sử.

1.510 đại biểu đại diện cho 4,5 triệu đảng viên tham dự Đại hội tại Hà Nội
1.510 đại biểu đại diện cho 4,5 triệu đảng viên tham dự Đại hội tại Hà Nội (ảnh nguồn: VOV)

Ngày nay, một sức mạnh chưa từng có đã được đặt trong tay của cả nhân loại. Trí tuệ của con người dường như đang bước vào thời đại của sự “thăng hoa”  và chính điều đó đã tạo ra sự thay đổi hàng ngày, hàng giờ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Rồi tất cả những thay đổi đó, về cơ bản đã được thông tin kịp thời trên mạng Internet toàn cầu.

Cũng vì lẽ đó, thông tin-nếu phong phú và chính xác, trở thành tài sản đối với những ai biết thu thập và sử dụng có hiệu quả. Ngược lại, sự nghèo nàn và sự thiếu xác thực về thông tin mà chủ thể tiếp cận được sẽ trở thành “hiểm họa”-bởi điều đó gây nên sự lạc hậu và lạc điệu cho chính những chủ nhân sử dụng nó.

Trong thời đại hội nhập, hợp tác, cạnh tranh, đua tranh-từ kinh tế, văn hóa đến chính trị… các chủ thể hành động-con người (cá nhân hay các tầng lớp, lực lượng) đều xem việc nắm giữ hay thao túng thông tin là một trong những công cụ, phương thức hữu dụng để đạt được mục tiêu. Cũng vì lẽ đó, trong thời gian Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là lực lượng duy nhất cầm quyền, đang tiến hành một sinh hoạt chính trị sâu rộng-Đại hội đại biểu toàn quốc - thì phía lực lượng cầm quyền và phía lực lượng chống đối-không thể không có trong đấu tranh chính trị, đều phải sử dụng nhiều cách thức, phương tiện để truyền tải tư tưởng, quan điểm của mình đến với dân chúng với những mục tiêu về cơ bản đối lập nhau.

Đương nhiên, thời đại hiện nay, phương cách tốt nhất, có hiệu quả nhất để có thể đạt được mục tiêu kinh tế, chính trị hay văn hóa, xã hội… là đưa thông tin phục vụ nhu cầu, lợi ích của các cấp độ chủ thể lên mạng. Vì chỉ có chuyển tải lên đó, thông tin mới đến với mọi người một cách “nhanh, nhiều và rộng rãi”.

Và trên thực tế, ở nước ta thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến vô số thông tin có liên quan nhiều chiều đến Đại hội Đảng, đặc biệt là những nội dung liên quan đến vấn đề nhân sự. Tất nhiên, đó là nhu cầu thiết yếu đối với các tầng lớp nhân dân.

Sống trong môi trường ấy, điều cần đặc biệt nhấn mạnh cho sự tự do và tự chủ của mỗi người là năng lực thẩm định và kỹ năng xử lý thông tin của chính họ, thể hiện qua việc nhận diện đâu là thật, đâu là giả trong một “thế giới thông tin đa chiều-nhanh, nhiều, nhiễu”.

Ở đây, ngoài vốn hiểu biết-tri thức đã có (học vấn, dân trí), lượng thông tin mà các phương tiện thông tin truyền thông có tính chính thống đưa đến, cần có thêm là sự trải nghiệm thực tế, cộng với sự tự quan sát tỉnh táo những gì Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang làm cho dân, cho nước, chúng ta có đủ niềm tin để khẳng mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam sẽ “tỉnh táo” nhận diện và xử lý các nguồn thông tin nói trên phù hợp với đạo lý-tôn thờ cái đúng, cái thiện, cái đẹp. Cũng vì lý do này, nếu mỗi người dân không tự xác lập một lối sống, một phong cách làm việc trung thực thì rất dễ tự lừa dối mình và lừa dối người khác. Tất nhiên, sẽ không thể có một kết quả nào khả dĩ khi bản thân con người, không có những chương trình, kế hoạch cụ thể và hành động để thực hiện chương trình đó. Thiếu kế hoạch, lười hay ngại đọc- suy ngẫm-quan sát- xác lập niềm tin và hành động… thì chẳng bao giờ trở thành con người tự do, sáng tạo.

C.Mác đã biểu đạt mối quan hệ giữa niềm tin và kết quả hành động một cách hình tượng và sống động khi ông nói, những kẻ nào rút gươm ra khỏi vỏ một cách hững hờ thì những kẻ đó không bao giờ có thể bảo vệ tới cùng lý tưởng của mình. Nhưng cũng chính ông đã cảnh báo “ tư tưởng mỗi khi xarời lợi ích vật chất thì tự nó là nhục nó”. Chia sẻ với ý tưởng của tiền bối, phải chăng, điều quan trọng lúc này là các cấp độ chủ thể lãnh đạo, quản lý phải tìm được lời giải từ thể chế và cơ chế để bảo đảm giải xử lý hài hòa nhu cầu-lợi ích của các cấp độ chủ thể. Bởi lẽ, đảm bảo hài hoà về nhu cầu, lợi ích giữa các chủ thể đã, đang và sẽ là một trong những động lực trực tiếp-kích thích mọi hoạt động của con người và xã hội loài người. Tất nhiên, trong những điều kiện cụ thể, mỗi cấp độ chủ thể sẽ có những nhu cầu, lợi ích cụ thể. Ở Việt Nam hiện nay nhu cầu, lợi ích của con người, các tầng lớp nhân dân là vô cùng phong phú, trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng cái tạo nên sự đồng thuận xã hội là tất cả đều phải hướng tới phục vụ mục tiêu chung, trước mắt cũng như lâu dài của toàn dân tộc:  “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trên định hướng chung-vươn tới thỏa mãn nhu cầu, lợi ích chung đó, mỗi lĩnh vực, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị phải cụ thể hóa thành những dự án cụ thể, với những thời kỳ cụ thể để hiện thực hoá nhu cầu-lợi ích của ngành mình, đơn vị mình và nhu cầu, lợi ích của mọi người dân.

PGS,TS Hồ Tấn Sáng

Có thể bạn quan tâm