Thấy gì qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với hơn 800 ngàn người trong độ tuổi lao động, Gia Lai có nguồn nhân lực dồi dào để tham gia vào các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề “thừa về lượng, thiếu về chất”, nhất là ở khu vực nông thôn khiến tỉnh ta chưa thể phát huy hết thế mạnh sẵn có. Những năm gần đây với việc quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, chất lượng nguồn nhân lực đã có bước chuyển biến…

Chìa khóa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề cho người lao động, những năm qua, mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh được hình thành và phát triển khá đa dạng.

 

Mô hình chăn nuôi của học viên Kpă H’Lâm. Ảnh: L.A
Mô hình chăn nuôi của học viên Kpă H’Lâm. Ảnh: L.A

Đến nay, toàn tỉnh đã có 17 cơ sở dạy nghề, trong đó 15 cơ sở dạy nghề công lập và 2 cơ sở ngoài công lập. Trình độ nghề được phép đào tạo là cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, với 20 nghề nông nghiệp và 15 nghề phi nông nghiệp đã giúp người lao động có nhiều sự lựa chọn ngành nghề theo học. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã chủ động đào tạo theo nhiều hình thức: học tập trung tại các cơ sở dạy nghề, đưa các lớp học, mô hình đào tạo nghề về đến tận vùng sâu.

Bên cạnh đó, các đoàn thể cũng tham gia tích cực vào công tác dạy nghề thông qua việc lồng ghép mở các lớp tập huấn, hội thảo… Các doanh nghiệp (chủ yếu các doanh nghiệp trồng cao su) cũng đã mở những lớp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ.

Từ năm 2010 đến nay, tổng kinh phí Trung ương hỗ trợ từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia việc làm-dạy nghề cho Gia Lai là 83,6 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động đào tạo nghề. Trong đó, đầu tư xây dựng mới và mua sắm trang-thiết bị dạy nghề cho 10 cơ sở dạy nghề hết 55,4 tỷ đồng. Cũng trên cơ sở nguồn kinh phí được đầu tư, UBND tỉnh đã giao cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và PTNT ký 36 hợp đồng đào tạo nghề, với tổng chi phí gần 25 tỷ đồng.

Nhờ đó, tỉnh đã đào tạo nghề cho 14.677 lao động nông thôn, người có việc làm và tự tạo việc làm ổn định đạt 72%. Trong đó, dạy nghề phi nông nghiệp là 4.106 lao động, nghề nông nghiệp 10.571 lao động. Nhóm nghề phi nông nghiệp sau khi được đào tạo có hơn 70% có việc làm và tự tạo việc làm, thu nhập đạt hơn 4 triệu đồng/tháng, tăng 1 triệu đồng so với khi chưa học nghề. Nhóm nghề nông nghiệp có việc làm và tự tạo việc làm đạt 74%, thu nhập tăng từ 120.000 đồng/ngày lên 150.000 đồng/ngày.

Cũng trong thời gian này, số lao động qua đào tạo được các doanh nghiệp nhận vào làm việc là 1.288 người. Bên cạnh đó, chương trình do các doanh nghiệp xuất khẩu lao động các dự án đầu tư nước ngoài đưa lao động sang làm việc, số lao động qua đào tạo được đi xuất khẩu lao động là 4.045 người (dân tộc thiểu số 592 người), chủ yếu qua các thị trường Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia.

Còn nhiều trăn trở

 

 

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện nay có 800 ngàn lao động tham gia vào hoạt động kinh tế, trong đó có 189.823 lao động được đào tạo nghề (dân tộc thiểu số 66.438 lao động), chỉ chiếm 24% so với tổng số lao động trong độ tuổi lao động trên địa bàn. Tính từ năm 2011 đến nay, số lao động tham gia học nghề là 14.677 người (hơn 5.000 lao động học nghề/năm), quá ít so với tổng số lao động chưa qua đào tạo và quy mô đào tạo của các cơ sở dạy nghề (gần 15.000 lao động/năm). Không chỉ có vậy, trong số 14.677 người học nghề chỉ có 12.904 người tốt nghiệp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người lao động chưa mặn mà với việc học nghề. Đầu tiên là công tác tuyên truyền ở một số địa phương còn bị xem nhẹ, khiến người lao động chưa hiểu hết lợi ích từ việc học nghề. Hiện nay, lao động nông thôn thuộc diện được hưởng hỗ trợ gồm người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/ngày, tiền đi lại đối với người học nghề xa nơi cư trú 15 km trở lên với mức không quá 200.000 đồng/người/khóa.

 

Dự báo nhu cầu học nghề trong giai đoạn từ 2011-2015 là 57.000 lao động, trong đó 30.000 lao động học nghề nông nghiệp, 27.000 lao động học nghề phi nông nghiệp. Giai đoạn 2016-2020 sẽ có 65.000 lao động nông thôn có nhu cầu học nghề, trong đó 29.000 lao động học nghề nông nghiệp và 36.000 lao động học nghề phi nông nghiệp...

Lao động thuộc diện có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ chi phí 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Lao động nông thôn khác được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học. Đối với lao động học cao đẳng, trung cấp nghề là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, người có công… thì được hưởng chính sách dạy nghề bằng 80% lương cơ bản và miễn giảm học phí, hỗ trợ ở ký túc xá…

Nhiều ý kiến cho rằng mức hỗ trợ không còn phù hợp với thực tế. Mặt khác, người lao động còn lo lắng vì việc giải quyết việc làm sau khi học nghề… Ông Võ Đình Lộc-Giám đốc Trung tâm dạy nghề Chư Sê đánh giá: “Hiện nay, công tác tuyển sinh chưa như mong muốn vì nhận thức của người lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Nông dân coi sản xuất nông nghiệp nói riêng và các hoạt động khác trong khu vực nông thôn nói chung là công việc giản đơn không phải học… Kinh phí hỗ trợ cho việc học nghề không còn phù hợp với thực tế.

Trong buổi làm việc với đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung cho rằng: “Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích từ việc học nghề, khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu học nghề của người lao động trên từng địa phương. Cần bổ sung thêm những ngành nghề mới phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế-xã hội hiện nay. Các địa phương, đơn vị, các cơ sở đào tạo nghề cần phải thực hiện tốt quy hoạch phát triển đào tạo nghề của tỉnh, phù hợp với từng giai đoạn, đặc biệt tập trung đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu…”.

Tỉnh cũng đã kiến nghị Quốc hội để có ý kiến với Chính phủ chỉnh sửa một số nội dung không phù hợp trong Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như: tăng cường mức hỗ trợ cho lao động nông thôn học nghề thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và dân tộc thiểu số từ 15.000 đồng/ngày lên 30.000 đồng/ngày thực học. Hỗ trợ tiền đi lại từ 200.000 đồng/người/khóa học lên 300.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Để đảm bảo Trung tâm dạy nghề mới xây dựng đi vào hoạt động hiệu quả cần tăng mức hỗ trợ từ 9 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng/cơ sở…

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm