Thời sự - Bình luận

Thấy gì từ vụ kiện kéo dài 7 năm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc một doanh nghiệp VN sau 7 năm khởi kiện Mỹ vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cuối cùng đã được dỡ bỏ thuế chống bán phá đối với sản phẩm cá tra, ba sa xuất khẩu vào thị trường này.

Không chỉ là tin vui cho doanh nghiệp (Công ty Vĩnh Hoàn) mà còn là tín hiệu tốt cho cả thị trường.

Bởi thực tế, rất nhiều doanh nghiệp (DN) VN có tâm lý "chủ bại" khi dính kiện tụng ở nước ngoài. Vì họ ngại mất thời gian, tốn chi phí mà không mang lại kết quả, nhất là khi đối đầu với các "ông lớn" như thị trường Mỹ. Không ít DN ngay cả chuyện phối hợp, cung cấp số liệu để bảo vệ mình trong các vụ kiện chống bán phá giá cũng chẳng mấy nhiệt tình. Thế nên việc VN đeo đuổi vụ kiện này tới 7 năm và đạt được kết quả nói trên có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Mỹ cũng như nhiều nước đang đẩy mạnh các vụ áp thuế chống bán phá giá để bảo vệ hàng hóa trong nước thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại.

Số liệu thống kê cho thấy, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của VN gia tăng nhanh chóng. Nếu giai đoạn 2001 - 2011 chỉ có 50 vụ thì giai đoạn 2012 - tháng 10.2024 đã tăng lên 214 vụ, gấp hơn 4 lần. Bộ Công thương cập nhật, đến thời điểm này, có 14/25 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương đã điều tra 145/268 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của VN. Các nước điều tra nhiều nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Indonesia, Philippines… Phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng mở rộng, nếu trước đây chỉ nhắm vào các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thì nay đã lan tới các sản phẩm có giá trị nhỏ, trung bình. Đặt bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của VN ngày càng tăng mạnh, ngày càng nhiều mặt hàng vào nhóm xuất khẩu mang lại giá trị tỉ USD, chục tỉ USD... đồng nghĩa với việc chúng ta ngày càng đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước. Nếu DN vẫn còn tâm lý né, ngại, không quyết liệt phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích của mình thì bản thân DN thiệt, ngành nghề đó thiệt và xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Trở lại với vụ kiện nói trên, rõ ràng việc quyết tâm đeo đuổi vụ kiện đã mang lại kết quả rất tốt cho Công ty Vĩnh Hoàn nói riêng, xuất khẩu cá ba sa nói chung và cả thị trường. Nó cho thấy, nếu chúng ta nỗ lực, quyết liệt thì sẽ có hiệu quả, ngay cả đó là thị trường Mỹ.

Ở chiều ngược lại, VN cũng nên chủ động và linh hoạt hơn trong việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Nhìn vào số lượng các vụ kiện chống bán phá giá mà hàng hóa VN đối mặt ở nước ngoài với các vụ VN điều tra hàng hóa bán phá giá tại thị trường nội địa có sự chênh lệch rất lớn. Trong khi hàng ngoại, đặc biệt là hàng Trung Quốc, Ấn Độ giá rẻ ở nhiều lĩnh vực tràn ngập thị trường nội địa. Thép là một ví dụ điển hình. Lượng thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ 2 nước này đã vượt cả sản xuất trong nước, khiến DN nội lao đao, giảm công suất... Hay có nhiều thời điểm, thịt gà nhập khẩu giá bèo ồ ạt vào VN đặt nghi vấn bán phá giá, bán hàng thải loại... ảnh hưởng đến người chăn nuôi trong nước. Thế nhưng điều tra khởi kiện hàng nước ngoài bán phá giá vào thị trường nội địa về cơ bản vẫn còn rất ít, chưa chủ động.

Xuất khẩu năm 2024 của VN đạt con số kỷ lục và dự báo năm nay tiếp tục sẽ có những kết quả bất ngờ khi nhiều mặt hàng đang biến tiềm năng thành lợi thế thực sự. Vì thế, một tâm thế sẵn sàng để đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá cũng như điều tra hàng nước ngoài bán phá giá tại thị trường nội địa là điều cần thiết với cả cơ quan có thẩm quyền cũng như các DN.

Theo Nguyên Khanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm