Mê xê dịch

Góc review

Thầy giáo trẻ gây ấn tượng với bộ sưu tập 301 thẻ lên máy bay

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trần Quốc Trung (34 tuổi), giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM, gây ấn tượng với bộ sưu tập lên tới 301 thẻ lên máy bay, chưa kể những thẻ bị lạc mất, hư hỏng...

Niềm đam mê sưu tập thẻ lên máy bay của Trung bắt đầu từ hơn 10 năm trước, khi anh thực hiện chuyến bay đầu tiên. Thời sinh viên, anh làm việc tại một công ty du lịch và luôn giữ lại thẻ để công ty hạch toán tiền vé.

Trung có cơ hội được công ty cho đi 4 nước. Sau đó, anh tự bỏ tiền túi để bay đến những vùng đất khác nhau và khám phá. Sau khi đi được nhiều nơi, anh nảy ra ý tưởng giữ lại tất cả các thẻ lên máy bay để đếm xem tuổi thanh xuân của mình đã đi được tới đâu.

Tính đến thời điểm này, Trung đã đi được nhiều nước, như: Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Myanmar, Indonesia, Campuchia...

Thầy giáo trẻ với đôi chân... không chịu ngồi yên

Trò chuyện với người viết, thầy giáo tiếng Anh cho biết anh sở hữu đôi chân không chịu ngồi yên, một cái đầu lúc nào cũng mơ mộng về bãi biển…

Tuy có bộ sưu tập thẻ lên máy bay "khủng", nhưng anh vẫn nhớ như in những kỷ niệm của từng chuyến đi. Chẳng hạn như chuyến bay đầu tiên vào năm 2012, đúng vào ngày sinh nhật của Trung. Khi ấy, anh nhận được học bổng đi học tại Thái Lan trong 1 tháng. Trong chuyến xuất ngoại này, anh được tài trợ 100% chi phí. Trung nhớ mãi vì đây là lần đầu tiên anh xa nhà cả tháng trời.

Bộ sưu tập vé máy bay gây ấn tượng của thầy giáo trẻ. Ảnh NVCC
Bộ sưu tập vé máy bay gây ấn tượng của thầy giáo trẻ. Ảnh NVCC

Anh còn tự đánh số thứ tự cho các thẻ lên máy bay. Chẳng hạn như chuyến bay số 8 là chuyến đầu tiên anh tự trích lương ra mua để thỏa mãn sự "cuồng chân". Còn chuyến bay số 19 là chuyến bay hạng thương gia đầu tiên mà anh được trải nghiệm.

"Chuyến số 205 là chuyến mình nhớ nhất. Năm 2019, mình mua vé giá rẻ đi Hàn Quốc, quá cảnh tại Vũ Hán (Trung Quốc). Lúc đó, thời gian quá cảnh hơi ít nên tôi quyết định ở lại sân bay chơi mà không vào thành phố. Sau khi về nhà vài tuần, Vũ Hán bùng phát dịch bệnh", anh nhớ lại.

Thầy giáo trẻ cho biết bản thân sở hữu đôi chân... không chịu ngồi yên. Ảnh NVCC

Thầy giáo trẻ cho biết bản thân sở hữu đôi chân... không chịu ngồi yên. Ảnh NVCC

Tần suất bay của Trung phụ thuộc vào công việc. Năm nhiều nhất anh bay khoảng 70 chuyến, đủ để trở thành khách hàng bạch kim của một hãng hàng không. Sau mùa dịch, anh bay ít lại, duy trì mỗi tháng từ 1 đến 4 chuyến. Trong số đó, Thái Lan là đất nước anh đi nhiều nhất, lên tới 17 lần.

"Bố mẹ và em trai không bất ngờ lắm với bộ sưu tập này. Họ đã quen với việc gọi điện hỏi thăm thì mới biết con đang ở tận… nước ngoài rồi", anh cười, nói.

Bí quyết săn vé giá rẻ

Trung cho biết nhờ vào khoảng thời gian làm việc ở công ty du lịch, anh có kinh nghiệm đặt vé máy bay và khách sạn nên không tốn kém quá nhiều. Theo anh, nếu có thể các bạn nên trung thành với một hãng hàng không và quy hết điểm thưởng kiếm được từ chuyến bay, thẻ tín dụng, khách sạn… qua chương trình khách hàng thường xuyên. Bên cạnh đó, bạn có thể canh các chương trình khuyến mãi để tích lũy dặm thưởng.

Những chuyến đi tuổi thanh xuân giúp anh Trung khám phá bản thân, có thêm nhiều trải nghiệm thực tế. Ảnh NVCC
Những chuyến đi tuổi thanh xuân giúp anh Trung khám phá bản thân, có thêm nhiều trải nghiệm thực tế. Ảnh NVCC

Những chuyến bay sáng sớm luôn có giá tốt hơn các chuyến khác. Trung thường xuyên mua vé hạng thương gia ở khung giờ này vì vé rẻ như vé phổ thông, nhưng lại thành khách VIP, chưa kể còn được nhân đôi dặm bay. Khi thẻ tăng hạng, bạn có thêm một lần cộng dặm cho hạng thẻ. Như vậy, ưu đãi đã được nhân ba.

Trung khuyên mọi người nên tận dụng hết mã khuyến mãi. Khi các hãng tung mã, thì tranh thủ mua sẵn một loạt chuyến. Dĩ nhiên, vé áp mã khuyến mãi vẫn được cộng dặm như bình thường.

Anh Trung với bộ sưu tập thẻ lên máy bay của mình. Ảnh NVCC

Anh Trung với bộ sưu tập thẻ lên máy bay của mình. Ảnh NVCC

Khi bay quá cảnh, Trung khuyên mọi người nên tìm hiểu thật kỹ về các quy định tại nơi mình sắp đến. Một số sân bay cho phép quá cảnh mà không cần visa, nhưng có những sân bay lại bắt buộc. Ví dụ, khi quá cảnh tại Trung Quốc, mọi người có thể vào nước này trong 24 giờ mà không cần visa, nhưng tại sân bay Thâm Quyến của nước này, quy định này không áp dụng.

Anh khuyên mọi người nên chuẩn bị trang phục thoải mái, thoáng mát, mang theo gối ngủ nhỏ, áo khoác chống lạnh… khi bay. Với những chuyến bay dài, mọi người có thể tải trước vài tập phim dài để chống buồn chán trong quá trình di chuyển.

Muốn truyền cảm hứng cho mọi người

Trung cho biết, có nhiều lúc anh bay trong những giờ "đỏ mắt" (chuyến bay khởi hành vào ban đêm và đến nơi vào sáng hôm sau) để tiết kiệm tiền vé. Vì thế, nhiều hôm 12 giờ đêm vừa chấm bài, sửa bài cho học trò xong, anh vội vã soạn đồ ra sân bay cho kịp chuyến bay khởi hành lúc 3 giờ.

Anh cho biết ban đầu thì mệt, nhưng đi hoài thì thành quen. Anh bắt đầu thích thú mà không thấy mệt nữa. Cũng theo Trung, nhờ những chuyến đi này mà anh học được nhiều điều. Chẳng hạn như Nhật Bản, anh học được cách chỉn chu của người dân nơi đây. Từ đó, anh có thêm nhiều kiến thức thực tế để truyền tải cho học trò của mình tốt hơn.

Thầy giáo trẻ tận hưởng tại cổng trời ở Bali. Ảnh: NVCC

Thầy giáo trẻ tận hưởng tại cổng trời ở Bali. Ảnh: NVCC

"Cách đây hơn 10 năm, mình không thể mường tượng ra được tương lai lại có bộ sưu tập về những chuyến đi như thế. Mình luôn cho rằng, những ai không tin vào phép màu sẽ không bao giờ thấy nó. Qua việc "khoe" này, mình hy vọng truyền cảm hứng cho mọi người hãy làm những việc mà bản thân đang dang dở hoặc cố gắng hết mình để đạt được mục tiêu. Mỗi lần nhìn vào bộ sưu tập này, mình biết bản thân đã cố gắng rất nhiều trong công việc. Ngày hôm nay lại tốt hơn ngày hôm qua", anh nói.

Thế nhưng, dù đi nhiều nơi, thầy giáo trẻ vẫn cho rằng không đâu bằng Việt Nam. "Những chuyến đi nước ngoài giúp mình mở mang tầm mắt, học được nhiều điều mới, ăn những món ngon, gặp thêm bạn mới… nhưng nhà vẫn là nhà. Không nơi đâu thoải mái và dễ chịu như ở nhà", anh Trung bộc bạch.

Hiện tại, Trung cố gắng tiết kiệm nhiều tiền để đưa gia đình và người thương đi nhiều nơi hơn. Bên cạnh đó, anh dự định chinh phục các vùng đất mới như Maldives.

Theo Phương Vy (TNO)

Có thể bạn quan tâm