"Thầy ra thầy, trò ra trò…"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây 37 năm (1981), Thủ tướng Phạm Văn Đồng-người rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà đã căn dặn cán bộ quản lý, thầy và trò: “Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp; thầy ra thầy, trò ra trò; dạy ra dạy, học ra học”. Ngày nay, dù ngành Giáo dục và Đào tạo nước ta đã trải qua nhiều lần cải cách, đổi mới nhưng câu nói ấy vẫn còn nguyên giá trị.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Văn minh nhân loại có tiến lên bậc cao đến mấy, nền giáo dục có tiên tiến đến mức nào thì trường học vẫn giữ một vai trò then chốt trong việc đào tạo lớp người mới tương lai. Ở đây, chúng ta không bàn đến việc đầu tư cho sự nghiệp giáo dục mà chỉ đề cập đến thang giá trị của người dạy và người học. Trong kế hoạch đổi mới giáo dục gần đây, có người cho rằng, cần xác định người học giữ vai trò trung tâm trong hoạt động dạy và học. Họ lập luận, mục đích giáo dục là hướng đến chủ thể tiếp nhận. Do vậy, mọi sự cải cách cũng chỉ nhằm đến quá trình tiến bộ của người học.

Điều đó không sai, nhưng mới chỉ đúng một nửa. Bởi lẽ, dạy và học là một phạm trù thống nhất, tương tác lẫn nhau, nguyên nhân của cái này là kết quả của cái kia. Vì thế, trường học không thể thiếu 2 chủ thể trung tâm là người dạy và người học. Thầy có giỏi, có chuẩn mực thì mới có học trò giỏi, đạo đức tốt.

Trong chiến tranh chống Mỹ, chúng ta rất coi trọng việc đào tạo người thầy. Tất cả những người thầy giỏi nhất đều được mời về giảng dạy ở các trường sư phạm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng phát biểu khi đến thăm một trường sư phạm lúc bấy giờ: “Nghề dạy học là nghề cao quý vào bậc nhất trong những nghề cao quý, là nghề sáng tạo vào bậc nhất trong những nghề sáng tạo…Vì nó sáng tạo ra những người sáng tạo”. Vị trí người thầy vì thế luôn luôn được xã hội tôn vinh.

Từ sau ngày thống nhất đất nước, do nôn nóng “phổ cập giáo dục” trong điều kiện đội ngũ nhà giáo cả 2 miền đều thiếu trầm trọng, cả nước ồ ạt mở các trường sư phạm địa phương, thậm chí đến cấp huyện cũng mở các khóa đào tạo sư phạm cấp tốc. Nhiều người chỉ mới học hết bậc Tiểu học cũng được tuyển vào các lớp sư phạm này và trở thành  giáo viên. Đến thời kỳ đổi mới, hệ thống trường cao đẳng, đại học “trăm hoa đua nở” thì có hàng trăm trường sư phạm, khoa sư phạm cũng mọc lên từ Trung ương đến địa phương. Có thời kỳ câu ví von “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” được nhắc đến như một sự mỉa mai. Hậu quả là nhiều năm qua chúng ta không có đông đảo đội ngũ giáo viên giỏi thực chất. Và qua bao lần cải cách, đổi mới giáo dục, chúng ta vẫn chưa thể đột phá, đưa sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo đi lên như nghị quyết của Đảng đề ra.

Năm 2017, trong một lần về làm việc với Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Đổi mới giáo dục không thể thành công nếu không quan tâm đến đội ngũ giáo viên”. Như vậy, không thể nào khác được, chúng ta phải lập lại trật tự trong việc đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng đội ngũ giáo viên từ bậc học Mầm non đến THPT và cả giảng viên các trường đại học hiện nay, từ đó thực hiện cuộc đổi mới toàn diện ngành Giáo dục và Đào tạo.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm