Phóng sự - Ký sự

Thầy thuốc nặng lòng với Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 14 năm qua, PGS-TS, Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ cao cấp Nguyễn Duy Thắng-Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa gan mật (Hà Nội) đã dành thời gian, trí lực khám-chữa bệnh miễn phí cho hàng ngàn người nghèo tại Gia Lai. Suốt quãng thời gian đó, ông chưa từng lỡ hẹn với Phố núi.
 


Khi Tây Nguyên vào mùa mưa dầm cũng là lúc Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Duy Thắng gác lại mọi công việc ở Hà Nội để vào Gia Lai. Ông dành 2 tuần lưu trú tại Bệnh viện 331 (TP. Pleiku) để khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Lý do ông chọn mùa mưa để làm việc này thật đơn giản: “Mùa mưa, bà con ít đi làm mới có thời gian đi thăm khám. Tôi biết nhiều người nghèo bị đau nhưng tham công tiếc việc, để bệnh tiến triển nặng rất khó cứu chữa, thương lắm!”.
 

Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Duy Thắng (thứ 2 từ trái sang) trực tiếp nội soi cho bệnh nhân tại Bệnh viện 331 (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Giang
Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Duy Thắng. Ảnh: Nguyễn Giang


Tận tâm với bệnh nhân nghèo

Năm 2006, khi còn là Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), bác sĩ Thắng đã dành thời gian đi hỗ trợ cho nhiều bệnh viện trên cả nước, trong đó có Bệnh viện 331 tại Gia Lai.

Nhớ như in lần đầu tiên đến với bệnh nhân nghèo trên mảnh đất Tây Nguyên, vị bác sĩ đầu ngành về bệnh lý tiêu hóa này kể: “Đầu tiên là thương các bạn đồng nghiệp khi phải căng mình cứu chữa bệnh nhân trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị y tế. Sau đó là trân trọng những người dân đang dành trọn niềm tin cho Bệnh viện 331 khi vẫn chọn nơi đây để khám-chữa bệnh. Tôi đã cầm tay nhiều bệnh nhân và cúi đầu để cảm ơn họ vì điều đó. Tôi đã hứa với họ sẽ quay lại. Và Gia Lai là nơi duy nhất tôi duy trì lịch khám miễn phí hàng năm cho bệnh nhân nghèo”.

Không chỉ ngỡ ngàng trước cử chỉ đầy ấm áp của một chuyên gia y tế đầu ngành mà nhiều bệnh nhân còn xúc động mạnh khi biết trong thời gian thăm khám, ông không có khái niệm “hết số” mà chỉ là “hết bệnh nhân”. Ngay từ ngày đầu tiên, ông đã tự tay nội soi dạ dày, đại tràng cho các bệnh nhân đến 18 giờ.

Dù cường độ làm việc cao nhưng chưa một lần ông tỏ ra mỏi mệt. Ngược lại, ông còn truyền đi nguồn năng lượng tích cực để tất cả mọi người cảm nhận được một ngày ý nghĩa. Điều ông luôn nhắc nhở đội ngũ y-bác sĩ, nhân viên bệnh viện là hãy đặt mình vào vị trí người bệnh để hiểu những lo lắng, từ đó chia sẻ, đồng cảm, nhẹ nhàng giúp đỡ và cảm ơn họ đã chọn nơi đây để khám bệnh, điều trị.

Được trực tiếp khám-chữa bệnh cho nhân dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn luôn là mong muốn của bác sĩ Thắng. Do đó, dù ở cương vị nào, ông cũng luôn trực tiếp khám, kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Để nâng cao hiệu quả công việc, ông không ngừng nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp điều trị tiên tiến nhất cho người bệnh. Năm 2003, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y học với đề tài: “Nghiên cứu vai trò của Helicobacter pylori trong loét dạ dày qua tỷ lệ nhiễm và kết quả điều trị” tại Trường Đại học Y Hà Nội, góp phần mở ra phương pháp điều trị nội khoa không cần can thiệp ngoại khoa đối với bệnh nhân loét dạ dày. Sau khi luận án được áp dụng, nhiều bệnh nhân đã không phải mổ cắt dạ dày như trước.

Là người nắm giữ nhiều trọng trách, lịch làm việc dày đặc nhưng bác sĩ Thắng vẫn luôn sắp xếp để giữ trọn lời hứa với bệnh nhân nghèo tại Gia Lai. Ông bảo: “Với tôi, lời hứa với bệnh nhân rất quan trọng, nhất là với bệnh nhân nghèo. Có nhiều bệnh nhân đã được tôi thăm khám suốt hơn 10 năm qua. Năm nào tôi về, họ cũng tới tái khám. Nếu tôi không về, họ sẽ không yên tâm, đâm ra lo lắng lại sinh bệnh tật, thương lắm!”.

Tấm lòng hết mình vì người bệnh của bác sĩ Thắng khiến nhiều bệnh nhân xúc động, cảm kích. Chị Hoàng Thị Thiện (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) cho biết: “Tôi bị đau đại tràng nhưng đi khám nhiều nơi đều chẩn đoán đau dạ dày, uống thuốc triền miên mà không bớt. 3 năm trước, tôi may mắn được bác sĩ Thắng trực tiếp nội soi, thăm khám. Tôi uống thuốc bác sĩ kê nên đã bớt hẳn. Sau này tìm hiểu thêm về bác sĩ Thắng, tôi lại càng thấy mình may mắn. Lần này, biết bác sĩ về, tôi đi tái khám và nói lời cảm ơn ông vì đã quá tận tâm với những bệnh nhân nghèo như tôi”.

Góp chuyện với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thành Chung-Phó Giám đốc Bệnh viện 331-trân trọng: “Bệnh viện 331 rất may mắn khi được đón thầy về thăm khám cho bà con. Còn chúng tôi thì quá vinh dự khi được làm việc cùng thầy và học được ở thầy rất nhiều điều, đáng quý nhất là tấm lòng của một thầy thuốc đối với nhân dân”.

“Như người thân xa cách trở về nhà”

Hơn 40 năm công tác trong ngành y, bác sĩ Thắng đã có rất nhiều cống hiến, đặc biệt là hàng chục công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Thế nhưng, ít ai biết rằng, bên trong người thầy thuốc này còn ẩn chứa một tâm hồn thi sĩ dào dạt chảy và đến nay, ông đã xuất bản 6 tập thơ.

Trong mạch nguồn cảm xúc ấy, ông dành riêng một góc cho Phố núi Pleiku: “Pleiku ơi lại một lần tôi đến/Lại một lần tôi đến để rồi xa/Nơi phố nhỏ níu chân tôi ở lại/Như người thân xa cách trở về nhà”.
 

Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Duy Thắng (thứ 2 từ trái sang) trực tiếp nội soi cho bệnh nhân tại Bệnh viện 331 (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Giang
Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Duy Thắng (thứ 2 từ trái sang) trực tiếp nội soi cho bệnh nhân tại Bệnh viện 331 (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Giang


“Lần đầu tiên đến Gia Lai, đặt chân xuống Sân bay Pleiku trong tiết trời se lạnh, tôi đã yêu mến sự bình yên của phố, sự mát lành của không khí, khác hẳn với những chộn rộn của phố phường Hà Nội. Lãnh đạo Bệnh viện 331 muốn tôi lưu trú ở khách sạn nhưng tôi từ chối. Vào đây với bệnh nhân nghèo, tôi muốn ăn, ở tại viện để được gần họ. Tôi có nhiều thời gian thăm hỏi bệnh nhân ở các khoa. Và khi nhìn bệnh nhân nằm trong các căn phòng xập xệ của viện khi ấy đã khiến trái tim tôi thắt nghẹn. Kể từ lần đầu tiên đó, tôi đã thấy thương Bệnh viện 331 rồi. Năm 2014, bệnh viện này chuyển về trực thuộc Sở Y tế Gia Lai, tôi vẫn xin mỗi năm 2 tuần khám cho bệnh nhân nghèo tại đây. Có lẽ là duyên nợ và đã từ lâu, tôi xem Pleiku là ngôi nhà thứ hai của mình”-bác sĩ Thắng trải lòng.

Bên quán Thềm xưa (TP. Pleiku), nhâm nhi ly cà phê nóng trong tiết trời mưa nhè nhẹ, được tiếp chuyện cùng ông, chúng tôi không khỏi cảm phục trước sự khiêm cung, giản dị của người thầy thuốc này. Ông tâm sự: “Sau những giờ khám bệnh căng thẳng, cởi chiếc áo blouse trắng ra, tôi rất thích đến những quán cà phê ở Phố núi Pleiku. Con người nơi đây thân thiện, mến khách. Tôi thường chọn một góc ngồi yêu thích để trải lòng với thơ”.

Dành thời gian đọc 6 tập thơ đã xuất bản của bác sĩ Thắng, trong đó có đến hơn 40 bài viết riêng cho Gia Lai, cho Pleiku mới thấy hết tình cảm gắn bó sâu nặng mà ông dành cho mảnh đất cao nguyên này. Và điều đặc biệt là khi viết về Phố núi Pleiku, ông không dùng chữ “đến” hay chữ “tới” mà là “về” hoặc “trở về”. Đây là minh chứng rõ nhất cho điều mà ông đã nói-“xem Pleiku là ngôi nhà thứ hai của mình”. Ví như trong bài “Nỗi nhớ”, ông viết: “Về Pleiku hãy về lại đi anh/nơi thừa gió và bạt ngàn cái nắng/nơi nỗi nhớ chẳng bao giờ thiếu vắng/anh hãy về phố nhỏ nghe anh”.

14 năm không một lần lỡ hẹn với Phố núi. Và bác sĩ Thắng chia sẻ, ông vẫn sẽ tiếp tục dành thời gian, trí lực cho bệnh nhân nghèo Gia Lai. Ông cũng sẽ dành trọn cảm xúc cho Phố núi trong những vần thơ của mình. Những bài thơ về mảnh đất Pleiku xinh đẹp, chan chứa tình người sẽ được ông đưa vào tập thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ” xuất bản trong thời gian tới.

PHƯƠNG LOAN-NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm