Thế hệ trẻ với bảo tồn văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta hay nhận xét rằng: Văn hóa, truyền thống Tây Nguyên đang xuống cấp trầm trọng, dần bị thu hẹp hay phai nhạt theo thời gian… với tôi đại diện cho thế hệ trẻ Jrai nói riêng và người Tây Nguyên nói chung còn yêu quý và mong muốn gìn giữ các giá trị văn hóa, truyền thống của chính dân tộc mình thì khi nghe những lời nhận xét ấy rất chạnh lòng, dù tôn kính, quý trọng đến mấy cũng phải ngậm ngùi mà thừa nhận lời khẳng định đó là sự thật, là nỗi buồn và nỗi niềm trăn trở làm sao để thay đổi nhận định thực tại đó.
Ngân vang cồng chiêng.
Ngân vang cồng chiêng.
Không phải thông qua các cuộc khảo sát, bản thân tôi khi về buôn làng người Jrai cũng đã tận mắt chứng kiến sự thay đổi đó, nếp sinh hoạt vốn có như: Dùng chung nguồn nước thể hiện sự đoàn kết nội bộ trong một làng, vẻ mộc mạc, đơn sơ được phản ánh qua việc dùng quả bầu, cây tre đựng nước, nếp nhà sàn khang trang thể hiện nét kiến trúc truyền thống cố hữu của người Jrai, Bahnar đã dần thay thế bằng những ngôi nhà xây hiện đại, những thay đổi đó có thể hiểu và dễ thông cảm bởi đó là tiêu chuẩn mà cuộc sống hiện đại buộc phải thích nghi, thế nhưng việc duy trì sinh hoạt “Không gian văn hóa cồng chiêng” trong cộng đồng của người Tây Nguyên đang gặp nhiều biến cố, không gian vốn có để nó tồn tại thực sự bị bó hẹp và mất dần theo năm tháng mà nguyên do chủ yếu là hoàn cảnh, môi trường sống tác động, những bìa rừng với hình ảnh cây cối rậm rạp nơi tồn tại của các nhà mồ nay đã dần thay thế bằng cánh đồng trơ trọi, lễ bỏ mả, mừng lúa mới, cúng nương rẫy… có nơi vẫn diễn ra song cái chất linh thiêng, không khí “xưa” của nghi lễ có lẽ đã không còn bởi mọi nghi lễ, hình thức sinh hoạt cần song hành với không gian mà nó tồn tại.
Giờ đây việc duy trì sinh hoạt cồng chiêng tại các buôn làng trở nên hiếm hoi, có chăng cũng chỉ diễn ra lẻ tẻ trong những dịp lễ, Tết, kết nghĩa giữa các làng, vì không còn giữ giàn cồng chiêng nên một số làng mỗi khi có việc cần đến lại phải chạy đi thuê, đi mượn. Giờ đây tiếng chiêng dường như quá xa xỉ, muốn nghe hay đắm mình trong nhịp xoang cũng phải chờ dịp, nghĩ mà xót!
Nhiều lúc tôi tự hỏi có bao nhiêu người Jrai, Bahnar hay các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là các bạn trẻ nhận thấy sự thay đổi ấy và biết có thái độ đúng đắn hơn, sẵn sàng chung tay hành động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình đang dần mai một, một giá trị văn hóa mang tầm cỡ thế giới và vượt qua một không gian rộng lớn như vậy chừng ấy quá đủ để chúng ta thay đổi thực trạng hiện tại mà trước hết là thay đổi từ nhận thức.
Và hơn ai hết thế hệ trẻ Jrai, Bahnar- những người đang chịu sự chi phối, ảnh hưởng sâu sắc bởi lối sống, văn hóa du nhập từ trong lẫn ngoài nước cũng cần phải hiểu được rằng: Nguồn gốc mới là nền tảng cơ bản hình thành nên nhân cách con người, biết yêu quý các giá trị mang tính lịch sử mà cha ông ta đã dốc công gầy dựng trong quá khứ, phát huy chúng bằng cách vận dụng linh hoạt vào đời sống thực tại, có như vậy chúng ta mới thể hiện được khả năng sáng tạo cũng như năng động của tuổi trẻ.
Cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu thì ý thức nguồn cội, văn hóa truyền thống càng phải được gìn giữ bấy nhiêu. Đó đồng thời vừa là trách nhiệm của lớp người đi trước vừa là của thế hệ trẻ.
Ksor H’Yuên

Có thể bạn quan tâm