Phóng sự - Ký sự

Thêm mấy chuyện chép từ Lý Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lý Sơn, đảo của những kình ngư hiên ngang Hoàng Sa, Trường Sa trên hàng ngàn con tàu, ai cũng có thể là “sói biển”. Từng lừng lẫy “sói biển” Mai Phụng Lưu, gần đây là Bùi Văn Phải (32 tuổi)… Còn chuyện về “sói già” 70 tuổi Nguyễn Quốc Chinh thì miên man như sóng gió ngàn năm nơi đảo nhỏ tiền tiêu này.
Chép bia trên đảo Hoàng Sa
Bóng tối phủ dần xuống đảo Lý Sơn từ lúc nào. Trong ngôi nhà gỗ hơn 200 tuổi của ông Chinh, bóng tối cũng đã len vào nhưng chủ nhân vẫn mải mê nói, chưa buồn đứng dậy bật điện. Câu chuyện cùng bao trăn trở về biển về bờ khiến ông có vẻ không dứt ra được. Không muốn ngắt mạch.
Hỏi về việc lấy mùng mền dựng buồm để chạy thoát bão, ông Chinh nói lúc đó không làm vậy thì chỉ bó tay chờ chết. Tôi nhớ lại một kỷ niệm đau buồn, cũng chính cơn bão khủng khiếp năm 1992 này, tôi mất một người bạn thân thiết cùng đại học. Bạn quê Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam), rời nghề biển quyết học đại học để đổi phận nghèo. Nhưng ra trường không có tiền “quà cáp” xin việc, bạn đành đi biển một chuyến cuối cùng để kiếm ít tiền, và vĩnh viễn nằm lại biển khơi...
Ngôi nhà và mảnh vườn nhỏ khuất trong ngõ ở khu dân cư số 5 (đội 13) An Hải, mà nếu nhìn băng qua bức tường và cái quán trước mặt thì sẽ thấy biển. Nhà bằng gỗ, ông bảo đã 4-5 đời rồi. Bàn thờ gỗ lớn trang trọng giữa nhà vẫn giữ nguyên như xa xưa, hương khói liên tục hơn 200 năm. Những cây cột nhà cũng vậy, im lìm vững chãi. Thời xưa nhà nhìn thẳng ra biển, tuy vách đất nhưng hệ thống kèo rường cột bằng gỗ quá chắc chắn, nên là nơi cả xóm thường đến tránh trú gió bão mà không sợ sập.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Chinh trong chuyến thăm đảo Lý Sơn tháng 4/2013. Ảnh: TL
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Chinh trong chuyến thăm đảo Lý Sơn tháng 4/2013. Ảnh: TL
Ông Chinh kể, năm 1966 ông già có gia cố nhà nhưng kết cấu và vật liệu không thay đổi gì. Đến giờ vẫn tiếc là bị mất trộm cặp liễn đối quý hiếm khảm xà cừ trên gỗ cẩm xe trên có ghi dòng chữ “Hoàng triều Gia Long nhất niên” treo trên vách. Còn bộ tùng mai điểu khảm đá trên gỗ cũng đã mấy đời người nay vẫn còn.

Ông Nguyễn Quốc Chinh với những cuốn sổ tay ghi hải trình hơn 30 năm đi biển. Ảnh: Trần Tuấn
Ông Nguyễn Quốc Chinh với những cuốn sổ tay ghi hải trình hơn 30 năm đi biển. Ảnh: Trần Tuấn
Tôi ngó quanh bốn vách tường gỗ treo kín các loại bằng khen, giấy khen. Ngoài chứng nhận khen thưởng với tư cách Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, còn có những Huân huy chương Chiến sĩ vẻ vang, Kỷ niệm chương của Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng mang tên Thượng sĩ Nguyễn Quốc Chinh.
Sinh năm 1953, năm 1974 ông thoát ly đi bộ đội đóng ở vùng Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), sau đó ra Trà My (Quảng Nam) học ở QK5, rồi đi chiến trường Campuchia. Năm 1982 ra quân vì hoàn cảnh gia đình. Cũng từ đó ông gắn vào nghiệp biển. Thời ấy thiết bị định vị, thông tin liên lạc tàu cá thô sơ hầu như chưa có gì. Ông tự chế thiết bị đo hải đồ và cách điều chỉnh la bàn. Nghĩa là dùng hải đồ để tính toán đường đi trên thực tế, kết hợp nghe radio.
Đến vùng nào nghe đài nơi đó đoán giọng để biết đang ở địa bàn nào. Ngoài ra còn dựa vào thủy triều, độ dạt của con tàu. Tàu nhỏ, thiết bị tự chế thô sơ nhưng nghiệp biển kéo dài suốt 30 năm liên tục của cựu binh Nguyễn Quốc Chinh đã dọc ngang vịnh Bắc bộ, Trung, Nam bộ, và khắp cả vùng biển Đông Nam Á. Vừa nói, ông vừa lúi húi lục ngăn dưới chiếc tủ thờ lôi ra một đống sổ tay, tài liệu. Đọc qua, thấy chi chít dòng viết tay nghiêm ngắn mô tả rất cụ thể về từng mét biển, hòn đảo, cũng như cách thức dò đường từng chuyến đi một. Những dòng chữ có tuổi đời ngót bốn chục năm…
Ông Chinh ra Hoàng Sa lần đầu năm 1982. Lần ấy lên hòn đảo phía Tây Nam (thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm) của quần đảo Hoàng Sa lớn, ông thấy trên đó có một cột mốc ghi tên Phạm Quảng Ảnh, cũng chính là đảo mang tên Phạm Quang Ảnh do người Việt từ xa xưa đặt tên. Lúc đầu ông thấy bia bằng đá chôn trên cát dưới to trên nhỏ dần, ghi bằng chữ Hán gồm 3 chữ lớn phía trên và mấy chữ nhỏ bên dưới. Cứ tưởng là bia mộ. Về làng kể lại, các cụ tỏ ra quan tâm muốn biết chữ gì. Ông bèn chạy ra lại Hoàng Sa, lên đảo xé miếng giấy bìa cứng “đồ” lại nguyên xi mấy hàng chữ đem về.
Cụ Mai Mẹo, một bậc túc nho, cùng các cụ đồ ở Lý Sơn đọc xong liền ồ lên. Thì ra đó là mấy chữ “Phạm Quang Ảnh - Hoàng triều Gia Long nhất niên”. Đọc lại lịch sử thấy trong Đại Nam thực lục chính biên ghi rằng “Tháng Giêng năm Ất Hợi (1815), vua (Gia Long) sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc Đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình”. Cai đội Phạm Quang Ảnh là người làng An Vĩnh, Lý Sơn, sau đó còn nhiều lần ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Lần cuối cùng ông cùng 24 người lính Đội Hoàng Sa mất tích ngoài khơi, vua Gia Long đích thân ra Lý Sơn làm lễ chiêu hồn các tử sĩ, và cho lập mộ gió. Đó chính là những ngôi mộ gió đầu tiên tại Lý Sơn, mở đầu tập tục tâm linh bi tráng ấy nơi đảo nhỏ tiền tiêu.
Lấy mùng mền làm buồm vượt bão
Thời điểm xảy ra cuộc chiến đấu Gạc Ma 14/3/1988, một tàu hải quân của ta chạy về còn cách Lý Sơn khoảng 1 hải lý thì bị chết máy, không nhúc nhích được. Lúc này bão đang kéo vào. Quân khu báo ra, ông Chinh liền xung phong dùng con tàu cá hơn trăm sức ngựa nhỏ xíu vượt sóng dữ ra kéo tàu hải quân vào đảo, chờ đất liền đưa người ra sửa. Hỏi cách nào kéo được hay vậy, ông cười trả lời rằng dùng dây tời lưới buộc tàu lại rồi cứ thế ì ạch mà kéo thôi.
Năm 1991, tàu cá của ông gồm 13 người bị tàu Trung Quốc nổ súng truy đuổi và bắt đưa vào đảo Phú Lâm. Những ngư dân Lý Sơn được ném cho một chồng giấy tờ văn bản yêu cầu khai báo rồi ký tên, lăn tay điểm chỉ. Ông chống lại, và hô anh em không ai được ký. Sau một tuần, 13 ngư dân bị đưa về đảo Hải Nam nhốt tiếp hơn 2 tháng trời. Ông nhớ vào ngày cuối, ngày thứ 75, phía Trung Quốc cho ngư dân ăn một bữa ngon, thịt cá tươm tất, lại còn cho quần áo để thay. Không biết họ có ý định gì nên ông cảnh giác bảo anh em không ăn, không mặc. Sau có người thông dịch, nói là mọi người sẽ được thả về nhà. Cả nhóm được trả về Việt Nam bằng đường bộ qua cửa khẩu biên giới ở Quảng Ninh, bắt xe về Quảng Ngãi rồi đón tàu về lại đảo.
Tháng 5/1992, ông Chinh gặp trận bão lớn, do không được cho vào đảo ở Hoàng Sa neo đậu tránh bão nên tàu bị chìm tàu. Con tàu câu mực dềnh dàng giàn phơi nên không chìm hẳn mà lấp ló một phần trên mặt biển. Suốt 7 ngày đêm, ông cùng các ngư dân uống nước tiểu, vớt rong biển ăn cầm cự chờ được cứu. May mắn sau đó một tàu câu mực của ngư dân Đức Phổ đồng hương Quảng Ngãi ngang qua phát hiện cứu vớt. Nhưng rồi con tàu cứu hộ nhỏ chỉ 108 sức ngựa này lại hết dầu. Giữa lúc sóng gió tuyệt vọng, ông đem hết mùng mền trên tàu ra treo lên làm buồm, mượn sức gió hướng cho tàu bò vào bờ. Còn phải tự tính toán hải trình sao cho hướng đúng về Lý Sơn. Đến ngày thứ 14, khoảng 4 giờ chiều khi về cách Lý Sơn chừng 21 hải lý thì may mắn gặp được một tàu cá khác. Xin được 1 can dầu, nổ máy chạy tiếp đến 8 giờ sáng hôm sau thì cập được Lý Sơn. Anh em cám ơn, tiếp dầu cho tàu cứu mạng để họ chạy về quê Đức Phổ.
Sau vụ mất tàu, ông Nguyễn Quốc Chinh lại vay mượn đóng tàu mới tiếp tục bám biển thêm hàng chục năm, đến 2011 thì lên bờ. Rồi ông thành lập và tham gia điều hành Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải từ đó đến nay - là nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên của Việt Nam.
Theo Trần Tuấn (TPO)
https://tienphong.vn/them-may-chuyen-chep-tu-ly-son-post1500353.tpo

Có thể bạn quan tâm