Phóng sự - Ký sự

Theo dấu chân voọc Cát Bà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tồn tại duy nhất trên quần đảo Cát Bà (H.Cát Hải, TP.Hải Phòng), đàn voọc Cát Bà có khoảng 60 con, là loài linh trưởng quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Voọc Cát Bà trên vách đá ẢNH: LÊ TÂN
Voọc Cát Bà trên vách đá. Ảnh Lê Tân
Tồn tại duy nhất trên quần đảo Cát Bà (H.Cát Hải, TP.Hải Phòng), đàn voọc Cát Bà có khoảng 60 con, là loài linh trưởng quý hiếm, nằm trong Sách đỏ VN và Danh mục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.
Hành trình theo dấu chân voọc của chúng tôi bắt đầu từ 4 giờ sáng tại bến Bèo (TT.Cát Bà, H.Cát Hải). Người đưa chúng tôi đi là ông Nguyễn Huy Cầm, Phó trạm trưởng Trạm kiểm lâm Cát Dứa (Hạt Kiểm lâm Cát Bà), người nhiều năm cộng tác cho Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (Fauna & Flora International). Đi cùng chúng tôi còn có Đỗ Bảo Ngọc (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Lâm nghiệp), đang làm nghiên cứu về tiếng kêu của loài voọc.
Ông Nguyễn Huy Cầm, người gác voọc ở Cát Bà
Ông Nguyễn Huy Cầm, người gác voọc ở Cát Bà
Đánh nhau giành quyền làm chồng
Điểm đầu tiên chúng tôi tiếp cận là khu vực bán đảo Cửa Đông. Trời còn chưa sáng. Ông Cầm hướng ống nhòm lên vách núi dựng đứng, giải thích: “Cửa hang voọc thường có những vệt màu vàng ố là nước tiểu của voọc. Nếu vết này còn đậm, mới thì có thể đàn voọc đã ngủ ở đây”. Rồi ông bảo, kia rồi, 1 đàn 6 con trên đỉnh núi. Tôi hướng máy quay và màn hình hiện rõ 6 con voọc ngồi trên vách đá, cách khoảng 200 m. “Đàn này có cấu trúc đầy đủ với 1 con đực trưởng thành và 5 con cái. Trước còn có 2 con voọc non nhưng đã bị 1 con đực giết chết khi cướp đàn”, ông Cầm nói.
Rời đàn voọc 6 con, ông Cầm chỉ cho tôi 1 con voọc đực đi lẻ, nặng khoảng 10 kg, đang ngồi trên mỏm đá nhìn chúng tôi. Nó nhe răng như dọa dẫm rồi chổng mông, cắm mặt vào hốc đá. Ông Cầm giải thích: “Nó uống nước biển hắt lên đấy, chắc thiếu muối. Voọc ăn lá và quả cây, ăn được cả lá, quả độc như lá cây sơn mà nhiều người chỉ đứng gần đã bị dị ứng”. Đùi trái con voọc có một vết thương, ông Cầm bảo: “Thằng này bị thương khi đánh nhau với con voọc đực khác để cướp đàn, một việc thường xuyên xảy ra trong cộng đồng voọc. Với số lượng ít và tính sở hữu cao, mỗi đàn voọc thường chỉ có 1 con đực trưởng thành, làm chồng một dàn voọc cái”.
Những con đực khi trưởng thành sẽ bị đuổi đi để tự kiếm đàn, bằng cách đánh nhau với một con đực đầu đàn khác, ông Cầm gọi là “cướp đàn”. “Có một con đực lang thang khắp đảo để tìm gái. Đánh mãi không cướp được đàn nào, nhiều khi nó làm "phi công trẻ" cho một con voọc cái già nào đó, nhưng có lẽ nhanh chán, lại lang thang một mình”, ông Cầm kể.
“Để cướp đàn, chúng dùng răng cắn xé lẫn nhau, gây ra những vết thương nặng, chảy nhiều máu. Chiến thắng chỉ đến nếu một con đực chết hoặc bỏ chạy. Con đực mới còn tìm cách giết con non của con đực cũ như ở đàn voọc 6 con vừa nãy. Đây cũng là nguyên nhân khiến đàn voọc ở Cát Bà chậm phát triển. Rất khốc liệt nhưng con người không nên can thiệp, vì đó là sự chọn lọc tự nhiên”, ông Cầm kể và cho biết nhiều khi con đực quay lại giết bố và giao phối với mẹ, hoặc chị, em, khiến đàn voọc Cát Bà rơi vào tình trạng giao phối cận huyết, làm suy thoái nòi giống.
 
Voọc Cát Bà trên vách đá
Voọc Cát Bà trên vách đá
“Chia tay” con voọc đực, chúng tôi chạy ca nô về phía hòn Đầu Lợn khi nắng đã lên. Tại đây có một vịnh nhỏ bao quanh là núi đá, nước lặng như tờ, dưới bãi cát là 3 con voọc nhỏ đang nô đùa, trên vách đá là mấy con voọc trưởng thành đang ngồi xem. Voọc con khi mới sinh lông có màu vàng cam tuyệt đẹp. Sau khoảng 2 tháng, lông voọc con chuyển màu đen. Voọc trưởng thành khi 6 tuổi, voọc cái đẻ mỗi lần 1 con, sau 6 tháng mang thai. “Đến nay, tôi ghi nhận được một con voọc già nhất là khoảng hơn 20 tuổi”, ông Cầm nói.
Đàn voọc ở hòn Đầu Lợn có 11 con và khá dạn người, nhưng chúng tôi chỉ tiếp cận được khoảng 50 m thì chúng đã gọi nhau lên vách núi tránh nắng bằng cách quăng mình trên cành cây. Một con non mới sinh được mẹ bế trước ngực. Con đầu đàn luôn chiếm một vị trí cao nhất để quan sát và cảnh giới, nó liên tục phát ra tiếng gầm gừ lạ tai. “Hằng ngày đi làm tôi không phát ra tiếng động, hôm nay thấy mình nói chuyện nhiều quá nên nó ngứa mắt và cảnh báo đấy”, ông Cầm dí dỏm.
Một ngày của “người gác voọc”
Rời đảo Đầu Lợn, chúng tôi đến đảo Nam Cát và lại thấy 3 con voọc đực nhảy chồm chồm ngay trên đầu. Đây là 3 trong 5 con voọc đực lang thang. Ông Cầm bỗng bắt tay tôi, nói: “Anh quá may nhé! 20 năm qua, tôi chưa dẫn ai đi mà gặp được nhiều voọc như thế này”. Tính ra, trong một buổi sáng, chúng tôi đã gặp đến 23 con voọc trong số khoảng 60 con voọc Cát Bà cuối cùng của toàn thế giới.
Từ năm 2000, ông Cầm đã hợp tác với dự án Bảo tồn voọc Cát Bà, do một tổ chức quốc tế tài trợ. “Thời đó thiếu kinh nghiệm về loài này, chúng tôi phải đến từng hộ dân đăng ký “mua tin” để khi họ thấy voọc thì gọi điện thông báo. Rất nhiều lần người dân nhầm sóc với voọc. Khi đó, chúng tôi phải đi bộ vào rừng tìm voọc, rất vất vả. Mãi sau này mới biết dùng ca nô ra biển tìm thì mới gặp chúng nhiều hơn”.
Từ năm 2014, ông Cầm trở thành cộng tác viên cho Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế và được cấp ca nô, máy ảnh, ống nhòm, nhiên liệu để giám sát đàn voọc. Thông tin của ông Cầm sẽ được trao đổi với dự án bảo tồn voọc để phối hợp bảo vệ đàn voọc. Công việc này khiến ông Cầm ngày nào cũng chạy ca nô đi kiểm tra đàn voọc. “Nhiều lần mình bị mắc cạn, phải ngủ qua đêm trên vịnh, nên trên ca nô lúc nào cũng có nước, thức ăn, bếp gas”, ông Cầm kể.
Ngày nào cũng vậy, khi đã đi xong một vòng để ghi chép, cập nhật số liệu đàn voọc, ông Cầm lại dành chút thời gian ngắm nhìn, chụp ảnh, ghi hình những người bạn linh trưởng của mình. Sự say mê, tận tụy của ông với đàn voọc khiến nhiều người gọi ông là “người gác voọc”.

Theo dự án Bảo tồn voọc Cát Bà, những năm 1960, trên đảo Cát Bà có khoảng 2.500 - 2.700 cá thể voọc. Người dân địa phương cho biết, họ có thể nhìn thấy voọc ở khắp mọi nơi và bị săn bắn. Đến năm 1999, quần thể voọc Cát Bà suy giảm đến mức báo động và được một số tổ chức của Đức hỗ trợ và thành lập dự án Bảo tồn voọc Cát Bà năm 2000 nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài voọc Cát Bà. Khi đó, chỉ còn 40 cá thể voọc Cát Bà. Hiện nay, có khoảng 60 cá thể voọc Cát Bà được ghi nhận tồn tại.

Lê Tân (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm