Phóng sự - Ký sự

Theo dấu trà Shan: Lên miền trà cổ thời Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo dấu trà Shan là hành trình khám phá những vùng trà cổ thụ khắp chiều dài Đông - Tây Bắc, từ Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên.
 
Thôn nữ H’Mông hái trà vụ xuân trong nắng sớm Giàng Pằng. ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
Theo dấu trà Shan là hành trình khám phá những vùng trà cổ thụ khắp chiều dài Đông - Tây Bắc, từ Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, khơi lại sản phẩm đặc sản danh tiếng trong ngành trà thế giới, đã và đang bị lãng quên ngay trên quê hương mình.
Đất lạ Giàng Pằng
Đến thôn Giàng Pằng (xã Sùng Đô, H.Văn Chấn, Yên Bái) lúc trời sụp tối, ngồi trong Hợp tác xã (HTX) trà Sùng Đô chưa ấm chỗ đã thấy trưởng thôn cùng công an kéo đến. Dân bản nhốn nháo, loa phát thanh tiếng H’Mông inh ỏi, yêu cầu khách rời Giàng Pằng ngay trong đêm.
Với người làm trà cổ thụ, vụ xuân bao giờ cũng được mong đợi nhất, bởi sau hơn 5 tháng ngủ đông, trà Shan lại đơm chồi, cho những búp non ví là “vàng xanh” núi rừng. Mùa “vàng xanh” rộ, đúng lúc dịch Covid-19 hoành hành. Trên non cao Giàng Pằng, người H’Mông bản địa vừa thu hái vụ trà xuân vừa nghiêm ngặt chống dịch theo lời kêu gọi của Thủ tướng.
Tách biệt với thế giới văn minh, chưa có đường điện, gặp ngày mưa chỉ đi bộ mới có thể tiếp cận 74 hộ dân người H’Mông bản Giàng Pằng, nhưng miền đất heo hút ấy lại là vùng trà nguyên sinh 70 ha, với những cây đại thụ tuổi đời hơn 600 năm, thân to hai người ôm (100 cây trà từ 100 năm tuổi trở lên tại đây mới được công nhận là quần thể Cây di sản Việt Nam).
Nghe tả nhiều về khắc nghiệt, hiểm nguy của cung đường Văn Chấn - Giàng Pằng, nhưng khi chạm mặt mới thực sự nản. Đường không ra đường, ngồi xe lắc lư điên cuồng, chậm như đi bộ. Trời tối dần, cung đường núi vắt vẻo qua vách núi nhiều phen nhìn cửa kính phải thót tim vì lằn xe cách mép vực sâu hoắm chừng gang tay. Anh lái xe cho biết đây là ngày hiếm hoi trời đẹp, đường khô ráo, người điều khiển xe chứ không phải đường.
 
Trà cổ thụ mọc khắp nơi quanh làng Mảnh thuộc xã Sùng Đô, Yên Bái
Thấy khách ngạc nhiên, anh Ninh bảo thêm: “Trời mưa chút thôi, đường trơn như mỡ, xe tự trôi, muốn điều khiển cũng không theo ý mình. Ngày trước, cán bộ trên bản xuống huyện họp, đi - về mất hai ngày đường, toàn đi bộ. Còn nếu đi xe máy, phải có tí men say mới đủ can đảm cầm lái”.
Gần 4 giờ đồng hồ gồng mình cùng dằn xóc, thôn Giàng Pằng mở ra nơi sườn núi, từng nóc mái chen trong vạt rừng. Vào lán Dũng - Hương ngay đầu bản, cũng là xưởng trà của HTX Sùng Đô, chỉ loáng cái, cán bộ công an địa phương gọi điện thoại đến nhà Dũng - Hương, yêu cầu khách rời bản lập tức vì sợ bị lây dịch. Loa phát thanh tiếng H’Mông vang vọng thông báo có người lạ đến bản, cả bản xôn xao, đèn đóm lập lòe, chó sủa khắp nơi. Một công an viên và cán bộ xã có mặt, lấy thông tin lịch trình di chuyển và yêu cầu khách thông cảm, phải rời bản để đảm bảo an toàn cho bà con.
Cuối cùng phải nhờ đến anh chủ nhiệm HTX bảo lãnh và Chủ tịch H.Văn Chấn can thiệp bằng cách liên lạc về xã Sùng Đô, đảm bảo cho khách ở lại Giàng Pằng mới êm xuôi.
 
Búp non phủ lông tơ trắng muốt, một đặc điểm nhận dạng của trà Shan cổ thụ. ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
Miền trà di sản
Giấc đêm qua nhanh ở Giàng Pằng, trời tinh mơ sáng, mây vờn quanh khắp thôn bản, nhìn trên vạt núi, đâu cũng thấy cây trà xanh um.
Giàng Pằng nằm ở độ cao 1.700 m cách mực nước biển, một vị trí lý tưởng cho trà Shan cổ thụ phát triển. Vụ xuân năm nay HTX sản xuất trà Sùng Đô, với thành viên là cư dân Giàng Pằng đã đi vào hoạt động, có sản phẩm ra thị trường, đảm bảo việc bao tiêu nguyên liệu khi thu hái cho bà con, không lo ngại bị thương lái nước ngoài đến phá giá, khai thác bừa bãi, tận thu gây hại cây như những năm trước.
Đa dạng hương vị trà Shan
Nguyên liệu trà Shan ở Việt Nam có thể khoanh thành ba vùng. Trà Shan Điện Biên có độ chát cao nhất trong trà Việt, bởi đây là vùng chịu ảnh hưởng nhiều của gió Lào, khí hậu đêm lạnh, ngày nắng gắt trực tiếp, đẩy mạnh quá trình quang hợp, chuyển hóa axit amin thành polyphenol, tạo cho trà có độ tannin (chất chát) cao.
Hà Giang có các vùng trà Shan dọc theo dãy Hoàng Su Phì, Tây Côn Lĩnh, tất cả đều mây mù che phủ quanh năm, hạn chế quang hợp. Khi thiếu ánh sáng, axit amin được giữ nguyên, trà có vị ngọt cao hơn tất cả các vùng trà khác.

Khu vực còn lại nằm giữa Đông - Tây Bắc, mây mù và nắng khá đồng đều, trà mọc ở những vùng núi đá khắc nghiệt, cao độ như ở Tà Xùa (Sơn La), Sùng Đô (Yên Bái)… có nội chất cân bằng, ngọt - chát đồng đều, địa chất nhiều đá, khoáng, tạo cho trà hương vị nổi trội.

Vũ Thị Hương, một người dân bản Giàng Pằng, cho biết: “Cách đây hai tuần, lái buôn Trung Quốc thuê bốn, năm thanh niên bản khác vào Giàng Pằng, đến tận gốc thu mua trà, nhưng dân bản không bán vì biết kiểu làm ăn của họ không lâu bền. HTX bây giờ đảm bảo mua giá thị trường, lại ổn định, ai hái đủ chỉ tiêu được thưởng nữa nên bà con bây giờ chỉ làm cho HTX thôi”.
Trà ở Giàng Pằng được hái theo quy chuẩn loại một tôm một lá, hoặc một tôm hai lá. Năm nay, vụ trà xuân trễ hơn thường lệ khoảng nửa tháng, mùa đông tiết rét buốt, đầu vụ trà lại có mưa đá, giông lốc. Tìm đến cây trà cổ thụ cao tuổi nhất Giàng Pằng (hơn 600 năm tuổi), cành xác xơ, lá trụi lủi, cây chưa kịp hồi phục sau cơn mưa đá đầu mùa. Theo kinh nghiệm người làm, uống tràlâu năm, những khi thời tiết cực đoan, vụ trà năm ấy bao giờ cũng cho ra chất lượng tuyệt hảo.
Sùng Đô còn một vùng trà cổ thụ trứ danh khác là làng Mảnh, cách Giàng Pằng gần hai giờ cưỡi xe máy cho cung đường chưa đầy chục cây số. Làng Mảnh có 38 hộ dân còn nghèo hơn Giàng Pằng.
 
Vùng trà làng Mảnh có rất nhiều cây kích cỡ khủng, sinh trưởng trong tán rừng rậm rạp, thân to hơn hai người ôm. Nếu tận dụng, khai thác hợp lý, đây sẽ là nguồn nguyên liệu giá trị để sản xuất ra những dòng sản phẩm đặc sản từ trà Shan cổ thụ.
Theo dân bản vào rừng trà, sau đợt hái chao (hái sơ qua), các búp non đã vươn lên đều đặn, chắc khỏe, lớp tuyết dày, đây là nguyên liệu giá trị tạo nên các sản phẩm trà có nội chất mạnh như trà xanh, trà ép bánh. Dân bản cho biết, hằng năm vào vụ xuân, thương lái nước ngoài được các tay cò giới thiệu, dắt đến, thu gom trà tận gốc, mua với bất kỳ giá nào.
(còn tiếp)
Ma túy hoành hành làng trà
Các tay buôn miền xuôi, theo chân người buôn nhu yếu phẩm mang ma túy và gọi là “thuốc sức khỏe” để bán cho dân bản, cho thiếu nợ rồi cấn trừ dần tài sản trong nhà, khi thì bao ngô, thóc, trà, khi thì con gà, con heo, thịt thú rừng… khiến dân cứ nghèo mãi, không ngóc đầu lên được.  
Anh Dũng, người dẫn đường vào vùng trà, cho biết: “Dân ở đây khổ lắm, nghiện nhiều, hầu như thanh niên nhà nào cũng có người nghiện. Bọn bán ma túy còn dùng nợ gây sức ép, bắt dân bản phải chặt gỗ rừng, đốn trà để hái cho nhanh, cho đủ số lượng trả nợ, làm vậy hại cây trà lắm”.
Nguyễn Đình (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm