Phóng sự - Ký sự

Theo dòng sông Bé - Bài 2: Cho dòng điện tỏa sáng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập, chúng tôi xuống Thủy điện Thác Mơ được xây dựng ở bậc thang trên cùng của sông Bé thuộc địa phận các huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng và thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước). 

Đây là niềm tự hào của ngành điện, góp phần làm thay đổi diện mạo 8 huyện, thị xã của tỉnh Bình Phước.

Thủy điện bên dòng Thác Mơ

Đi bộ lên đỉnh núi Bà Rá (cao 736m so với mực nước biển, tọa lạc tại thị xã Phước Long), từ trên cao nhìn xuống, chúng tôi thấy dòng nước từ thượng nguồn cao nguyên về hướng chân đập cuộn trào, bọt tung trắng xóa, rồi hiền hòa trở lại khi gặp đập Thác Mơ.

Phóng tầm mắt xa xa, Nhà máy Thủy điện Thác Mơ nằm sâu dưới thung lũng, được bao quanh bởi núi rừng hùng vĩ cùng hàng trăm ngàn hécta cây công nghiệp của các hộ dân trong vùng. Trong thanh âm của dòng Thác Mơ có những giọt mồ hôi quyện với bao gian khổ, vất vả của nhiều thế hệ cán bộ, công nhân vì nguồn điện sáng giữa đại ngàn.

Là cán bộ đời đầu của Nhà máy Thủy điện Thác Mơ, ông Nguyễn Công Thắng, Quản đốc phân xưởng vận hành, bồi hồi nhớ lại: Sau giải phóng năm 1975, cả một vùng đất giáp ranh giữa các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập và Phước Long là núi rừng hoang vu, heo hút, bị bom đạn cày xới, đường dốc khúc khuỷu, cây cỏ rậm rạp, đi lại khó khăn.

Những năm 80 của thế kỷ 20, cả nước và miền Nam “đói điện”, trong khi nhu cầu phát triển sản xuất công nghiệp cần nguồn điện năng rất lớn nên việc xây dựng nhà máy thủy điện là cấp bách. Để triển khai dự án, ngay từ những ngày đầu, việc khảo sát, thiết kế Nhà máy Thủy điện Thác Mơ đều do lực lượng kỹ sư trong nước thực hiện để tiến hành khởi công vào tháng 11-1991.

Sau khi ngăn đập, dâng nước, cắt tuyến mở đường, san ủi núi, bạt đồi, làm bạn với rừng thiêng nước độc cùng với sự hỗ trợ của chuyên gia Ukraine, ngày 6-1-1995, tổ máy số 1 khởi động, tiếp đó là tổ máy số 2 vào ngày 30-4-1995, hòa vào lưới điện quốc gia. Đến năm 2014, được sự đồng ý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ đã khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng, nâng công suất từ 150MW lên 225MW, đưa vào vận hành cuối năm 2017, cung cấp sản lượng điện hàng năm 915 triệu kWh, giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, nguồn nước, xói lở trên lưu vực sông Bé.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Non, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ, sau 29 năm vận hành, công trình đóng góp cho hệ thống điện quốc gia hơn 21 tỷ kWh điện, với dung tích khoảng 1,3 tỷ m3. Thủy điện giúp cắt giảm lũ cho vùng hạ du mùa nước lũ, cấp nước phục vụ dân sinh mùa khô hạn và những năm gần đây đã giúp Bình Phước tăng thu ngân sách khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm.

Thủy điện Thác mơ nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG

Thủy điện Thác mơ nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG

Ông Non tự hào: “Thác Mơ là công trình thủy điện lớn đầu tiên do tư vấn Việt Nam chủ trì lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, khởi đầu thành công cho việc ngành điện tự lo nguồn vốn đầu tư xây dựng, thi công các nhà máy”. Khi nguồn điện phát ra, âm thanh của dòng thác vang vọng bốn bề, bừng sáng cả một vùng biên giới, góp phần hồi sinh vùng đất từng bị bom đạn chiến tranh cày xới, đóng góp vào công cuộc kiến thiết nền kinh tế - xã hội của đất nước sau chiến tranh.

Khơi thêm nguồn điện sáng

Vượt qua những triền dốc quanh co, uốn lượn, chúng tôi đến Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ có tổng công suất 50MWp, mức đầu tư 862 tỷ đồng được xây dựng trên một phần xã Đức Hạnh (huyện Bù Gia Mập) và phường Thác Mơ (thị xã Phước Long) diện tích 57ha, do Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ làm chủ đầu tư. Nhà máy có hàng trăm tấm kính phủ kín một bên triền đồi, nằm im lìm để hấp thụ bức xạ nhiệt tạo ra nguồn điện năng, kết hợp với không gian rừng, hồ tạo nên vẻ đẹp khó tả giữa cảnh quan tự nhiên và nhân tạo.

Dự án sử dụng công nghệ mới là pin quang điện, hàng năm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia 78 triệu kWh, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, đóng góp 26 tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách của tỉnh Bình Phước. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 thì cụm dự án điện mặt trời Thác Mơ 375MWp giai đoạn 2 sẽ tạo động lực lớn trong mở rộng, phát triển nguồn điện năng của tỉnh.

Rời Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ, chúng tôi về Nhà máy Thủy điện Cần Đơn (do Công ty cổ phần Thủy điện Cần Đơn làm chủ đầu tư) với hồ chứa có lưu vực hơn 19km², dung tích gần 80 triệu m³, tiếp giáp huyện Bù Gia Mập và Bù Đốp (tỉnh Bình Phước). Nhà máy vận hành vào năm 2004, với 2 tổ máy M1, M2, tổng công suất 77,6 MW, sản lượng điện cung cấp ước tính trung bình 294,4 triệu kWh điện/năm cho lưới điện quốc gia.

Không chỉ cung cấp điện, nhờ nguồn nước trên lòng hồ, năm 2007, dự án thủy lợi sau Cần Đơn có kênh chính 18.000m, kênh tưới cấp 1 là 26.965m được xây dựng với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng từ vốn trái phiếu chính phủ, cung cấp nước tưới cho 4.578ha đất nông nghiệp của 4 xã, thị trấn thuộc huyện Bù Đốp.

Trước đây, anh Hà Văn Thanh (ngụ thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp) trồng lúa và để có nước vào ruộng phải lắp đặt đường ống D50, tốn nhiều chi phí, từ khi có công trình thủy lợi sau Cần Đơn, ruộng lúa của gia đình anh không lo thiếu nước.

Nhìn con nước chảy về hệ thống thủy lợi, anh Thanh khoe, gia đình không còn thấp thỏm, lo âu mỗi khi đến mùa xuống giống lúa vì thiếu nước tưới. Gia đình anh làm lúa quanh năm, trung bình 1.000m2 ruộng/vụ thu hoạch được hơn 700kg lúa để ăn và chăn nuôi. Tuy nhiên, dự án thủy lợi sau Cần Đơn đến nay mới đáp ứng 50-60% toàn bộ khu tưới. Chỉ cách điểm cuối kênh N8 thuộc ấp 1, xã Thanh Hòa chừng 1km nhưng khô hạn vẫn bao trùm cánh đồng lúa khoảng 30ha do kênh nhánh chưa vươn tới.

Xuôi thuyền về hạ lưu sông Bé, chúng tôi dừng lại ở Nhà máy Thủy điện Srok Phu Miêng do Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp IDICO (thuộc Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư, có 2 tổ máy với tổng công suất lắp máy là 51MW, mỗi năm cung cấp khoảng 228 triệu kWh cho lưới điện quốc gia, cung cấp nước tưới cho 57.500ha đất canh tác nông nghiệp.

Lòng hồ thủy điện rộng hơn 16,5km², nằm trên bậc thang thứ 3 của sông Bé, lọt thỏm giữa thung lũng Srok Phu Miêng, xung quanh hồ nước được bao bọc bởi những vườn cây xanh mát, tốt tươi, những dòng nước chảy xiết ôm lấy các sườn đồi thoai thoải tạo nên khung cảnh hữu tình. Đây cũng là nơi tham quan, trải nghiệm bơi thuyền trên lòng hồ của nhiều người, nhất là giới trẻ.

Tạm vui với những gì các công trình điện năng mang lại, nhưng chớ quên rằng, việc phát triển các nhà máy thủy điện, những công trình sau thủy điện, điện mặt trời cần được quy hoạch khoa học, đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng. Như vậy mới vừa đảm bảo nguồn điện năng, nước tưới phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh vừa không làm mất đi những cánh rừng nguyên sinh một cách đáng tiếc và cũng để dòng thác thủy điện ngân vang trên dòng sông Bé oai hùng.

Theo các nhà khoa học, từ trên cao nhìn xuống hồ Thác Mơ, hồ Cần Đơn, hồ Srok Phu Miêng uốn lượn như hình rồng tạo thế “tam long tụ hội” cho thấy sự hòa hợp, nghĩa tình và sức mạnh trường tồn của người dân 3 miền Bắc, Trung, Nam hội tụ ở Bình Phước cùng 41 dân tộc anh em sinh sống chan hòa, hạnh phúc.

Theo HOÀNG BẮC - XUÂN TRUNG - BÙI LIÊM (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm