Thi đua lập thành tích góp phần xây dựng Gia Lai ngày càng giàu mạnh (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Hôm nay (11-6), tại Hội trường 2-9 TP. Pleiku, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Nhân sự kiện này, Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Công Lự- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về kết quả các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh trong thời gian qua, cũng như định hướng công tác thi đua trong thời gian tới.
 

 

- P.V: Xin ông cho biết ý nghĩa to lớn của sự kiện Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948)?    

Ông Hoàng Công Lự: Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến, kiến quốc, để động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà nhiệm vụ cấp bách của dân tộc lúc bấy giờ là chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, theo đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Nhân kỷ niệm 1.000 ngày toàn quốc kháng chiến (11-6-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc: Động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ diệt giặc ngoại xâm; đưa đất nước vượt qua thời điểm đầy gian nguy, bảo vệ được chính quyền cách mạng non trẻ. Từ những kết quả bước đầu đó, phong trào thi đua ái quốc được tiếp thêm sức mạnh, ngày càng phát triển, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật

- P.V: Thưa ông, những năm qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện tinh thần Lời kêu gọi thi đua của Bác như thế nào? Các phong trào thi đua yêu nước có tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà?        

Ông Hoàng Công Lự: Dù đã 65 năm trôi qua nhưng tinh thần Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác vẫn luôn thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết, lòng nhiệt tình cách mạng của thời đại mới, thời đại xây dựng đất nước trong hòa bình.

Trong những năm qua, hàng năm tỉnh ban hành chương trình hành động, phát động thi đua, đề ra nhiều chủ đề thi đua cụ thể ngay từ đầu năm; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, cụm khối thi đua trong tỉnh tổ chức phát động, triển khai sâu rộng nhiều phong trào thi đua yêu nước; nội dung các phong trào thi đua hướng vào lợi ích thiết thực của người dân; trọng tâm là thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương; bộ, ngành, mặt trận, đoàn thể Trung ương phát động.

 

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật

Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, đã cổ vũ, động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy tinh thần sáng tạo, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đến nay, đã chấm dứt hoàn toàn nạn đói kinh niên đã đeo bám hàng ngàn đời đối với đồng bào dân tộc tại chỗ. Nền kinh tế của tỉnh đạt được mức độ tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1991-2000 đạt 10,4%, 2001-2005 đạt 11,3%, 2006-2010 đạt 13,6%, 2010-2012 đạt 13,21%.

Tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng, đến năm 2012 đạt 3.639,8 tỷ đồng, tăng gần 15 lần so với năm 2001. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa và cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; xây dựng hàng trăm công trình thủy lợi, thủy điện và các khu, cụm công nghiệp. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 1990 chỉ đạt 602 triệu đồng, đến năm 2012 đạt 6.813 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội liên tục tăng qua các năm, năm 2012 đạt 10.350 tỷ đồng, gấp gần 1,3 lần so với cả giai đoạn 1996-2000; bộ mặt đô thị, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, ngày một đổi mới. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội nhiều tiến bộ; an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm triển khai thực hiện có kết quả; cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được nâng cao; hoạt động của mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội đã có sự chuyển biến mạnh về chất; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

 

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật

Những thành tựu đó, đã minh chứng cho sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà trong những năm qua.

- P.V: Xin ông cho biết nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?

Ông Hoàng Công Lự: Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; sự phối hợp giữa chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đối với công tác thi đua, khen thưởng. Mỗi chi bộ, đảng viên phải phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở.

Chính quyền, mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp phải phối hợp chặt chẽ hơn trong tổ chức thực hiện công tác thi đua, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh. Cùng với đó là tập trung đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Mỗi phong trào thi đua phải xác định được mục tiêu, nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể, hướng vào việc giải quyết những khó khăn vướng mắc, những mặt còn tồn tại, yếu kém, những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của từng sở, ngành, địa phương, đơn vị.

Cần mở rộng đối tượng, hình thức khen thưởng và tăng cường công tác xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Tiếp tục cải cách hành chính về hồ sơ, thủ tục khen thưởng, quy định rõ về quy trình, tiến trình khen thưởng, lấy ý kiến nhân dân về một số hình thức đề nghị Nhà nước khen thưởng Huân chương bậc cao và phong tặng danh hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh trước khi trình Nhà nước khen thưởng, đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác khen thưởng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc xây dựng, phát hiện, nhân rộng và tôn vinh các gương người tốt, việc tốt; những nghĩa cử cao đẹp được cộng đồng dân cư tôn vinh; những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước.

 

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra, các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; qua đó nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, ý thức gương mẫu của cán bộ, đảng viên, xây dựng thói quen và ý thức chấp hành nghiêm túc pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Đổi mới hoạt động của các cơ quan truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng, định hướng dư luận, tôn vinh tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến; hạn chế, đẩy lùi các mặt tiêu cực trong xã hội. Định kỳ tổ chức các hình thức tôn vinh, gặp mặt các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước.

Đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống tổ chức thi đua, khen thưởng từ tỉnh xuống xã, phường, thị trấn; thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh về thi đua, khen thưởng, lấy ý kiến nhân dân tham gia vào việc bình xét, đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu và các hình thức khen thưởng bậc cao, làm cho hoạt động của toàn hệ thống tổ chức thi đua, khen thưởng từ tỉnh xuống cơ sở được minh bạch hơn.

Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng các cấp. Đổi mới nội dung hoạt động và chú trọng việc kiểm tra, giám sát các hoạt động về thi đua, khen thưởng, đảm bảo tính khách quan, chính xác trong việc xét khen thưởng.

Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng từ tỉnh xuống cơ sở, đảm bảo vừa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy đảng, vừa giúp chính quyền tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng.

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hãy đoàn kết một lòng, cùng nhau nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức, đem hết sức lực và trí tuệ của mình hăng hái thi đua lập thành tích cao nhất góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2013, tạo tiền đề để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011- 2015 và các năm tiếp theo, góp phần xây dựng Gia Lai ngày càng giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng-an ninh, phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

Duy Danh (thực hiện)

(*) Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.

Có thể bạn quan tâm