Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Thị trấn bụi hồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thị trấn nằm cạnh một làng nhỏ của người Bahnar, những đứa trẻ hai bên thường ngó nhau xa lạ qua một con đường, thi thoảng mới thấy chúng giao lưu với nhau. Thị trấn mùa này chìm trong bụi, bụi tràn qua mọi ngóc ngách, phủ một lớp màu đỏ nâu mềm mại mịn màng lên mọi bề mặt có thể bám trụ.
Người lớn khổ sở vì bụi, nhưng đám trẻ thấy thích vì mùa này chạy ù vào trong làng để trao đổi với đám trẻ con Bahnar trái ổi đào chua chua ngọt ngọt, trái vú sữa tím rịm với dòng sữa trắng đục ngọt ngào, cả những quả me chua dôn dốt nữa. Dường như người lớn đã tiên đoán được sự quyến rũ này của làng nên thường gán ghép cho những tiếng chiêng, thêu dệt thêm những câu chuyện về những chiếc gùi, chiếc bầu nước đen nhánh,… để thêm phần đáng sợ hù dọa lũ trẻ thị trấn khỏi băng sang bên làng. Nhưng chả biết tại sao, đám trẻ con lại có thể bứt ra khỏi ranh giới ấy, một cách lén lút thôi, nhưng chúng đã bắt đầu biết được cách thức để bước sang bên làng. Chỉ cần men theo con đường đất nhỏ, phủ kín dã quỳ giờ đã khô quắt queo, trơ những cái đài hoa nâu nhọn xù xì, phía đấy có nhiều thứ hấp dẫn trí tò mò, thôi thúc trẻ nhỏ.
Đám trẻ con thị trấn nối nhau đi rất thận trọng, vừa đi vừa thì thầm nói khẽ như có điều gì bí mật lắm ấy, rồng rắn đến cái sân chung dùng để phơi lúa thì đám trẻ con đen nhẻm trong làng cũng đã tập trung tự lúc nào. Trẻ con hai bên chả cần biết tiếng, chỉ cần chìa thứ mình mang tới, chỉ vào cây hay vào quả cần đổi là được. Một cái ống thụt hay một con quay đổi được cả bốn năm trái ổi hay vú sữa, những đoạn dây thun hay cái vòng tay của bọn con gái cũng được lấy ra trao đổi. Xong cuộc trao đổi, đám trẻ thị trấn lại xấp xải chạy về để khoe nhau chiến lợi phẩm, rồi bày ra để ăn chung. Những bữa tiệc trái cây đôi khi còn sống sít, chát xanh nhưng đứa nào cũng hồ hởi và thích thú, câu chuyện đổi chác bí mật luôn được đám trẻ tuân thủ nhau để giữ kín mà thì thào to nhỏ với nhau.
Minh họa: Huyền Trang
Chẳng biết đã bao mùa nắng bụi trôi qua, đám trẻ dần lớn, làng cũng dần thay đổi, các cuộc trao đổi bí mật biến mất tự lúc nào. Rồi con đường nối liền giữa làng và thị trấn giờ đã trải nhựa, đám dã quỳ dạt ra thành những bụi nhỏ chứ không còn dàn trải thành cả một con đường hoa như ngày trước. Nhưng bụi thì vẫn vậy, vẫn cứ miên man khi đến mùa tốc thẳng vào từng nhà, vào từng người mà thản nhiên bám vào, chả cần biết thân sơ. Cậu bạn ngày xưa trong một buổi cà phê đã mơ mộng đặt tên cho thị trấn là thị trấn bụi hồng, mặc cho cả đám chọc là sến súa, cậu vẫn bảo lưu ý kiến của mình.
Để bây giờ, cái tên thị trấn bụi hồng bỗng đi vào lòng cả đám, nghe thân quen và gần gũi đến lạ, tưởng như đưa tay ra là có thể chạm vào cái nắng, cái gió, cái bụi đỏ mờ của ngày xưa ấy nên cả đám nhất quyết chọn tên thị trấn bụi hồng để đặt cho nhóm chat chung. Đứa ở nhà chỉ cần up một bông dã quỳ lên Facebook nhóm là cả lũ liền quây lại hỏi han, cả đám chê trách đứa ở nhà theo phong trào mà gọi dã quỳ, nghe chẳng thân thương quen thuộc tẹo nào. Bởi với đám trẻ của thị trấn bụi hồng mơ mộng ấy, dã quỳ mới chính là tên của hoa, mới chính là thứ cây mà đến mùa đám trẻ cùng nhau đi cắt về làm phân xanh giúp bố mẹ. Chứ không phải là đám dã quỳ làm xôn xao dân mạng, vì đám trẻ con vẫn nhớ đến bụi, nhớ đến vị đắng đắng, hăng hắc của lưỡi liềm chạm vào những thân xốp căng mịn đó. Đó là một phần của tuổi thơ, là một phần của nỗi nhớ, cái nỗi nhớ dịu dàng để vài người phải ngây ra khi nghe chúng tôi vô tình buột miệng về thị trấn bụi hồng của mình.
LÊ THỊ KIM SƠN

Có thể bạn quan tâm