Thị trấn Phú Túc: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) chú trọng triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư và Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH1 ngày 20-4-2007 về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhờ đó, kinh tế-xã hội phát triển ổn định, nội bộ đoàn kết, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thời gian qua, UBND thị trấn Phú Túc đã công khai cho dân biết các nội dung công việc, các khoản thu chi ngân sách và các quỹ đóng góp của nhân dân theo quy định. Việc thực hiện quy chế dân chủ thể hiện thông qua hình thức niêm yết công khai tại trụ sở UBND thị trấn, phát huy tinh thần dân chủ bàn bạc, thảo luận trong hội nghị của Đảng ủy, kỳ họp HĐND, các cuộc họp của UBND và các tổ chức đoàn thể, phổ biến văn bản xuống tổ dân phố để nhân dân biết.

 

Thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa. Ảnh: K.N.B
Thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa. Ảnh: K.N.B

Gắn với việc “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, trong 5 năm trở lại đây, chương trình bê tông hóa một số tuyến đường giao thông trên địa bàn thị trấn đã huy động được hàng trăm ngày công của nhân dân và đã triển khai thực hiện hơn 4 km. Bên cạnh đó, thực hiện nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, thị trấn Phú Túc tiếp tục phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 80% số đường hẻm liên thôn được bê tông hóa.

Đối với nhà sinh hoạt cộng đồng ở các thôn, người dân phải đóng góp 100% kinh phí xây dựng. Vì vậy, UBND thị trấn xin ý kiến UBND huyện để chọn địa điểm xây dựng, đồng thời giao về cho thôn công khai dự toán xây dựng. Đến nay, 11/15 tổ dân phố xây dựng được nhà sinh hoạt cộng đồng. Chia sẻ kinh nghiệm huy động đóng góp và công khai dự toán, Bí thư chi bộ tổ dân phố 7 Trần Quang Tuấn cho biết: “Chỉ sau hơn 4 tháng triển khai, đến nay nhà sinh hoạt cộng đồng của tổ dân phố 7 đã hoàn thành. Tất cả cũng là nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tháng 4-2017, khi được giao đất, tổ dân phố vận động mỗi hộ đóng góp 700 ngàn đồng. Hiện công trình đã hoàn thành với tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Trong quá trình thi công, tổ giám sát thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình. Sau khi hoàn thiện, tổ xây dựng sẽ có bản báo cáo chi tiết phát cho các hộ để dân kiểm tra, giám sát”.

Đối với các quỹ chăm sóc người cao tuổi, khuyến học..., thị trấn thống nhất quy định mức đóng góp 10 ngàn đồng/hộ/quỹ, để tránh tình trạng so bì mức thu không đồng đều như trước đây. Riêng quỹ “Vì người nghèo” và “Đền ơn đáp nghĩa”, từ năm 2015, thị trấn nâng mức đóng góp lên 20 ngàn đồng/hộ. Theo ông Nguyễn Tiến Đãng-Bí thư Đảng ủy thị trấn Phú Túc, việc sử dụng quỹ đảm bảo đúng mục đích và hàng năm đều công khai để nhân dân giám sát. Nhờ đó, ngân sách nhà nước được đảm bảo sử dụng đúng quy định và tránh tình trạng xâm tiêu các khoản đóng góp của nhân dân. Những việc làm này đã được sự đồng thuận của người dân và là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Thùy Trang

Có thể bạn quan tâm