Một số hộ dân tại thị xã Ayun Pa, Gia Lai đã lắp thiết bị phụ vào trước đồng hồ làm đồng hồ quay chậm; hoặc không dùng nước qua đồng hồ mà trích một đường ống dẫn nước trước đồng hồ vào nhà để sử dụng.
Nhằm cải tạo, chống thất thoát nước sạch, nâng cao trách nhiệm và tinh thần phục vụ cho khách hàng trên địa bàn thị xã, Nhà máy nước Ayun Pa đã tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình về dung lượng nước sử dụng, áp lực nước và cung cách phục vụ của nhân viên. Qua kiểm tra gần một tháng, đã phát hiện một số trường hợp sử dụng nước sinh hoạt trái phép. Điều đáng nói là có cả một số hộ gia đình cán bộ công chức gian lận “ăn cắp” nước sạch tương đương với các hộ dân. Những trường hợp này làm gây thất thoát nguồn kinh phí không nhỏ do thời gian xài “nước chùa” quá lâu. Giá nước sinh hoạt ngày càng tăng thì sẽ kéo theo tình trạng gian lận cũng tăng theo và các hình thức cũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Ảnh minh họa. |
Vì sao sự việc xảy ra trong thời gian dài mà cán bộ kỹ thuật của Nhà máy nước Ayun Pa tại sao không phát hiện? Ông Hoàng Trọng Đạt- Giám đốc Nhà máy nước Ayun Pa cho biết: “Trong đợt rà soát này đã phát hiện một số trường hợp sử dụng nước trái phép trong đó có một số hộ gia đình công chức “đã về hưu” (?). Sai phạm của các hộ là rõ ràng và đã được Nhà máy xử lý truy thu tiền. Sự việc này có một phần trách nhiệm của Nhà máy do sơ suất trong công tác kiểm tra để xử lý ngay từ ban đầu”. Khi hỏi về các trường hợp hộ gia đình công chức gian lận để sử dựng nước trái phép, ông Đạt cho biết các hộ gian lận này chủ yếu nằm ở phường Hòa Bình và phường Đoàn Kết nhưng vì lý do tế nhị nên không cho chúng tôi biết cụ thể.
Cho đến thời điểm hiện tại, Nhà máy nước Ayun Pa đã kiểm tra rải rác ở 4 phường, 2 xã Chư Băh và Ia Rbol. Nhà máy đã truy thu theo thời gian và dung lượng nước đã thất thoát mỗi hộ trung bình từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Như vậy đợt tổng kiểm tra rà soát năm 2010 kết thúc sẽ còn bao nhiêu hộ vi phạm và sẽ “lòi” ra bao nhiêu gia đình cán bộ công chức gian lận để sử dụng “nước chùa”?
Đây chỉ mới là số liệu kiểm tra phát hiện trên thực tế. Tình trạng “ăn cắp” nước sạch, thất thoát nước sạch không chỉ dừng lại ở đó. Khó khăn lớn nhất của việc thanh tra, kiểm tra hiện nay là vấp phải sự không hợp tác của người vi phạm và sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương. Nhà máy nước chỉ có chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm và truy thu tiền nước đã sử dụng, không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra thực trạng sử dụng nước sạch, chống trộm cắp, thất thoát nước gặp nhiều khó khăn.
Để ngăn chặn thực trạng gian lận nước sạch dùng trong sinh hoạt, chống thất thoát phải có chiến dịch kiểm tra đồng bộ, chính quyền địa phương phải vào cuộc tích cực, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Anh Khoa