Phóng sự - Ký sự

"Thiên đường" hàng lậu Tân Thanh: Li kì nhập vai cửu vạn vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vốn được ví như “rốn ngụ cư” của hàng trăm lao động vãng lai từ khắp các tỉnh thành như Thanh Hóa, Sơn La, Yên Bái… và từ các huyện trong tỉnh. Nơi đây còn được ví như “thiên đường” của các loại mặt hàng giao thương ngầm qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nhận diện 3 cung đường hàng lậu
Những ngày cuối năm, không khí buôn bán, vận chuyển hàng hóa tại cửa khẩu nhộn nhịp, khẩn trương và sôi động hơn bất cứ lúc nào. Trong vai một nữ cửu vạn, tôi đã đi qua những con đường mòn mà cửu vạn nơi đây vẫn ví đó là những “con đường lý tưởng” cho việc vác hàng trốn thuế. 
Qua 1 người phụ nữ tên D ở huyện Văn Quan mà tôi đã quen biết từ trước, tôi hỏi thăm và ngỏ ý muốn đi theo vác hàng. Chị D tỏ vẻ ái ngại: “Đường nào cũng vậy, cứ cách đoạn khoảng 50m lại có một “chim lợn” cầm theo bộ đàm, dùi cui điện, họ chửi bới thậm chí đánh đập. Bọn này rất tinh nhanh, nếu bị phát hiện thì nguy hiểm lắm”. 
Mặc dù lời cảnh báo của chị D khiến tôi hơi dè dặt, nhưng tôi vẫn quyết tâm thuyết phục chị cho tôi "bám càng". Sau nhiều lần đắn đo, chị D cũng đồng ý, nhưng đưa ra điều kiện: “Đi để biết chứ đừng làm gì ảnh hưởng. Cửu vạn là nghề bần cùng nhất xã hội rồi, cuối năm nên dân ở tứ xứ dồn về vác hàng thuê để kiếm vài đồng ăn Tết thôi".
 
Hàng chục tấn hàng các loại được vận chuyển qua các con đường mòn giáp biên mỗi ngày.
Một buổi chiều đầu tháng 12, chúng tôi có mặt ở đừờng mòn phía cánh phải cổng chùa Tân Thanh. Trước khi đi, chị D dặn tôi ăn mặc sao cho giống “đội quân" cửu vạn: mang giày bộ đội cao cổ, đèn pin, mặc áo dài tay và quấn khăn ở đầu để tránh sương đêm, chuẩn bị gùi (dụng cụ để buộc hàng và đeo vào vai), áo khoác vì đêm xuống sẽ rất lạnh.
“Lúc vác hàng thì toát mồ hôi đầm đìa ướt hết cả sống lưng, nhưng lúc chống hàng thì lạnh run cầm cập, hai hàm răng gõ vào nhau tanh tách. Phải chuẩn bị cẩn thận không có dễ bị cảm ngã ra đường thì chết...” - chị D dặn.
Vừa đến chân đồi, Chị D ghé vào tai tôi vừa thì thầm, chỉ tay lên hướng đồi xa xa có vài chấm nhỏ đen trắng đang di chuyển: “Đó là đường keo (tên thường gọi của dân cửu vạn - PV). Người lên là cửu vạn vác hàng sang Trung Quốc, người đi xuống là vác hàng từ Trung Quốc về. Đường qua rừng keo, dốc đứng mà dài nên ai không có sức thì đừng nên đi”.
Trước mắt chúng tôi, từng tốp người miệt mài, cặm cụi bước đi, trên lưng là những thùng hàng trĩu nặng. Càng về chiều muộn, đường rừng càng tấp nập. Đoàn người vác hàng trên đường mòn trông xa như đàn kiến tha mồi về tổ.
Theo chị D, ngoài đường keo đó thì còn 2 con đường nữa dân cửu vạn không ai là không biết. Đó là đường công trình và đường hồi. Gọi như vậy vì nó đi qua rừng keo, rừng hồi, qua công trình đang xây dựng, dân cửu vạn ở đây đã tự đặt tên cho những con đường như vậy.
Ngoài những lao động tứ xứ, chiếm phần lớn là lao động đến từ các huyện của Lạng Sơn. Mùa vụ xong xuôi, mọi người trong quê đều đi vác hàng kiếm thêm thu nhập.
“Cả làng đi chứ đâu phải riêng mình đâu mà sợ. Đêm nào cũng vài trăm đến hàng nghìn cửu vạn ở đây, nếu bắt thì đã bắt lâu rồi. Thanh niên khỏe một đêm có thể kiếm được hơn 1 triệu, cánh cửu vạn nữ như tôi ít cũng được 500.000 đồng/đêm. Trước hàng hoa quả được trả công 2.000 đồng/kg nhưng giờ còn 700 đồng/kg vì quá đông cửu vạn. Nghề này khác gì đi bán sức xuyên đêm, nhưng nếu ở nhà thì kiếm đâu ra được 500.000 đồng/đêm như thế!” - chị D nói.
Dân cửu vạn ở đây cho biết, khu vực Tân Thanh có mấy chủ hàng “đình đám” như nhà B, T.K, nhà Trường, T.B... Các cung đường được phân chia lãnh địa và luôn có lực lượng “chim lợn” canh chừng. Nếu không phải đầu xù, tóc rối, lưng trần đen ngăm, quần bò xẻ ống, giày cao cổ cùng miếng xốp kê vai, gùi dắt lưng, chắc chắn khó có thể trà trộn vào đoàn người vác hàng, ngay khi màn đêm buông xuống.
"Lễ hội" hàng lậu về đêm
Chập choạng tối, một chiếc container đang lùi vào hướng đường mòn, dân cửu vạn tranh nhau ghi số. Mỗi người sẽ được xếp cho 1 số cùng với tên được ghi vào sổ. Những hộp sầu riêng cân nặng khoảng 30 - 35kg đóng thùng giấy màu vàng nhanh chóng được phu vạn xếp vào gùi đeo lên lưng. Sau đó từng người xếp hàng để cho cai đánh số rồi ghi số lượng thùng vào sổ. Việc đi đường nào là do các chủ hàng chỉ định.
Sau khi đã xong xuôi các “thủ tục”, chúng tôi xuất phát theo hướng đường hồi. Lúc này trời đã tối, nên đèn được bật lên sáng như “ánh sao” về đêm xuyên qua rừng hồi. Trên lưng gùi hàng nên chúng tôi luôn phải cúi gập mình về phía trước để giữ thăng bằng. Quai gùi bằng sợi dây thừng dù đã có lớp vải lót nhưng nó vẫn hằn sâu cứa vào vai, khiến tôi phải cắn chặt răng vì chưa quen.
 
Từ dưới nhìn lên hai tà luy nơi triền đồi có thể thấy hai hàng ánh sáng là đội quân cửu vạn cầm đèn nối đuôi nhau "cõng" hàng vượt biên làm sáng cả vùng trời.
Từ điểm nhận hàng đến chân dốc cách khoảng 100m, cánh cửu vạn lần lượt di chuyển. Đoạn dốc lên này là con đường đất được san khá phẳng và rộng đủ để 2 hàng người lên xuống tránh nhau. Sương mù ngày một dày đặc nên tay quờ quạng đâu cũng thấy ẩm ướt. Càng lên cao càng dốc, đường cũng càng ướt và trơn hơn bởi sương đêm.
Mất khoảng 40 phút đi bộ, cuối cùng chúng tôi cũng lên được đến đỉnh dốc. Trước mắt chúng tôi là ranh giới hai nước Việt Nam - Trung Quốc được phân định bởi những cọc bê tông dựng đứng, phía dưới có xây rào ngang nhưng thấp đủ để cánh cửu vạn bước qua và rồi xuôi xuống dốc.
Lên dốc gồng sức bao nhiêu thì xuống dốc chúng tôi phải ghì chặt hai chân bấy nhiêu, hai bắp chân vừa đau vừa run bần bật vì lực đè từ hai vai xuống. Xa xa cách đường biên chừng 400m đã là ánh đèn và loạt xe ô tô tải nhỏ đang đợi hàng, không khí cũng sôi động không kém bởi tiếng quát chửi và tiếng gọi hàng.
Điểm nhận hàng đã ngay trước mắt, nhưng đột nhiên cả đoàn người dừng lại vì nghe có tiếng người hét lên: "Chống". Mất chừng vài phút, lại nghe người đó hô: "Đi". Thế là đoàn người lại lục tục lao xuống. Hóa ra, đó là mật lệnh của người cai cửu dùng để điều hành cửu vạn đi hay dừng lại để sắp xếp kiểm hàng và bốc lên xe. 
Vượt qua một đoạn dốc đá lởm chởm, chúng tôi đến điểm đặt hàng, sau đó nhanh chân quay trở về theo lối cũ.
Tới khoảng 7h30 tối, cánh cửu vạn bắt đầu tản dần lên khu vực đường. Đoạn đường này đang ủi rộng khoảng 4 làn xe chạy giữa quả đồi thông sang phía bên kia nước bạn. Bên kia đỉnh đồi chính là Pò Chài (Trung Quốc) - điểm nhận hàng quen thuộc của cánh cửu vạn.
 
Ở đây có rất nhiều mặt hàng, từ hàng hạt khô cho đến hàng đông lạnh được đóng kín trong các thùng xốp màu trắng.
Con đường đất đỏ rộng thênh thang ban ngày là công trình xây dựng đang thi công ầm ầm, thì ban đêm nơi đây cũng “sôi động” chẳng kém bởi đội quân cửu vạn. Hàng trăm người tụ tập để đợi chủ hàng ghi số. Chị D nói đường này đi trên tà luy nguy hiểm nhưng ngắn hơn rất nhiều nên được nhiều chủ hàng chọn lựa. “Nếu không tắc đường, nhanh chân chạy 20 phút là được 1 chuyến nên đêm nào chị cũng được trung bình 10 chuyến”.
Trong lúc đợi chủ hàng để ghi số thì người đứng, người ngồi, có người tranh thủ nằm ra đất để chợp mắt, có nhóm thanh niên túm tụm lại xem bóng đá trên điện thoại. Đúng 9h tối, hàng lên “thủ tục” xong xuôi chúng tôi di chuyển lên khỏi con dốc ngắn rồi đi tiếp sang tay trái dọc tà luy của con đường. Tà luy đường chúng tôi đi cách mặt đường độ cao chừng 10m, phía dưới đường toàn đá hộc to, nhỏ, sảy chân là có thể lăn xuống ngay lập tức. Chiều rộng tà luy mà chúng tôi di chuyển đoạn rộng khoảng 2m, đoạn hẹp chỉ vỏn vẹn khoảng 50cm. 
Đoạn hẹp này dù đã được cuốc vài vết hằn sâu, dài vừa bằng bước chân để cánh cửu vạn tránh bị trượt ngã, nhưng nhìn xuống không ít người vẫn rùng mình. Đoạn tà luy bị đứt đoạn được nối với nhau bằng 2 tấm ván gỗ mỏng. Đi hết đoạn tà luy khoảng 300m là đến đường nhỏ gập ghềnh đá, hơi xuôi xuống dốc thuộc đất Trung Quốc. Cách đó chừng 100m là điểm nhận hàng, nơi này cũng chính là điểm nhận hàng đi đường hồi.
Sau khoảng hơn 20 phút, chúng tôi đến nơi trả hàng và nhanh chóng quay lại. Để tránh đường cho người vác hàng đi sau thì người về phải leo xuống bậc cao để xuống phía dưới đường toàn đá. Những chuyến hàng cứ xoay vần như vậy cho đến 6h sáng và cánh cửu vạn cũng dần rệu rã, ai nấy mặt mũi bơ phờ... 
Rời khỏi miền biên ải, hình ảnh những con người vai vác nặng, cởi trần, mồ hôi từ cằm nhỏ xuống ướt một vạt dưới chân cứ ám ảnh bước chân tôi.
Trong đêm tối, những phận đời cùng cực dấn thân với nghề cửu vạn vùng biên ải vẫn bước đi cặm cụi, chẳng ai nói với ai nửa lời.
“Hiện tượng cư dân mang vác hàng hóa thẩm lậu qua các đường mòn, lối tắt vẫn diễn ra nhỏ lẻ vào các thời điểm như rạng sáng, ban đêm, giao ca…  Chi cục Hải quan Tân Thanh cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường tăng cường tuần tra kiểm soát tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới tại địa bàn cửa khẩu Tân Thanh, không để hình thành các đường dây, ổ nhóm, điểm nóng buôn lậu, vận chuyển, chứa chấp hàng lậu lớn trên địa bàn, gây bức xức trong quần chúng nhân, dân”.

Bà Hoàng Thị Thiều Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, trao đổi với Dân Việt.

Còn nữa.

Nhóm PV Đông Bắc (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm