Phóng sự - Ký sự

Thiện nguyện 'đốn tim': Gieo sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhà cải cách giáo dục lừng danh người Mỹ Horace Mann từng nói: 'Nếu tôi có quyền thế, tôi sẽ đem sách gieo rắc khắp mặt địa cầu như người ta gieo lúa trong luống cày vậy'. Nhưng có những người chưa thật sự quyền thế vẫn đang miệt mài 'gieo rắc' sách khắp các tỉnh thành.

7 năm trước, một nhóm bạn doanh nhân đồng hương xứ Nghệ họp mặt cuối năm tại TP.HCM để bàn việc góp tiền làm từ thiện. Lúc đó, doanh nhân trẻ Nguyễn Anh Tuấn trăn trở: "Chúng ta cần thay đổi cách thức làm thiện nguyện. Thay vì giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó nhất thời, hãy đầu tư vào giáo dục để mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức bình đẳng tới mọi người ở mọi nơi. Tôi thấy tặng sách là một lựa chọn đúng và phù hợp để giải quyết nạn đề sách dành cho thư viện đang thiếu trầm trọng ở các trường học…". Mọi người đều tán thành ý tưởng đó, thế là chương trình Tủ sách Nhân ái (TSNA) ra đời.

Chị Thu Hương, CEO Trung tâm Anh ngữ Gee-o, cùng TSNA đi tặng sách cho học sinh miền núi

Những người bị sách "ám"

"Lúc đó, tôi nghĩ mình cũng hơi bị điên bởi "gieo sách" khắp các tỉnh thành không dễ. Ở đâu cũng thiếu sách, đặc biệt là các thư viện trong trường học, cấp bách nhất là các trường học ở nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh mà ngay cả nhà nước cũng chưa đáp ứng được", anh Nguyễn Anh Tuấn hiện là Viện trưởng Viện Học tập suốt đời tại TP.HCM, tâm sự. Nhưng "cơn điên" của anh Tuấn đã truyền sang các thành viên trong nhóm. Tầm nhìn và niềm đam mê đó đã trở thành câu chuyện xuyên suốt, thu hút các thành viên tham gia ngày càng đông đảo.

Những tủ sách đầu tiên đến từ tiền ủng hộ của các thành viên sáng lập TSNA. Các trường học ở vùng quê, miền núi, hải đảo xa xôi lần đầu tiên được tặng những tủ sách quý giúp thắp lên ước mơ và hy vọng cho tương lai của những đứa trẻ. Không chỉ dừng lại ở học đường, TSNA còn tuyển chọn sách hay mang tới cộng đồng ở nhà dân, nhà văn hóa thôn xóm, nhà chùa, giáo xứ, các mái ấm tình thương và cả trại giam… "Chương trình lan tỏa với tốc độ rất nhanh nhờ chất lượng sách, tính hiệu quả và minh bạch mà các thành viên luôn đặt lên hàng đầu", anh Tuấn chia sẻ. Để giải quyết "cơn khát sách" ở khắp nơi như vậy, các thành viên TSNA cũng bắt đầu bị "ám ảnh" và đau đầu vì sách. "Nhưng đó là cơn đau đầu dễ chịu. Vì biết rằng việc làm của chúng tôi thiết thực, ý nghĩa và nhiều người đang rất "khát" tri thức", anh Nguyễn Anh Tuấn tâm tình.

Sau hơn 6 năm, chương trình Tủ sách Nhân ái đã thiết lập mạng lưới tủ sách ở hầu khắp các tỉnh thành. 17.531 tủ sách đã được trao đến hàng triệu độc giả ở hơn 4.000 trường học và cộng đồng dân cư gồm nhà dân, nhà văn hóa thôn xóm, nhà thờ, nhà chùa, nhà thương, nhà tù, các mái ấm tình thương…

Được tham gia với tư cách thành viên của TSNA, tôi cảm nhận rõ các thành viên bị sách "ám" như thế nào. Chẳng hạn, cuối năm ngoái, tôi trót hứa sẽ tặng sách cho 9 trường ở Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị. Chỉ trong vòng một tuần, 11 trường ở địa phương này tới tấp gửi thư ngỏ xin sách. Tôi cầu cứu anh Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc điều hành chương trình TSNA. Anh Huy tuy rất vui nhưng cũng bày tỏ lo lắng: "Khá căng đấy anh. Ngay thời điểm này, hầu hết anh em TSNA đang rất khó khăn về tài chính, không biết lo nổi hàng trăm tủ sách mà các trường đồng loạt kêu gọi như vậy không. Thôi để tìm cách". Những ngày đó, có khi quá nửa đêm tôi còn thấy tin mới nhắn: "Anh ơi, thêm 2 tủ nữa rồi. Để em ráng kêu thêm", "Tin vui đây anh. Hồng Lý vừa thêm 3 tủ, Trúc Quỳnh 4 tủ, Tuyết Minh 3 tủ…". Sáng sớm vừa mở mắt đã thấy tin nhắn của các thành viên TSNA như Phan Ngọc Anh Cương, Phan Đăng Chương… thông báo góp tiền cho tủ sách Huế, Quảng Trị.

Anh Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc điều hành TSNA, truyền cảm hứng đọc sách cho học sinh

Mỗi khi có đơn vị muốn nhận sách, nhất là phòng hoặc sở giáo dục - đào tạo, đặc biệt là những vị lãnh đạo các tỉnh tâm huyết muốn phát triển văn hóa đọc vận động tặng hàng trăm tủ sách một lúc, các thành viên TSNA đều mất ăn mất ngủ. "Các thành viên phải gấp rút tiến hành khảo sát, xác minh và khi đã hứa thì tìm mọi cách huy động đủ sách cho các địa phương. Với số lượng sách lớn cần tặng, TSNA không chỉ kêu gọi sự chung tay của các cá nhân, doanh nghiệp, mà các thành viên còn bỏ rất nhiều tiền túi đóng góp", anh Trần Thanh Hoài, thành viên TSNA, chia sẻ.

Hoa hậu Ngọc Hân (hàng sau, thứ hai từ phải sang) cùng các thành viên và tình nguyện viên TSNA

"Siêu" tình nguyện viên và "phu sách"

Có tiền mua sách là điều kiện tiên quyết để chương trình TSNA "mút mùa" mang sách đi trao tặng. Nhưng tiền thôi chưa đủ. Để khảo sát các trường học, khuyến đọc cũng như tuyển chọn, phân loại, đóng gói các tủ sách… cần tới rất nhiều tình nguyện viên. Họ đến từ rất nhiều ngành nghề, độ tuổi khác nhau, từ giáo viên, học sinh, sinh viên, nhân viên ngân hàng… "Có người còn mang người yêu, gia đình, con cái tới giúp để trải nghiệm những hoạt động cộng đồng ý nghĩa và chia sẻ niềm vui gieo mầm tri thức tới mọi người", anh Nguyễn Quốc Huy cho biết.

"Trước khi chưa có sách của chương trình TSNA, em cảm thấy việc đọc sách thật khó khăn khi phải đối mặt với những cuốn sách hiếm hoi có ở thư viện nhưng ít hấp dẫn. Em còn rất nhiều thắc mắc về các lĩnh vực mà chưa biết hỏi ai. Và hôm nay, các anh chị đã đem đôi cánh thiên thần tới, khiến chúng em thay đổi...".

(Trích thư của em Nguyễn Thị Thanh Thùy, lớp 9A, Trường THCS Gia Phố, Hương Khê, Hà Tĩnh gửi cho chương trình TSNA)

Trần Thanh Hoài, thủ thư kho sách của chương trình, còn có biệt danh là "phu sách". Với nhiệm vụ quản lý, điều hành việc chọn lựa sách phù hợp, lên kế hoạch phân bổ, tổ chức vận chuyển sách… khiến Hoài có khi phải ở cả ngày lẫn đêm tại kho sách. Lần nào tôi đến kho sách cũng thấy anh chàng có dáng vẻ thư sinh này tối tăm mặt mũi.

Tôi cũng đã chứng kiến hành trình "lên bờ, xuống ruộng" của Nguyễn Quốc Huy trong nhiều chuyến tặng sách. Mang danh Giám đốc điều hành TSNA nhưng cậu ấy miệt mài lái ô tô, chạy xe máy hoặc cuốc bộ đi khảo sát, kết nối, đưa đoàn đi đến nơi cần nhận sách, thuyết trình tại lễ trao tặng sách… ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng xa xôi hẻo lánh. "Các em ở vùng sâu, vùng xa không có sách để đọc. Khi mình đem sách đến tặng, các em cắm đầu đọc, nâng niu yêu quý sách, khiến mình không còn biết mệt nhọc là gì", Quốc Huy trải lòng.

Những “phu sách” của chương trình TSNA

Chung sức với TSNA còn phải nhắc đến những người của công chúng nổi tiếng. Ngoài việc đồng hành đi tặng sách, tìm kiếm tài trợ, chia sẻ cảm hứng đọc sách, Hoa hậu Ngọc Hân còn đến kho sách của chương trình để giúp chọn lựa, đóng gói. "Nghĩ những cuốn sách mình đang đóng thùng để chuyển đi sẽ ươm mầm tươi xanh cho thế hệ trẻ là em rất vui và sẵn sàng góp sức", Ngọc Hân chia sẻ.

Một số chuyến tặng sách không thiếu những diễn giả nổi tiếng như Kỷ lục gia trí nhớ Dương Anh Vũ, thí sinh "Siêu trí tuệ Việt Nam" Nguyễn Thục Nữ... Tôi từng chứng kiến Anh Vũ, Thục Nữ "bị" học sinh bao vây xin chữ ký, thậm chí… nhổ tóc để làm kỷ niệm vì quá ngưỡng mộ. Cũng không thể quên hành trình cùng chương trình TSNA đến các trường ở vùng xa xôi hẻo lánh của các nghệ sĩ như nhóm nhạc Gemini của hai chị em Bảo Anh - Bảo Trân, các ca sĩ Bằng Cường, Triều Linh, Uyên Dung, ảo thuật gia Huỳnh Minh Hiệp… Cát sê của họ chỉ là nụ cười, là niềm vui của các em học sinh, nhưng họ sẵn sàng tham gia hành trình nhọc nhằn mà đầy tính nhân văn cùng TSNA.

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm