Phóng sự - Ký sự

Thiện nguyện đốn tim: Những đứa cháu người dưng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Các cụ không nơi nương tựa đành gửi tấm thân già yếu, bệnh tật ở mái ấm tình thương. Ngày vui của họ là được những đứa cháu xa lạ đến thăm.

Nghe báo những đứa cháu không máu mủ ruột rà đến thăm, cụ Nguyễn Thị Xinh (75 tuổi) và cụ Hoàng Phụng (70 tuổi) ráng đẩy xe lăn ra ngồi đợi trước cổng mái ấm tình thương. Với cụ Xinh, cũng như tất cả các cụ ở mái ấm này, ngày những đứa cháu người dưng ở TP.HCM trở lại thăm là một ngày thật vui.

"Mì ngon quá cháu ơi !"

Đến hẹn, một nhóm bạn trẻ rủ nhau về thăm mái ấm Đức Ái ở vùng quê thuộc H.Đức Hòa (Long An), cách TP.HCM gần 40 km. Đây là hoạt động định kỳ của họ với mái ấm này từ nhiều năm nay. Lần đầu tiên tham gia, tôi cứ nghĩ hành trình về mái ấm chắc sẽ đi bằng ô tô, nhưng trưởng nhóm tình nguyện viên (TNV) Bùi Tấn Minh cho biết phải di chuyển bằng xe máy. Thế là tôi cưỡi xe máy bám theo những bạn trẻ đang háo hức lên đường. "Mái ấm này xa TP.HCM nên ít người làm từ thiện đến đây. Vì vậy, chúng em chọn đến nơi này thường xuyên để trao quà, nấu cho các cụ một bữa trưa, trò chuyện và chăm sóc các cụ. Các cụ coi chúng em như con cháu ruột thịt vậy", Tấn Minh chia sẻ.

Cụ Lê Văn Sâm (99 tuổi) tâm sự với một tình nguyện viên. Ảnh: Quang Viên

Cụ Lê Văn Sâm (99 tuổi) tâm sự với một tình nguyện viên. Ảnh: Quang Viên

Đường xa, mỗi xe chở thêm một người, kèm lỉnh kỉnh cháo gói, sữa… Họ cũng không quên chuẩn bị những chai dầu gió, cồn xoa bóp, thuốc sát trùng, thuốc bổ, tã giấy. Đó là những thứ ở mái ấm này cần sử dụng lâu dài và thường xuyên. Và lần này, cũng như mọi lần khác, 20 cụ ở mái ấm sẽ được đãi thêm bữa ăn đặc biệt. Thực đơn hôm nay là mì sợi chan nước lèo được nấu từ xương, thịt, rau củ… "Lần trước là cháo. Lần này chúng em nấu mì để đổi khẩu vị cho các cụ", Bùi Tấn Minh cho biết.

Vừa đặt chân đến mái ấm, cả nhóm rồng rắn kéo ra chợ mua các nguyên liệu cần thiết để nấu nồi mì ngon, đủ dưỡng chất cho các cụ. Đem các nguyên liệu về, mỗi người một tay sơ chế, rồi nổi lửa nấu mì. Hôm đó, "tổng đạo diễn" món mì là thạc sĩ ngành kinh tế quốc tế Trần Thị Thanh Ngân, còn "chủ nhiệm" nồi nước lèo là chàng kỹ sư điện máy Nguyễn Văn Tuấn.

Đúng ngọ, những tô mì nóng hổi được dọn lên bàn trong nhà ăn. Những cụ già quây quần bên nhau thưởng thức ngon lành món ăn đặc biệt hơn thường ngày. Cụ Lê Văn Sâm (99 tuổi) tấm tắc khen: "Mì ngon quá mấy cháu ơi!". Thật bất ngờ khi cụ bà Lương Lệ Thanh, người Hoa, vừa ăn vừa… khóc và tâm sự: "Ăn tô mì này, ngộ nhớ cha mẹ ngộ. Hồi ngộ còn nhỏ, cha mẹ có cho ăn mì trộn Quảng Đông ngon lắm. Mà cha mẹ ngộ chết lâu rồi. Mì này có nhiều nước, nhưng lâu lâu ngộ mới được ăn nên cũng ngon".

Một cụ bà tấm tắc khen mì ngon với “đứa cháu người dưng”. Ảnh: Quang Viên

Một cụ bà tấm tắc khen mì ngon với “đứa cháu người dưng”. Ảnh: Quang Viên

Ông Phạm Viết Thái, người được coi là một "cụ trẻ" ở đây, vui như tết từ khi nhóm tình nguyện đến thăm. Ngồi chung bàn với các cụ ông lớn tuổi, chờ tô mì các TNV mang đến, ông Thái nổi hứng hát bài Xuân này con không về khá mùi mẫn. Ăn xong tô mì, người đàn ông 60 tuổi này mới bùi ngùi bộc bạch: "Vợ bỏ, 3 đứa con không nhìn bố, tôi bị tai biến nên vào đây. Khi mới vào đây phải ngồi xe lăn, nhưng tự dưng hết bệnh. Đời vẫn còn vui nhờ có mấy đứa con xa lạ này thương nè. Có tụi nó xuống là có cháo, bún, hoặc mì ngon để ăn".

Có lẽ món mì khá hợp khẩu vị với các cụ, vì cụ nào cũng ăn hết một tô đầy, thậm chí có cụ ăn hai tô. Hôm nay, các cụ còn thêm niềm vui nho nhỏ khi được nhận chút tiền lì xì đầu năm của tôi. "Từ tết tới giờ mới được lì xì nè. Ít nhiều gì mà có cái bao đỏ đỏ là vui", cụ Xinh móm mém nói.

"Nhìn các cụ ăn ngon miệng và cười nói vui vẻ là chúng em vui rồi. Khẩu hiệu của nhóm là "Trao yêu thương, nhận nụ cười" mà", Bùi Tấn Minh bày tỏ.

Một tình nguyện viên động viên, an ủi cụ Lương Lệ Thanh. Ảnh: Quang Viên

Một tình nguyện viên động viên, an ủi cụ Lương Lệ Thanh. Ảnh: Quang Viên

Nụ cười chan hòa nước mắt

Hôm chúng tôi đến, mái ấm đang làm lễ tang cho cụ Vũ Thị Múc (75 tuổi). Cả nhóm buồn thiu. Lê Thị Ngọc Lan, sinh viên năm 3 Trường ĐH Y Dược TP.HCM, bùi ngùi tâm sự: "Nghe tin cụ Múc bị đột quỵ, em muốn xuống để kiểm tra sức khỏe của cụ. Thế mà cụ ra đi đột ngột quá". Ngọc Lan cho biết thêm: "Hầu như cụ nào cũng có vấn đề về sức khỏe khá nghiêm trọng, đặc biệt là huyết áp, tiểu đường, tai biến".

Hoạt động thiện nguyện của nhóm tại mái ấm này không chỉ có những món quà, nấu một bữa ăn ngon mà quan trọng hơn là mang đến niềm vui tinh thần cho các cụ. Lần nào các TNV đến, cụ Lương Lệ Thanh cũng mếu máo khóc, rồi than thở: "Ngộ bệnh đủ thứ, không con không cháu, sống một mình ở đây buồn quá, sống làm chi". Cầm bàn tay nhăn nheo, gầy gò của cụ, một thành viên nhóm thiện nguyện an ủi: "Cụ đừng buồn nữa. Tụi con sẽ còn đến với các cụ mà". Cụ Thanh quệt nước mắt, miệng run run khẽ cười, rồi nói: "May có mấy đứa đến đỡ buồn. Nhớ lâu lâu tới đây, đừng bỏ ngộ nghe chưa".

Nhóm thiện nguyện vào bếp nấu mì cho các cụ ăn trưa. Ảnh: Quang Viên

Nhóm thiện nguyện vào bếp nấu mì cho các cụ ăn trưa. Ảnh: Quang Viên

Cụ ông Lê Văn Sâm là người già nhất hiện nay tại mái ấm Đức Ái. Cụ vào đây được 4 năm, trong người mang đủ thứ bệnh tuổi già nhưng còn khá minh mẫn. Ông Thái nói vui: "Cụ Sâm là "đại ca" ở đây". Cụ Sâm kể: "Cả đêm qua ông ngủ không được, cứ nằm chờ trời sáng để gặp các cháu". Gặp cụ Sâm, TNV Hoàng Yến đẩy xe lăn đưa cụ đi dạo và nắn gân nắn cốt. Được Hoàng Yến nắn chân tay, trò chuyện, cụ Sâm chừng khỏe lên và vui hơn.

Có những cụ già thường ngày nằm mãi trên giường vì sức khỏe kém, nhưng mỗi khi đội TNV đến thì như được tiếp thêm sức khỏe. Các cụ lọ mọ ngồi dậy để nói chuyện với những người cháu thân thương. Cụ Trần Thị Kim Liên tai nghễnh ngãng, song thích nghe trò chuyện. Các TNV cứ ghé miệng vào sát tai cụ để tâm sự. Kể về thân phận mình, cụ hay khóc, nhưng khi được an ủi vỗ về cụ lại cười, đôi mắt ánh lên niềm vui. Dường như ở mái ấm này, những khi đội TNV này đến thì nước mắt, nụ cười cứ chan hòa.

3 giờ chiều, khi nhóm chuẩn bị ra về, nhiều cụ ráng ra gần cổng tiễn những đứa cháu tình thương mến thương của mình. "Tuổi già hạt lệ như sương", nhưng có cụ lấy khăn chấm nước mắt. "Nhớ xuống lại mấy cháu nhé!", những lời tha thiết của các cụ vọng theo mọi người. "Dạ, chắc chắn rồi", cả nhóm TNV đồng thanh trả lời.

Những người làm công ăn lương của... Chúa

Cô Sáu, người phục vụ các cụ ở mái ấm, cho biết những người như mình và cô Mai, bác Hạnh tình nguyện phục vụ cho các cụ không có bất cứ đồng lương nào. Cô Sáu nói vui: "Lương của chúng tôi là do… Chúa trả". Hầu hết chi phí để nuôi dưỡng, chăm sóc 20 cụ ở đây là họ đi xin, thậm chí đôi khi phải bỏ tiền túi.

Có thể bạn quan tâm