Thiếu kinh phí phòng cháy chữa cháy rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mùa khô 2014 chưa bước vào giai đoạn cao điểm, song công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đã được các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên nhiều địa phương gặp khó khăn.

Mùa khô năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy rừng lớn gây thiệt hại 411 ha rừng thông tại huyện Chư Pah, chưa kể một số vụ cháy lướt diện tích rừng trồng ở một số địa phương khác.

 

 Diễn tập chữa cháy rừng ở huyện Chư Pah. Ảnh: Nguyễn Diệp
Diễn tập chữa cháy rừng ở huyện Chư Pah. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, để phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời tình trạng cháy rừng trong mùa khô năm nay, thời gian qua các đơn vị liên quan và chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã thành lập mới và củng cố lại 225 tổ, đội bảo vệ rừng và PCCCR ở các địa phương trong tỉnh. Tập trung xây dựng 114 km đường băng cản lửa, làm mới 1.200 bảng cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Tổ chức diễn tập và phát đốt có điều khiển nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng gây thiệt hại tài nguyên rừng.

Đặc biệt, nhờ nguồn kinh phí từ dịch vụ mội trường rừng, đến nay các chủ rừng đã xây dựng thêm hệ thống đường ranh cản lửa. Song kết quả thực hiện vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế của các chủ rừng và địa phương, nhất là diện tích rừng trồng đã qua giai đoạn kiến thiết cơ bản. Trong mùa khô 2014, cơ quan chức năng đã xác định được 127 vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Trong đó, diện tích rừng có chủ là 77 vùng, còn lại diện tích rừng khác do cấp xã quản lý.

Ông Nguyễn Trường Hải-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai cho biết: “Mùa khô năm ngoái, diện tích rừng do đơn vị quản lý đã xuất hiện cháy lướt thực bì, nhờ phát hiện và dập lửa kịp thời nên diện tích rừng không bị thiệt hại. Để đảm bảo an toàn cho diện tích rừng quản lý trong mùa khô năm nay, từ nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng, đơn vị đã chủ động xây dựng gần 60 km đường ranh cản lửa ở những khu vực rừng trồng và vùng trọng điểm cháy. Xây dựng 2 chòi canh lửa để phát hiện và ngăn chặn kịp thời không để xảy ra cháy rừng. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nếu lỡ cháy rừng xảy ra rất khó huy động được đông đảo người dân tham gia chữa cháy rừng vì phần lớn diện tích rừng của đơn vị nằm ở địa bàn cách trở, xa nguồn nước…”.

Từ nguồn vốn hỗ trợ từ dịch vụ môi trường rừng, trong mùa khô năm nay, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã xây dựng thêm 32 km đường băng cản lửa. Đặc biệt, từ tháng 9-2013 đến nay đơn vị đã chủ động đốt trước có điều khiển tại những tiểu khu có nhiều đót giáp với diện tích rừng trồng với diện tích trên 1.000 ha. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là đơn vị vẫn còn 119 ha rừng mới trồng tại xã Hòa Phú đang nằm trong vùng trọng điểm cháy vì lượng thực bì quá lớn. Bên cạnh đó, diện tích rừng này lại nằm trong vùng giáp ranh với khu vực sản xuất của người dân nên rất khó kiểm soát được lửa.

Ông Nguyễn Hữu Long-Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn kinh phí hỗ trợ cho các chủ rừng và các địa phương theo phương án đã duyệt từ năm 2010 (khoảng 5 tỷ đồng/năm) đến nay đã bị trượt giá. Trong khi các đơn vị không được bổ sung nguồn kinh phí cấp bù. Vì vậy, hầu hết đều gặp khó. Bên cạnh đó, nhiều diện tích rừng trồng đã hết giai đoạn kiến thiết cơ bản, trong khi đó nguồn kinh phí dự phòng công tác PCCCR hầu như không được cấp. Đặc biệt, khoản kinh phí xấp xỉ 5 tỷ đồng chưa đáp ứng được yêu cầu chữa cháy mà chỉ có thể giải quyết ở các vùng trọng điểm cháy, còn các diện tích rừng khác chưa được đầu tư phục vụ công tác PCCCR”.                               

 

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm