Thiếu nước sạch sinh hoạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên địa bàn xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) hiện có 2 công trình nước sạch cung cấp cho 3 làng: Khôi, Hnap và Ring. Tuy nhiên, người dân đều “từ chối” nguồn nước sạch ấy. Hiện tại, họ vẫn đang sử dụng mạch nước ngầm vốn chưa được cơ quan chức năng nào kiểm định.

Tắm nước giếng, ăn nước suối

Ngoài 2 công trình nước sạch thuộc dự án của Trung ương Đoàn và dự án di dời tái định canh, định cư lòng hồ thủy lợi triển khai thì phần lớn các nhà dân ở xã Ia Mơr đều có giếng đào hoặc khoan. Tuy nhiên, hầu hết bà con ở đây chỉ sử dụng nước giếng để tắm, giặt. Nước để uống và nấu ăn được mọi người lấy từ những mạch nước ngầm tự đào trong rừng cây dầu gần suối. Bên cạnh đó cũng có một số nhà khác dùng nước uống đóng bình để phục vụ nhu cầu nấu nướng.

 

Bà con sử dụng nước từ các mạch tự đào. Ảnh: Phương Linh
Bà con sử dụng nước từ các mạch tự đào. Ảnh: Phương Linh

Bà Lan-chủ quán cơm Lan Kỳ (làng Klăh) cho biết: “Khi nấu sôi nước giếng ở đây thì thấy trên bề mặt có nổi bợn trắng, uống thì thấy mặn mặn, chế nước trà thì thành màu đỏ đỏ, hỏi ra mới biết là nước bị nhiễm đá vôi. Vì thế tôi chỉ dùng nước đó để tắm, giặt, rửa chén bát, còn nấu ăn cho gia đình và khách thì dùng nước bình”. Cứ vậy, trung bình mỗi ngày bà Lan dùng hết 2-3 bình nước, giá mỗi bình 10.000 đồng, tính ra cả tháng cũng hết gần cả triệu đồng tiền nước nấu ăn. Cùng sử dụng chung nước giếng với 2 gia đình khác, chị Siu Kẹo (làng Krông) cũng chỉ dùng nước ấy để phục vụ sinh hoạt, còn nấu nướng vẫn phải dùng nước bình. Chị chia sẻ: “Mỗi tháng trung bình nhà mình dùng hết khoảng 200.000 đồng tiền nước bình để nấu ăn. Nước giếng đục lắm nên không dám nấu, với lại 2-3 ngày mới bơm một lần, mỗi lần được khoảng 1 thùng 200 lít thôi”.

Tuy nhiên, số người dùng nước bình để nấu ăn khá ít bởi tốn kém, phần lớn đồng bào ở đây chỉ dùng nước mạch ngầm tự đào gần suối. Theo chân bà Rơ Lan Blứ (làng Klăh), chúng tôi đi cách làng gần 2 km để tới nơi bà vẫn thường lấy nước ăn uống cho gia đình. Giữa những cây dầu, chiếc giếng tự đào chỉ sâu khoảng 0,5 mét, rộng khoảng 1 mét, nước trong vắt và chảy tràn lên mặt đất. Theo lời bà Blứ nói thì dọc theo hai bờ con suối Mơr có đến hàng chục cái giếng như thế, cứ 2-3 nhà dùng chung một cái. Bà Blứ múc nước ấy đựng đầy vào những chiếc bầu, chai lọ mang theo. Bà nói: “Mỗi ngày đi lấy nước khoảng 2 lần, sáng một lần, chiều đi hái măng xong lại lấy đem về để sử dụng. Cả nhà thích uống nước này vì nó ngọt hơn nước giếng!”.  

Nỗi lo về sức khỏe


 

Bà con mang chai lọ đi lấy nước. Ảnh: Phương Linh
Bà con mang chai lọ đi lấy nước. Ảnh: Phương Linh

Các giếng nước trên địa bàn xã bị nhiễm vôi gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống cũng như sức khỏe của bà con. Nếu sử dụng nước bị nhiễm vôi để ăn uống lâu ngày sẽ dễ dẫn đến bị sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi mật. Nhưng sử dụng mạch nước ngầm lại càng đáng lo hơn vì nguồn nước ấy chưa được kiểm định. Bên cạnh đó, các giếng mạch ngầm không được che đậy dễ khiến côn trùng, các vật thể dơ bẩn rơi vào gây ô nhiễm nguồn nước và quá trình lấy nước của bà con khá thô sơ nên tính hợp vệ sinh không được đảm bảo. Về vấn đề này, chị Phạm Thị Thư Loan-quyền Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Mơr cho biết: “Dân làng ở đây bị mắc các bệnh về thận khá nhiều, đặc biệt là sỏi thận. Nguyên nhân có thể là do dùng nước giếng nhiễm vôi lâu ngày hoặc dùng nước mạch ngầm có lẫn cát sỏi. Chúng tôi cũng nhiều lần khuyên bà con hứng nước mưa để dùng nhưng rất ít người làm theo”.

Anh Hà Hiển Vinh-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Mơr cho biết: “Gần 200 hộ đồng bào ở làng Hnap, làng Khôi, làng Ring được sử dụng nước sạch nhưng phải trả phí. Mặc dù mức giá 2.500-3.000 đồng/m3 là khá thấp so với các vùng khác nhưng đồng bào ở đây vẫn còn nghèo, họ không có tiền và cũng chưa quen với việc dùng nước phải trả tiền. Bên cạnh đó do quen sử dụng nước mạch tự lấy nên dần dần họ không dùng nước được đảm bảo vệ sinh nữa. Các giếng tập thể, giếng cá nhân tự đào bị nhiễm đá vôi nên bà con cũng chỉ sử dụng để giặt giũ, tắm rửa, chỉ một số ít thỉnh thoảng dùng để ăn uống, còn phần lớn đều dùng nước mạch ngầm”.

Có thể nhận thấy, nguồn nước mà nhân dân xã Ia Mơr đang sử dụng đều không đảm bảo vệ sinh. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bà con. Thiết nghĩ chính quyền địa phương cũng như các ban ngành, đơn vị liên quan cần có biện pháp kịp thời để bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở xã vùng sâu này nhanh chóng ổn định, an tâm với nguồn nước sinh hoạt.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm