Thoát nghèo nhờ chi tiêu tiết kiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 năm triển khai, mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” tại huyện Phú Thiện đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số. Mô hình đã làm chuyển biến mạnh mẽ trong nếp nghĩ, cách chi tiêu, giúp nhiều chị em ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Tích góp tiền lẻ để làm việc lớn
Chị Đinh Thị Rét-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Pông (xã Chư A Thai) là một trong những thành viên đầu tiên của Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”. Hàng tuần, cán bộ phụ nữ huyện, xã luân phiên đến nhà cầm tay chỉ việc, giúp chị cách sắp xếp việc nhà sao cho gọn gàng, hợp lý, đặc biệt là hướng dẫn cách chi tiêu tiết kiệm, tích lũy vốn để đầu tư sản xuất. “Trước đây, gia đình tôi làm được bao nhiêu tiêu xài hết bấy nhiêu, thậm chí còn vay thêm để trang trải cuộc sống. Vậy nên quanh năm cứ làm việc quần quật mà vẫn thiếu trước hụt sau. Từ khi tham gia CLB, mỗi ngày đi làm về có dăm ba ngàn tôi đều bỏ vào heo đất dành dụm. Chồng tôi cũng bớt uống rượu để dành tiền “nuôi” heo”-chị Rét bày tỏ.
Nhờ kiên trì tiết kiệm, khi đập heo đất tiết kiệm, gia đình chị Rét có được 24 triệu đồng, cao nhất trong số 11 thành viên của CLB. “Gia đình tôi rất ngỡ ngàng khi tiết kiệm được số tiền lớn như vậy. Chúng tôi đã dùng số tiền này để xây nhà vệ sinh, nhà tắm và bể nước”-chị Rét phấn khởi cho hay.
Nhiều hội viên, phụ nữ ở Phú Thiện đã dùng tiền tiết kiệm để đầu tư nuôi bò, từ đó vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.P
Nhiều hội viên, phụ nữ ở Phú Thiện đã dùng tiền tiết kiệm để đầu tư nuôi bò, từ đó vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.P
Còn chị Siu H’Liên trước năm 2018 cũng thuộc diện hộ nghèo ở làng Pông. Sau 2 năm tham gia CLB, gia đình chị đập heo đất được 12,5 triệu đồng. Số tiền trên được chị dành để mua xe đạp cho con đi học và mua thêm phân bón sản xuất mía, mì, lúa… Đáng mừng hơn, cuối năm 2019, gia đình chị H’Liên đã chính thức thoát nghèo. “Tôi rất vui khi tham gia CLB, được các cán bộ phụ nữ chỉ bảo cách chi tiêu hợp lý để có tiền tiết kiệm đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi”-chị H’Liên bày tỏ.
Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” tại làng Pông là CLB điểm đầu tiên của huyện Phú Thiện, thành lập đầu năm 2017 với 11 thành viên. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần, tập trung vào các nội dung như: tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu phù hợp với từng điều kiện kinh tế của hội viên; hướng dẫn tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật; tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả; chia sẻ kinh nghiệm giúp nhau phát triển kinh tế. Sau 6 tháng, CLB tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện để nhân rộng ra các chi hội Phụ nữ khác. 
Đến nay, CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” của chi hội Phụ nữ làng Pông đã kết nạp thêm 20 thành viên mới, nâng tổng số thành viên trong CLB lên 31 người. Tổng số tiền chị em tiết kiệm được đã lên hơn 100 triệu đồng. Bà Phạm Thị Điệu-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Chư A Thai-cho hay: “Trong năm 2020, chúng tôi dự kiến thành lập thêm 2 CLB tại làng Hek, làng Trớ để chị em học hỏi cách tiết kiệm và chi tiêu, thay đổi nếp nghĩ cách làm, tiến tới giảm nghèo bền vững”.
Nhân rộng mô hình
Từ thành công bước đầu ở CLB của làng Pông, năm 2019, Hội LHPN huyện đã thành lập thêm 3 CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” tại các thôn: Plei Tel (xã Ia Sol), Thanh Thượng A (xã Ayun Hạ), Sô Ma Hang B (xã Ia Peng). Các CLB đã tổ chức sinh hoạt, chia sẻ cách tiết kiệm, quản lý và sử dụng tiền tiết kiệm hiệu quả; tổ chức cuộc sống, áp dụng kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình... Bên cạnh đó, trong mỗi kỳ sinh hoạt, CLB kịp thời biểu dương các chị thực hiện tiết kiệm hiệu quả và mời chia sẻ kinh nghiệm để nhiều chị em khác cùng học tập, làm theo.
Chị Đinh Thị Rét (bìa trái) đã tiết kiệm được 24 triệu đồng. Ảnh: Đ.P
Chị Đinh Thị Rét (bìa trái) đã tiết kiệm được 24 triệu đồng. Ảnh: Đ.P
Bà Nguyễn Thị Hằng-Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Piar-cho hay, dù không có CLB được triển khai thí điểm, nhưng đội ngũ cán bộ phụ nữ xã, thôn cũng được tham gia tập huấn và tham quan thực tế 4 mô hình thí điểm ở các xã bạn, sau đó về lồng ghép thực hiện thông qua các buổi sinh hoạt chi hội ở các thôn, làng trong xã. 
Theo bà Võ Hoàng Lan-Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện, mô hình CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” bước đầu phát huy hiệu quả khá tốt. Chị em hội viên tham gia CLB đã biết sắp xếp việc nhà, phân phối nguồn tiền thu nhập được để chi tiêu hợp lý, trên hết là tạo được thói quen tiết kiệm, dành dụm phòng khi cuộc sống khó khăn, đau ốm và có tiền tái đầu tư sản xuất, chăn nuôi. “Cùng với đó, chúng tôi luôn tạo điều kiện để chị em được tiếp cận các nguồn vốn vay, dự các lớp tập huấn về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, hướng đến thoát nghèo bền vững. Sau khi triển khai thí điểm, các xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này đến 74 chi hội trên địa bàn”-bà Lan cho hay.
ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm