8 năm bén duyên, hễ nghe ở đâu có những tờ tiền giấy hiếm, độc là Nam lên đường để xem bằng được. Không đủ tiền mua thì anh chắt bóp, dành dụm để cố gắng sở hữu.
Trong 8 năm sưu tầm tiền giấy, Nam đã viết được cuốn sách dày 250 trang về tiền kỷ niệm trên thế giới ẢNH: HOÀNG SƠN |
Tuy chỉ mới 8 năm bước chân vào thú chơi tiền giấy cũ nhưng Trần Văn Nam đã có một số “dấu mốc” đáng tự hào, đó là xuất bản cuốn sách về tiền kỷ niệm các nước trên thế giới và “khai mở” bộ môn tranh ghép từ tiền cũ...
“Vẽ” bản đồ bằng... tiền Việt
Căn trọ trên đường Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng), nơi vợ chồng Trần Văn Nam (28 tuổi) sinh sống trở nên chật hẹp hơn vào những ngày cuối năm bởi những tranh, tiền giấy cũ do anh soạn ra để đi triển lãm các nơi. Có bằng thạc sĩ khoa học môi trường của Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, nhưng chàng trai quê Hà Nam quyết định rời khỏi “vỏ bọc” ổn định để vào Đà Nẵng, vừa theo đuổi đam mê sưu tầm tiền giấy vừa khởi nghiệp bằng chính thú vui này.
Nam kể năm 2012, khi đang du học ở Indonesia chuyên ngành công nghệ kỹ thuật nông nghiệp, anh được người thầy “đỡ đầu” truyền cảm hứng sưu tầm tiền giấy. Kể từ đó, anh dành tâm sức nghiên cứu rồi đam mê thú chơi này khi nào không hay.
8 năm bén duyên, hễ nghe ở đâu có những tờ tiền giấy hiếm, độc là Nam lên đường để xem bằng được. Không đủ tiền mua thì anh chắt bóp, dành dụm để cố gắng sở hữu. Cũng ngần ấy thời gian, anh đã lập nên bộ sưu tập tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ với đầy đủ mệnh giá. Trong số đó có những tờ tiền giấy “sống sót” thần kỳ qua hàng chục đến cả 100 năm.
“Điều buồn nhất của người sưu tập là khi có duyên gặp được tờ tiền độc mà lại... không đủ tiền mua. Bởi vậy, khi nghe các anh đi trước bảo rằng sưu tầm tiền giấy vẫn “sống” được, tôi bắt đầu học cách mua bán. Tôi mua lại những lô tiền cũ và giữ lại cho mình những tờ ưng ý, bán ra thu lãi để tiếp tục mua những đồng tiền chưa có. Cứ thế, bộ sưu tập dày lên và hoàn thiện dần...”, anh chia sẻ.
Nhưng không phải lúc nào cũng gặp may để mua đi bán lại những tờ tiền giá trị. Để nuôi dưỡng đam mê, Nam phải loay hoay tìm cách có thu nhập. Cũng từ đó mà anh nảy ra ý tưởng ghép tranh từ những tờ tiền giấy cũ. “Đây là sản phẩm mà tôi tình cờ phát hiện khi đọc báo nước ngoài. Những tờ rách nát không còn giá trị sưu tập, nếu bỏ đi sẽ rất lãng phí nên tôi tìm cách biến nó thành những sản phẩm trưng bày độc đáo về hình thức, ý nghĩa”, Nam tiếp lời. Để không vi phạm các quy định, khi chọn tiền cũ ghép tranh phải chọn những tờ đã được Chính phủ xác định là hết hạn lưu hành. Còn về ý tưởng mỗi bức tranh, do là tay ngang trong mỹ thuật nên Nam chủ yếu vẽ bản đồ thế giới, bản đồ Việt Nam và các tỉnh, thành.
Hai tờ tiền giấy cực hiếm trong bộ sưu tập của Nam |
Để tranh ghép chính xác với tỷ lệ bản đồ, Nam dành nhiều công sức tỉ mỉ vẽ phác thảo, sau đó xé vụn tiền rồi ghép lên. Nam vừa cầm bức bản đồ thế giới vừa giới thiệu: “Như với tấm bản đồ này, tôi dùng khoảng 100 tờ tiền cũ giai đoạn 1987 - 1994 đã hết hạn lưu hành để xếp thành các châu lục. Trong đó, 5 châu được ghép nên từ các tờ tiền với các mệnh giá khác nhau, gồm 5.000 đồng ghép nên châu Phi, 10.000 đồng cho châu Á, 20.000 đồng cho châu Mỹ, 50.000 đồng ghép châu Âu và tờ 100.000 đồng ghép châu Úc”.
Để mỗi bản đồ sinh động hơn, Nam chọn các màu sắc khác nhau trên tờ tiền để thể hiện khu vực dân cư, rừng núi... Trong tấm bản đồ địa giới hành chính Đà Nẵng, Nam dùng các tờ tiền có màu xanh để ghép phần rừng núi, riêng phần bán đảo Sơn Trà anh dùng tờ tiền 500 đồng (phát hành năm 1969) để làm nổi bật khu vực bán đảo đa dạng sinh học này. “Tất cả đều được làm thủ công nên mỗi bức tranh tốn khá nhiều thời gian. Vui nhất là trong những năm qua, hàng ngàn tấm bản đồ đến tay nhiều người tại 63 tỉnh, thành mà tôi chưa nhận lời phàn nàn nào. Thậm chí, nhiều người còn khen là sản phẩm độc quyền”, Nam trải lòng.
Tác phẩm độc đáo do Nam hệ thống các chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên tiền giấy qua các thời kỳ |
“Viết” giấc mơ bảo tàng
Năm 2017, trong thời gian học tiếng Nhật để sang đất nước hoa anh đào du học, mỗi ngày Nam chỉ ngủ vài giờ đồng hồ chỉ để đọc sách báo, tài liệu nước ngoài về tiền kỷ niệm của các nước. Năm 2019, sau khi xin được giấy phép, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM đã xuất bản cuốn sách Tiền kỷ niệm của các quốc gia trên thế giới, những điều bạn chưa biết?. “Cuốn sách dày 250 trang là đứa con tinh thần mà tôi đã ấp ủ trong nhiều năm. Khi tôi nghỉ việc để vào Đà Nẵng theo đuổi đam mê, sự ra đời cuốn sách như một lối rẽ khiến nhiều người bất ngờ”, Nam kể.
Bất ngờ, bởi chuyên ngành Nam học thiên về tự nhiên thì cuốn sách lại viết “thuần” về xã hội. Với những hình ảnh, thông tin về từng tờ tiền giấy kỷ niệm, Nam đã cung cấp cho người đọc những kiến thức giá trị về lịch sử, địa lý của mỗi quốc gia trên thế giới.
“Qua cuốn sách, những đồng tiền kỷ niệm đánh dấu những sự kiện, mốc lịch sử hay những anh hùng dân tộc, người có công lao đối với lịch sử quốc gia đó sẽ được nhắc nhớ”, Nam nói. Một góc nhìn khác, cuốn sách như công cụ tra cứu, giúp người đọc hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, kinh tế chính trị các nước phát hành tờ tiền đó.
Một trong những đồng tiền có khổ lớn nhất thế giới mà Nam sưu tầm được do Nga phát hành vào năm 1910 |
Tiếp xúc nhiều với tiền giấy các nước, Nam thích nhất tiền in hình nữ hoàng Elizabeth và từ đó cố gắng sưu tập các tờ tiền trong khối Thịnh vượng chung Anh với 20 quốc gia in hình nữ hoàng. Nam cũng dành nhiều công sức để sưu tập tiền giấy Nga và Liên Xô cũ bởi đặc trưng văn hóa châu Âu rõ nét trên tờ tiền. Hút nhất là những tờ tiền Sa hoàng được phát hành có khổ lớn nhất thế giới với thiết kế tinh tế, bóng chìm độc đáo. Anh còn sở hữu những đồng tiền có mệnh giá lẻ 3, 30 mà theo anh, đó là điểm đặc trưng của các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô cũ, Cuba, Triều Tiên...
Kiến thức về tiền giấy ngày càng dày lên, Nam đang chuẩn bị xuất bản cuốn sách thứ 2 về 222 tờ tiền đẹp nhất thế giới. Trong những ngày này, Nam cũng đang tất bật chọn mặt bằng để lập nên bảo tàng tư nhân chuyên về tiền giấy. “Tôi tạm gọi đó là bảo tàng vì cũng sẽ có tủ kính trưng bày, cũng phân chia theo chủ đề, lãnh thổ, cũng thuyết minh, chú giải… Thực ra, tôi mong muốn đó là nơi anh em sưu tầm có thể đến giao lưu. Thông qua bảo tàng của mình có thể khuấy động phong trào chơi tiền giấy, để từ đó bạn trẻ có thêm không gian bổ ích để vừa thăm thú vừa tìm hiểu lịch sử, văn hóa Việt Nam và các nước”, Nam tâm sự.
Tiền Việt Nam quý hiếm trong bộ sưu tập
Về tiền giấy Việt Nam, hiện Nam đang sở hữu những đồng tiền giấy qua các thời kỳ kể từ khi thực dân Pháp đô hộ Đông Dương cho đến bộ sưu tập tiền giấy khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tiền của chế độ cũ Việt Nam Cộng hòa… “Có những tờ tiền độc đáo mà duyên đến rất kỳ lạ. Chẳng hạn phiếu gạo 1 kg phát hành bởi Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1951. Tôi tình cờ đi sưu tầm thì có người vừa bán vừa tặng lại tờ tiền này. Tờ này ở Việt Nam khá hiếm vì chỉ phát hành ở chiến khu Việt Bắc trong giai đoạn 1945 - 1954 khi Bác Hồ làm việc ở đây”, Nam giới thiệu.
Nam cũng đang có bộ sưu tập giấy bạc mệnh giá 100 đồng, được phát hành vào năm 1949. “Người ta gọi nôm na là “Cụ Hồ giấy rơm”. Mặt trước tiền in hình ảnh bác khi còn trẻ. Hình ảnh sau là công cuộc chuẩn bị tổng phản công. Tiền được làm từ rơm xay nhưng có công nghệ in chìm cực kỳ độc đáo...”,Nam nói. Một số tờ tiền đặc biệt khác: tờ Cô dâu chú rể Đông Dương (phát hành khoảng năm 1920); tờ 5 đồng in hình con công gắn liền với giai thoại Bạch công tử Mỹ Tho vì muốn “lấy le” với cô đào hát mà đã đốt tờ tiền, soi sáng để tìm đồng xu 5 cắc cho cô gái; tờ tiền 1 đồng vàng từ tàu chiến của phát xít Nhật bị chìm khi chở sang Đông Dương...
Theo Hoàng Sơn (TNO)