Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Thời sự-Bình luận: Chống tham nhũng đã đến hồi quyết liệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2017 mới đi hết 2/3 chặng nhưng cuộc chiến chống tham nhũng đã ghi dấu son. Hàng loạt vụ việc dư luận bức xúc bị phanh phui, đưa ra ánh sáng. Về trách nhiệm của người lãnh đạo quản lý, đầu tiên phải kể là tháng 5-2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bỏ phiếu thi hành kỷ luật, cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị đối với ông Đinh La Thăng liên quan đến trách nhiệm khi làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tiếp đến, ngày 16-8, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định miễn nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, liên quan nhiều sai phạm, nhất là thời kỳ bà làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty  Điện Quang, một doanh nghiệp lớn của Nhà nước mà khi cổ phần hóa đã rơi vào tay gia đình bà Thoa.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trịnh Xuân Thanh-nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đại biểu Quốc hội, một nhân vật hao tốn nhiều giấy mực của  báo chí suốt gần 2 năm qua, khi phát hiện ra sai phạm đã chuồn một mạch ra nước ngoài; đến cuối tháng 7 bỗng xuất hiện tại Cơ quan Điều tra. Gần đây nhất, ngày 8-9, Bộ Công an thông báo việc khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình-nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ông Bình được cho là nhân vật khá kín tiếng, đã nghỉ hưu từ năm 2014 song sai phạm thì có nghỉ bao năm cũng không thoát.

Đấy là chỉ mới điểm qua một số gương mặt thuộc Bộ Chính trị quản lý, bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong thời gian gần đây. Nhiều đối tượng quan chức khác ở nhiều cấp, nhiều ngành mà lâu nay dư luận cho rằng họ có “tiền tấn”, cơ quan chức năng khó “đâm thủng”, giờ đã lần lượt xuất hiện trước vành móng ngựa, thể hiện ở 2 đại án là vụ Phạm Công Danh-Ngân hàng Xây Dựng và Hà Văn Thắm cùng đồng bọn tại vụ án Ngân hàng Đại Dương.

“Tham  nhũng là quốc nạn” đã được Đảng, Nhà nước ta xác định từ mấy chục năm nay. Tham nhũng ngày càng nhức nhối xã hội, đe dọa sự tồn vong của chế độ, gây mất niềm tin trong nhân dân với Đảng, cản trở sự phát triển của đất nước, làm cho nhiều giá trị xã hội bị đảo lộn. Tham nhũng gắn liền với nhóm lợi ích, gắn với “sân sau” của một số quan chức, doanh nghiệp. Tham nhũng cấp thấp là lợi dụng quyền hành để trục lợi, chuyển tài sản, tài nguyên của Nhà nước, của nhân dân cho cá nhân mình, cho người thân; tham nhũng ở cấp cao còn có thêm sự ban hành chính sách, quyết định có lợi cho một người, một nhóm người để rồi từ đó sân sau “lại quả” cho quan chức.

Lâu nay chúng ta nói nhiều đến chống tham nhũng, song những việc làm cụ thể chưa đủ sức lay động xã hội; “bắn chỉ thiên” nhiều nhưng “bắn đạn thật” chưa hiệu quả. Có thể thấy rằng, trong 2 năm trở lại đây, cùng với việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định nhằm giáo dục, răn đe cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo hành động mạnh mẽ, quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị hơn bao giờ hết. Nhân dân bắt đầu đặt niềm tin vào cuộc chiến mà Tổng Bí thư cầm trịch làm trong sạch bộ máy công quyền sẽ có kết quả như công cuộc đổi mới kinh tế đất nước chúng ta tiến hành trong những năm qua.

Tuần qua, báo chí trích phát biểu của Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương: “Các vụ án lớn đang giải quyết hậu quả của thời gian trước, quản lý hạn chế, nhất là các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề. Có 2 khái niệm đang phải tập trung giải quyết là lợi ích nhóm, thành lập sân sau”. Việc xử lý các đối tượng cán bộ cấp cao sai phạm, “chống dột từ nóc” như Đảng, Nhà nước đang làm có sức lan tỏa và tác dụng giáo dục, răn đe, tạo dựng niềm tin rất lớn. Chưa thời kỳ nào mà quyết tâm chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng ta thể hiện mạnh mẽ, hành động quyết liệt như hiện nay.

Cuộc chiến chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm sẽ làm cho nền kinh tế quốc gia được lành mạnh, đầu tư xã hội đạt hiệu quả, lợi ích quốc gia được nâng lên và là tiền đề tồn vong chế độ. Thông qua cuộc chiến này, những kẻ muốn làm sai, muốn tham nhũng phải chờn tay; kẽ  hở trong chính sách sẽ được phát hiện, bịt lại và điều quan trọng là mọi người cảm thấy sự phát triển xã hội ta ngày càng công bằng, văn minh, lành mạnh.

Làm thế nào để xây dựng thể chế xã hội tốt đẹp, để những người được nhân dân trao quyền quản lý, điều hành, quyết định đến tài sản, tài nguyên quốc gia không có cơ hội, không dám liều lĩnh làm sai trái. Tham nhũng gắn liền với xã hội loài người, có tư hữu là có tham nhũng, xã hội vận động phát triển thì hình thức, hành vi tham nhũng cũng biến đổi không ngừng, vì thế  chống tham nhũng, tham ô là công việc thường xuyên, lâu dài.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm