Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy những kết quả quan trọng, toàn diện đã đạt được của 9 tháng năm 2022.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 3/10 đến ngày 9/10, tại thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ sáu để xem xét thảo luận, cho ý kiến các tờ trình, đề án, báo cáo của Bộ Chính trị liên quan một số vấn đề lớn, cơ bản và quan trọng.
Các vấn đề bao gồm tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025; định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; một số công việc quan trọng khác và về công tác cán bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có các bài phát biểu quan trọng khai mạc, bế mạc Hội nghị.
Về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, cụ thể, toàn diện vào các báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025; phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản tán thành nội dung các báo cáo, thống nhất nhận định: năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, vượt ngoài dự báo, tác động đến các nền kinh tế trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp, tiêu cực đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của nước ta.
Trong bối cảnh đó, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự quản lý, điều hành của Chính phủ; sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, bám sát với tình hình thực tiễn, Trung ương thống nhất ban hành Kết luận về kinh tế-xã hội năm 2022-2023, trong đó, xác định rõ quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính ngân sách nhà nước hằng năm, gắn với việc phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương và báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, chỉ đạo tiếp thu, hoàn chỉnh, ban hành Kết luận; chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ hoàn chỉnh các báo cáo nêu trên để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Trung ương coi quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài. Phát huy tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, với kinh nghiệm và thực tiễn phong phú, các Ủy viên Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có giá trị vào dự thảo Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Trung ương yêu cầu nội dung của Quy hoạch phải xác định rõ và đúng những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu để đạt được; tập trung ưu tiên cho việc hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc-Nam và trục Đông-Tây...
Trên cơ sở đó, Trung ương thống nhất ban hành Kết luận của Trung ương về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Trung ương nhất trí cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ hơn trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với yêu cầu giữ gìn tiến bộ và công bằng xã hội, bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.
Các đại biểu dự bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Sau khi xem xét, thảo luận các tờ trình, đề án và báo cáo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết nghị thông qua Nghị quyết về Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt, triển khai thực hiện để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới được chuẩn bị bài bản, công phu, dân chủ, khoa học.
Để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu bám sát quan điểm, tư tưởng chỉ đạo: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân; bảo đảm yêu cầu Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; bám sát thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất cao ban hành Nghị quyết của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá cao các kết quả đã đạt được của 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X (năm 2007) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị (Nghị quyết 15); khẳng định việc tổng kết Nghị quyết 15 và ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới là yêu cầu cần thiết để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy có hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị ngay sau Hội nghị Trung ương 6 chỉ đạo ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết; tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt nghiên cứu, quán triệt, triển khai Nghị quyết, Kế hoạch thực hiện.
Căn cứ quyết định hiện hành, ý kiến của các cơ quan liên quan và chủ trương của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật; trên cơ sở đề nghị của cấp ủy, tổ chức đảng, ý kiến của các cơ quan chức năng và xem xét nguyện vọng của cán bộ; Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để 3 ông: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Theo đề nghị của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, cho ý kiến kỷ luật ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm, căn cứ quy định của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Phạm Xuân Thăng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến về nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội bầu, phê chuẩn các chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy những kết quả quan trọng, toàn diện đã đạt được của 9 tháng năm 2022; nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra cho năm 2022 và các năm tiếp theo; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo TTXVN/Vietnam+