Thời sự - Bình luận

Thông điệp tháng 5

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cả nước có trên 52 triệu người lao động, trong đó công nhân lao động chỉ chiếm 14% dân số, chiếm 27% lực lượng lao động, nhưng tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội.

Đánh giá tầm quan trọng đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết về cơ chế, chính sách liên quan đến công nhân, lao động như: đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, tiền lương, an sinh xã hội...

Tuy nhiên, tác động của cách mạng 4.0, chuyển đổi số, tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo... đang làm gia tăng sức ép về cắt giảm giờ làm, việc làm, tác động trực tiếp đến người lao động (NLĐ). Đặc biệt, dịch Covid-19 khiến nhiều lao động bị mất việc, giảm giờ làm; nhu cầu về nhà ở của công nhân, NLĐ còn rất lớn nhưng chưa được đáp ứng.

Theo Tổng cục Thống kê, quý 1/2023, nhiều doanh nghiệp ở một số ngành thâm dụng lao động như: dệt may - da giày; điện - điện tử… buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động khoảng 1,05 triệu người, số người thiếu việc làm khoảng 885.500 người. Thật nhói lòng khi chứng kiến cảnh NLĐ ở TP.HCM trắng đêm xếp hàng chờ rút bảo hiểm 1 lần hay cảnh NLĐ đổ xô đi tìm việc tại các khu công nghiệp…

Thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với những vấn đề mà công nhân, NLĐ phải đối mặt, tại lễ phát động Tháng Công nhân năm 2023 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định một thông điệp nhất quán: "Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành những cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn cho NLĐ".

Theo Thủ tướng, để thực hiện thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta cần cùng nhau hành động với tinh thần thiết thực, hiệu quả. Theo đó, Chính phủ sẽ tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và sinh kế cho NLĐ.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng luôn lắng nghe, chia sẻ và tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, NLĐ; đồng thời đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân.

Đặc biệt, để NLĐ "an cư lạc nghiệp", bảo đảm cơ hội tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, Chính phủ sẽ tập trung triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển các công trình phúc lợi, siêu thị, thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục phục vụ NLĐ và gia đình, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân.

Tháng 5 là tháng có ý nghĩa đặc biệt đối với NLĐ cả nước khi có Ngày Quốc tế lao động 1.5, có Tháng Công nhân. Với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động, rất cần sự lãnh đạo, quan tâm của các cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp cần quan tâm, quý trọng và chia sẻ thành quả với NLĐ để nuôi dưỡng nguồn nhân lực. Đó chính là nguồn vốn quý của mỗi doanh nghiệp - lực lượng tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đầu tư cho NLĐ chính là đầu tư cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Có thể bạn quan tâm