Phóng sự - Ký sự

Thú chơi hamster ở Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Loài chuột cảnh với tên gọi hamster không ngừng gây sốt trên thị trường thú cưng trong những năm gần đây bởi sự hiền lành và đáng yêu của chúng. Mặc dù du nhập vào địa phương khá muộn, song trào lưu nuôi chuột cảnh đang phát triển khá rầm rộ ở Phố núi.
Đa dạng chủng loại
Ngôi nhà nhỏ số 4/16 nằm lọt thỏm bên dưới mặt đường của con hẻm Tuệ Tĩnh được xem là một trong những “tiểu vương quốc” hamster ở Phố núi. Anh Phạm Ngọc Lâm (SN 1988, trú tại phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) đã thuê căn nhà này để thỏa niềm đam mê với những chú chuột cảnh nhỏ nhắn mà mình trót “phải lòng” ngay lần đầu nhìn thấy. Cách đây 5 năm, chính sự thân thiện, lanh lợi cùng sắc lông đẹp mắt của chúng đã khiến anh “mê như điếu đổ” và thôi thúc bản thân phải cho ra đời bằng được shop thú cưng Hamster Pleiku sau đó không lâu.
 Hamster Robo. Ảnh: internet
Hamster Robo. Ảnh: internet
“Từ hôm ở nhà bạn về, tôi bắt đầu tìm hiểu thông tin; tích cực tham gia các hội nhóm có cùng sở thích về hamster để tích lũy kiến thức về loài thú cưng này. Am hiểu cơ bản rồi, tôi mới lùng sục khắp các cửa hàng trên địa bàn tỉnh để mua hamster nhưng không có bán. Cuối cùng, một người bạn ở TP. Hồ Chí Minh đã tìm mua giúp tôi 8 cặp hamster (mỗi giống 1 cặp) với giá khoảng 1 triệu đồng cùng nhiều phụ kiện, vật dụng kèm theo. Nuôi một thời gian thấy có hiệu quả, tôi quyết định gầy giống để kinh doanh nhằm cung cấp thêm một loại thú cưng mới cho các bạn trẻ trong tỉnh”-anh Lâm nhớ lại.
Kể đoạn, chủ shop Hamster Pleiku nhẹ nhàng đưa tay vào lồng kính, lần lượt “bế” từng người bạn bé bỏng của mình ra giới thiệu với khách. Anh Lâm cho hay, trên thế giới có đến 24 loài hamster, song ở Việt Nam chỉ có 4 loài phổ biến là: Bear, Robo, Winter White và Cambell. Hamster Bear có kích thước lớn nhất trong 4 loại kể trên, sở hữu ngoại hình mập mạp, dễ nuôi và thân thiện; bộ lông sát da hoặc xù màu ánh kim (satin) thu hút. Trái ngược với Bear, Robo là loài nhỏ nhất và cũng lanh lợi nhất trong dòng họ hamster. Mặc dù rất tăng động, ít ngủ, thích chơi đùa nhưng Robo lại khá nhút nhát và hay bị giật mình; thậm chí chúng sẽ lăn đùng ra giả chết một cách vô cùng đáng yêu khi cảm thấy bị đe dọa. 2 loài hamster còn lại là Winter White và Cambell đều có kích cỡ trung bình, màu lông và mắt đa dạng (vàng-mắt đen, vàng-mắt đỏ, trắng-mắt đỏ, xám đất, chocolate, xám khói, trắng đen, trắng vàng, trắng tím…) nên rất dễ nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, nếu Cambell khá hiếu chiến, thường chủ động tấn công hoặc đe dọa khi một hamster khác lại gần thì Winter White lại là loại cực kỳ hiền lành, hòa đồng nên dễ chơi đùa và vuốt ve chúng trên tay. Winter White hiện cũng đang là dòng được nhiều khách hàng ưa chuộng và săn lùng nhiều nhất với giá từ 160.000-240.000 đồng/cặp. Riêng Hamster Cambell có giá bán rẻ nhất, khoảng 120.000-200.000 đồng/cặp; Hamster Bear 180.000-300.000 đồng/cặp và cao nhất là loài Hamster Robo, dao động từ 200.000 đến 320.000 đồng/cặp.
Nổi tiếng là giống thú cưng dễ nuôi, chuột hamster có danh sách thức ăn cực kỳ đa dạng. Đó là những loại ngũ cốc (bí đỏ, bắp, hướng dương, gạo lứt, lúa…) thường được bán theo dạng hỗn hợp trộn lẫn cùng bánh quy không đường, gạo nổ, thực phẩm công nghiệp. Theo chia sẻ của người chơi, tất cả các giống hamster gần như đều ăn uống giống nhau, chỉ khác về khẩu phần và lượng thức ăn hàng ngày. Ngoài ra, tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển mà bổ sung thêm cho chúng các loại thức ăn như: cào cào, châu chấu, rau xanh, bánh mì, lòng trắng trứng, phô mai… nhằm đảm bảo dinh dưỡng, nhất là thời kỳ sinh sản; đồng thời tránh cho ăn đồ có vị chua, ngọt, tính hàn… sẽ khiến chuột bị tiêu chảy, bỏ ăn rồi chết.
“Có thể nhiều người vẫn chưa biết, trong cách nuôi chuột hamster có một loại thức ăn rất cần thiết cho quá trình phát triển của chúng là bánh mài răng. Nếu không ăn thức ăn cứng trong một thời gian dài, răng của chúng sẽ bị dài ra gây xước nướu, biếng ăn, ảnh hưởng sức khỏe và có thể dẫn đến chết. Mặt khác, chuồng trại nuôi hamster càng nhẵn càng tốt vừa để tránh chuột gặm nhấm, leo trèo, vừa dễ dàng dọn vệ sinh. Vị trí đặt chuồng phải thoáng khí, tránh ánh nắng trực tiếp và gió lùa vì dễ làm chuột sốc nhiệt và xù lông. Trong quá trình phối giống cũng cần tuyệt đối chú ý tránh đồng huyết vì hamster đời sau sẽ dễ bị chết hoặc khuyết tật”-anh Lâm chia sẻ bí quyết.
Sôi động phong trào chơi hamster
Theo tìm hiểu của phóng viên, thị trường chuột hamster ở Gia Lai chỉ mới sôi động khoảng 4 năm trở lại đây. Người chơi hamster cũng đại trà chứ không tập trung ở một bộ phận nhỏ như trước do giá thành đã “hạ nhiệt”. Tại Phố núi, chỉ có khoảng 4-5 cửa hàng bán hamster song số lượng cung cấp lại tương đối lớn và mạng lưới phân bố gần như toàn tỉnh. “Chuột hamster hiện nay không còn là một con vật xa lạ. Với 3 tiêu chí: dễ thương, dễ nuôi và dễ gần, chúng đang ngày càng trở nên phổ biến và được yêu thích bên cạnh những chú chó, mèo. Kích thước của loài chuột này cũng khá nhỏ nên khi nuôi chúng thường tốn ít diện tích, thức ăn, vật dụng và công chăm sóc như những thú cưng khác”-chị Nguyễn Thị Bích Ngọc-chủ cửa hàng Gia Lai Happy Pet xinh (01 Chu Mạnh Trinh, TP. Pleiku) đánh giá.
 Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc bên các “đồ chơi” dành cho chuột hamster tại cửa hàng của mình. Ảnh: M.T
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc bên các “đồ chơi” dành cho chuột hamster tại cửa hàng của mình. Ảnh: M.T

“Theo dự báo, chuột hamster sẽ tạo nên cơn sốt vào Tết Nguyên đán sắp tới vì năm 2020 là năm Canh Tý. Do vậy, chúng tôi dự định sẽ nhập thêm 50 con hamster các loại để phục vụ khách. Giá cả vẫn được shop giữ ở mức như ngày thường”-chủ cửa hàng Gia Lai Happy Pet xinh cho hay.

Thời gian đầu kinh doanh, chị Ngọc, anh Lâm cũng như những chủ cửa hàng bán hamster khác ở Phố núi chủ yếu đăng bài trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Và họ đều khá bất ngờ khi chỉ sau 1 tuần, chuột hamster đã được đặt hàng hết sạch. Ngoài ra, để phục vụ cho các “tín đồ” nuôi hamster từ A đến Z, chủ shop còn nhập về bán kèm các phụ kiện cho loài thú cưng này như: lồng nuôi, nhà ngủ gỗ, bồn tắm cát, bình uống nước, lót chuồng, wheel chạy tập thể dục, bánh mài răng… Cứ tầm 2,5 tháng, chuột hamster sẽ sinh sản một lứa, vì thế, để đảm bảo số lượng chuột cung cấp cho thị trường thú cưng, các chủ shop thường chủ động phối giống cho chúng sinh sản gối đầu. Trung bình mỗi tháng, anh Lâm bán 20-25 cặp hamster các loại và nhiều phụ kiện, trừ chi phí cũng lãi được hơn 3 triệu đồng; còn Gia Lai Happy Pet xinh của chị Ngọc thì đạt doanh thu ổn định 15-20 triệu đồng/tháng. Đến nay, các cửa hàng này đều duy trì được lượng khách quen ổn định, trong đó có nhiều khách hàng ở các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Bình Định, Lâm Đồng, Đak Lak, Kon Tum, Quảng Ngãi... Không chỉ đơn thuần bán hàng, chủ shop còn rất nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn cho khách kỹ thuật chăm nuôi hamster sao cho hiệu quả nhất.
Em Nguyễn Mai Trâm Anh (SN 2001, trú thôn Mỹ Thạch 1, thị trấn Chư Sê) tâm sự: “Mới đầu, ngoài chuột bạch, em không hề biết đến loại chuột hamster nhỏ xinh này. Năm 2017, khi được một người bạn mua tặng 1 cặp hamster màu trà sữa và vàng chanh với combo phụ kiện đầy đủ để nuôi, em vô cùng thích thú. Hamster khá thân thiện, gần gũi và dễ nuôi, lại biết làm nhiều trò thú vị. Hiện em cũng đang vừa nuôi chơi vừa bán cho một số bạn bè có nhu cầu”.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm