Thú chơi "thời trang"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những món đồ và phụ kiện đã trở thành hình ảnh đặc trưng của quân đội Mỹ như: bốt (boot), nón kết, mũ rằn ri, áo jacket, bật lửa zippo… Dù chỉ được sử dụng riêng trong một lực lượng trong thời chiến nhưng chúng lại được giới mê đồ lính ở Phố núi Pleiku săn lùng, sưu tầm khá nhiều.
 
Tại TP. Pleiku có một vài cửa hàng bán đồ lính, nhưng nơi có nhiều hàng hiếm nhất, thường được giới mê đồ lính lui tới là cửa hàng đồ xổ Ngọc Hải (đường Lê Lai, TP. Pleiku). Có thể tìm thấy ở đây nhiều loại trang phục, vật dụng nhà binh như quân phục (thuộc các binh chủng), áo thun, jacket, các loại mũ, giày kiểu quân đội, bình đông, bật lửa zippo cho đến những tấm thẻ bài... Chị Phạm Kiều-chủ cửa hàng cho hay, những người mê đồ lính thường ở độ tuổi trung niên trở lên, giới trẻ cũng có nhưng không nhiều. Thỉnh thoảng họ đến tìm mua chăn dù, ba lô, mũ rằn ri… chủ yếu dùng để đi phượt.
 

Người yêu thích đồ lính là những người thích sự phóng khoáng, tiện lợi. Ảnh: H.N
Người yêu thích đồ lính là những người thích sự phóng khoáng, tiện lợi. Ảnh: H.N

Giới sưu tầm đồ lính có nhiều mục đích, người xem như phong cách thời trang, người xem như một thú chơi… Đối với những người sưu tầm đồ nhà binh phục vụ cho thú chơi thường khá cầu kỳ, chỉ săn lùng những món hàng cũ, khó kiếm, nhất là đã từng được lính Mỹ sử dụng trong chiến tranh cho dù phải trả giá cao gấp nhiều lần.

Chị Kiều nhận xét, người chơi đồ lính chỉ thích những món hàng cũ, cổ, hiếm dù phải trả giá cao hơn món đồ tương tự được sản xuất sau này. Chẳng hạn như mẫu áo jacket (thường gọi là áo philaket) khóa nhôm và khóa đồng. Mẫu áo này có nhiều mức giá tùy năm sản xuất. Áo rất bền, có màu xanh quân đội đặc trưng, không phai màu nên những chiếc áo còn tới ngày nay luôn như mới, càng sử dụng màu áo càng đẹp và khóa áo càng sáng.

Loại jacket đắt nhất hiện nay là loại dây kéo nhôm sản xuất những năm 1965-1968 với giá 4 triệu đồng/chiếc, loại khóa đồng (sản xuất trong những năm 1951) có giá 3,5 triệu đồng. Riêng các loại giày, bốt quân đội cũng được săn lùng khá nhiều. Đắt nhất là loại bốt cổ da (sản xuất năm 1968) có giá 4,5 triệu đồng/đôi. Riêng quần túi hộp theo cách quân đội có nhiều họa tiết, chủng loại (tùy thuộc vào binh chủng) có giá từ 950 ngàn đồng/quần. Lịch sử ra đời của các mẫu áo này khá thú vị nên càng ngày chúng càng có giá trong tay giới sưu tầm.

Ông Đ.A.H. (đường Phan Đình Phùng) có bộ sưu tập khá “dày” về những món đồ nhà binh, trong đó có những món hàng độc, hiếm. Ông cho biết: “Tôi sưu tầm những món đồ mang phong cách quân đội đã nhiều chục năm, nhiều nhất là các loại bật lửa zippo. Chiếc bật lửa nhỏ bé nhưng đằng sau là những câu chuyện lịch sử, thương hiệu vô cùng thú vị. Nhiều người nói tôi tại sao không sưu tầm những thứ thời thượng hơn như chơi cây kiểng, chơi hoa… nhưng đã là thú chơi thì vô kể, vô chừng. Thú chơi nào cũng vậy, nó phải làm mình thích thú và đam mê”.

Đối với giới hâm mộ phong cách thời trang quân đội, họ lại có xu hướng tậu đồ để mặc chứ không phải để ngắm, để chơi. Sự khỏe khoắn, năng động của loại trang phục nhà binh đã chiếm được cảm tình của những người ưa sự phóng khoáng, tự do. Giới mê thời trang phong cách quân đội không quá đòi hỏi về lịch sử của món hàng. Họ thường quan tâm đến tính tiện dụng, giá cả phù hợp nên có xu hướng sử dụng hàng được sản xuất sau này với chất lượng tốt. Những thiết kế trong trang phục nhà binh từ mấy mươi năm trước vẫn có sức sống cho tới hôm nay và không hề lỗi mốt.

Anh Thành-một người yêu thích phong cách thời trang quân đội chia sẻ: “Thứ trang phục này rất kén người mặc. Người không thích cho họ cũng không lấy. Nhưng với chúng tôi, đã mê rồi là đắm đuối lắm. Người đã chuộng mặc đồ lính rất khó mặc đồ tây vì không chịu được sự gò bó. Thành phố Pleiku không nhiều cửa hàng đồ lính như ở các thành phố lớn, nhưng hàng được tuyển về đây đảm bảo chất lượng vì bản thân chủ cửa hàng cũng rất sành đồ”.

Vài năm trở lại đây, một số người còn tìm đến thời trang nhà binh như một loại trang phục phù hợp để khuân vác nặng, đi rẫy bởi sự bền chắc, sạch sẽ của loại trang phục này. “Nhiều đại gia ở Phố núi cũng thường xuyên tới đây tìm mua các trang phục nhà binh, lái xe jeep đi thăm rẫy của họ ở các vùng lân cận nhìn rất phong cách”-chủ cửa hàng đồ xổ Ngọc Hải cho biết thêm.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm