Phóng sự - Ký sự

Thú cưng - cuộc chơi công phu và đắt đỏ - Kỳ cuối: Quốc khuyển, vươn ra thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khởi đầu từ những loài chó săn cổ, chỉ sinh sống trên vùng núi rừng hẻo lánh hoặc ngoài biển đảo xa xôi, giờ đây, bốn loài quốc khuyển của Việt Nam đã bắt đầu đặt chân tới những quốc gia khác.

Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường rất dài để chúng được thế giới chính thức công nhận là một giống chó thuần chủng mới…

Tiên phong trong tứ đại quốc khuyển

Khi nói đến “tứ đại quốc khuyển” của Việt Nam gồm chó Phú Quốc, chó Mông Cộc, chó Bắc Hà, chó Lài sông Mã, chó Phú Quốc luôn được coi là loài tiên phong. Với thân hình rắn chắc, nở nang nhưng gọn gàng, khuôn mặt thông minh, tinh tường cùng sự khôn khéo, trung thành và dũng cảm, giống chó săn cổ này đã chinh phục trái tim của rất nhiều người chơi khó tính. Vì vậy, không khó hiểu khi có những cá thể được trả giá vài trăm triệu đồng, vượt cả những loài nổi tiếng thế giới như Rottweiler, Doberman, Samoyed…

Anh Vũ Thế Minh (ngoài cùng bên phải) cùng những người chơi đến từ Mỹ chuẩn bị cho 4 chú chó Mông Cộc xuất ngoại.

Anh Vũ Thế Minh (ngoài cùng bên phải) cùng những người chơi đến từ Mỹ chuẩn bị cho 4 chú chó Mông Cộc xuất ngoại.

Chó Phú Quốc cũng là loài chó bản địa đầu tiên được xuất khẩu ra nước ngoài như Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc... Riêng ở Mỹ, một hiệp hội riêng dành cho những người nuôi chó Phú Quốc được thành lập nhiều năm nay. Ngoài ra, chó Phú Quốc còn giành giải cao tại nhiều cuộc thi do Hiệp hội Chó giống Mỹ (AKC) tổ chức và được một số hãng thức ăn cho chó của Mỹ chọn làm gương mặt đại diện.

Phía sau những thành công ấy, không thể không nhắc đến cái tên Lê Thị Hà - người sở hữu 5 trại chó bản địa trị giá hàng tỷ đồng với khoảng 100 chú chó Phú Quốc, trong đó có ba “danh tướng” đã xuất hiện nhiều lần trên các mặt báo là Lốc, Cọp và Hổ. Trong cuộc chơi tưởng chừng cánh mày râu hoàn toàn chiếm ưu thế, lại có một bóng hồng như chị Hà nhẹ nhàng lướt qua và để lại những dấu ấn không thể phai mờ.

Với chị Hà, xuất khẩu chó đâu chỉ là câu chuyện kinh doanh, mà còn là câu chuyện quảng bá hình ảnh của đất nước tới bạn bè năm châu. Bởi theo chị, có rất nhiều câu chuyện thú vị về đất nước và con người Việt Nam gắn liền với những loài chó bản địa. Chẳng hạn, Phú Quốc là loài chó gắn liền với chiến công hai lần cứu sống Hoàng đế Gia Long và được ông phong làm “Thần khuyển đại tướng quân”. Chó Bắc Hà gắn liền với giai thoại về sói lửa trên “cao nguyên trắng”. Còn chó Lài sông Mã từng được vua Lê Lợi chọn làm “khuyển binh”, góp công giúp nhà Lê đánh đuổi giặc Minh và bảo vệ vùng biên cương.

Phú Quốc gọi, Mông Cộc trả lời

Nối tiếp những bước chân tiên phong của chó Phú Quốc là chó Mông Cộc, một loài chó săn cổ khác đến từ vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Khác chó Phú Quốc, chó Mông Cộc chinh phục người chơi bằng tính cách lạnh lùng, điềm tĩnh. Khi đến chỗ lạ, thay vì hoảng sợ, chúng sẽ bình tĩnh quan sát, đánh giá tình hình như một người trưởng thành. Đặc biệt, Mông Cộc chỉ trung thành và nghe lời một chủ. Với những người khác, kể cả thành viên trong gia đình chủ, chúng chỉ cư xử xã giao chứ không quá thân thiết.

Chị Lê Thị Hà và Cọp - chú chó Phú Quốc có giá trị chuyển nhượng đắt nhất Việt Nam từ trước đến nay.

Chị Lê Thị Hà và Cọp - chú chó Phú Quốc có giá trị chuyển nhượng đắt nhất Việt Nam từ trước đến nay.

Năm vừa rồi, 4 chú chó Mông Cộc đầu tiên của Việt Nam đã được xuất ngoại một cách chính thức, điểm đến vẫn là nước Mỹ. Người đứng sau thương vụ này là anh Vũ Thế Minh, một người nhân giống chó Mông Cộc có tiếng trong giới. Anh Minh tiết lộ, để xuất khẩu được một chú chó sang Mỹ không hề dễ dàng. Đầu tiên, chó phải từ 6 tháng tuổi trở lên, có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, phả hệ, giấy chứng nhận giống (do VKA - Hiệp hội Chó giống Việt Nam cung cấp) và được gắn chip để theo dõi. Sau đó, mẫu ADN của chó phải được gửi sang các phòng thí nghiệm ở Anh và Mỹ để xét nghiệm về chất lượng nguồn gen và tiền sử bệnh tật. Khi tất cả đã đạt yêu cầu, chó mới được cấp “visa” để xuất ngoại. Nhưng sau cùng, cái khó nhất vẫn là quá trình gây dựng uy tín của nhà nhân giống, để lọt vào “mắt xanh” của những khách hàng khó tính đến từ đất nước đã đi trước Việt Nam khá xa về thị trường chó giống.

Hiện nay, giá của chó Mông Cộc không hề kém cạnh chó Phú Quốc, dù là chuyển nhượng trong nước hay xuất khẩu. “Phú Quốc đã gọi, Mông Cộc phải trả lời chứ!”, anh Minh cười.

Gian nan hai chữ “thuần chủng”

Những người nhân giống chó bản địa vẫn còn biết bao nỗi trăn trở. Bởi tuy có giá trị khá cao, nhưng chưa một giống chó bản địa nào của Việt Nam là giống thuần chủng. Vì vậy, tỷ lệ các cá thể đời sau có đặc điểm giống cá thể đời trước là không cao. Chẳng hạn như với giống chó Mông Cộc, theo anh Minh, lúc mới sinh, tỷ lệ chó con giống chó bố, chó mẹ chỉ khoảng 20-30%. Khi chúng lớn lên, tỷ lệ này lại giảm xuống chỉ còn khoảng 10%. “Nhiều trường hợp, chó bố và chó mẹ đều cộc đuôi, nhưng vẫn đẻ ra chó con có đuôi. Nguyên nhân là bởi ngày xưa, Mông Cộc bị lai tạp nhiều với những giống chó khác, làm ảnh hưởng xấu đến nguồn gen thuần chủng”, anh Minh nói.

Xù - một trong những cá thể chó Bắc Hà ưng ý nhất mà anh Phạm Anh Cường đang sở hữu.

Xù - một trong những cá thể chó Bắc Hà ưng ý nhất mà anh Phạm Anh Cường đang sở hữu.

Anh Phạm Anh Cường, một người nhân giống từng tham gia xây dựng bảng tiêu chuẩn giống của chó Bắc Hà cho VKA chia sẻ, giống chó này cũng thường bị người chơi phối giống bừa bãi với những giống khác do thiếu hiểu biết hoặc vì lợi nhuận trước mắt. “Chó Bắc Hà chuẩn phải có một số đặc điểm như bộ lông 2 lớp dày và xù, trán phải có tóc, đuôi dài, điểm tiếp giáp giữa trán và sống mũi hơi lõm vào, vành tai phải cụp qua vị trí của mắt… Nhưng hiện giờ, rất nhiều con bị thiếu lông, vành tai nằm cao trên đỉnh đầu, thậm chí đuôi gần như cộc do bị lai tạp với Mông Cộc…”, anh Cường nói.

Hiện nay, Tổ chức Chó giống Thế giới (FCI) là tổ chức uy tín nhất trong việc công nhận một giống chó thuần chủng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn FCI đặt ra khá khắt khe: Giống chó đó phải có một quần thể với số lượng tối thiểu từ 50 đến 100 cá thể, được chia ra làm ít nhất 8 dòng họ khác nhau; ba thế hệ đầu tiên trong mỗi dòng họ không được phép có chung tổ tiên. Mọi cá thể đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn giống do tổ chức trực thuộc FCI tại địa phương đưa ra. Để xây dựng được quần thể nói trên, tổ chức này phải thực hiện một chương trình nhân giống chuyên nghiệp kéo dài ít nhất 15 năm. Cuối cùng, toàn bộ cá thể chó phải được xét nghiệm ADN, thực hiện các bài kiểm tra sức khoẻ, tính cách và hành vi… để xác minh tính thuần chủng của nguồn gen.

Theo chị Hà, nếu được công nhận là giống thuần chủng, chất lượng con giống của các giống chó bản địa sẽ được nâng cao, nguồn gen được bảo tồn, cơ hội xuất khẩu cũng nhiều hơn…

“Theo tôi, việc yêu một loài chó khác rất nhiều so với việc yêu một chú chó. Cần phải có kiến thức vững vàng, nguồn tài chính dồi dào cùng sự nghiêm túc, bền bỉ trong nghề. Và quan trọng nhất là phải có sự chung tay của nhiều nhà nhân giống”, chị Hà chia sẻ.

Theo định nghĩa của FCI, giống chó thuần chủng là một quần thể chó chia sẻ những đặc điểm tương đồng với nhau và có tính di truyền, sau khi được con người nhân giống trong một khoảng thời gian nhất định.

Có thể bạn quan tâm