Phóng sự - Ký sự

Thủ Đức - Khát vọng Phố Đông - Kỳ 5: Những kế hoạch phát triển bên kia sông Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc tổ chức 'thành phố trong thành phố', sáp nhập ba quận để TP Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, làm một mũi nhọn phát triển mới của TP.HCM, vốn chưa có tiền lệ tại VN nhưng vừa đề xuất đã được sự ủng hộ hồ hởi của cả lãnh đạo và người dân.

Bình đồ tổng quát viện và làng đại học Sài Gòn ở Thủ Đức năm 1961 - Ảnh tư liệu
Bình đồ tổng quát viện và làng đại học Sài Gòn ở Thủ Đức năm 1961 - Ảnh tư liệu
Lật lại những hồ sơ Thủ Đức còn được lưu giữ, thật bất ngờ khi đọc được một đề nghị tương tự...
Nửa thế kỷ lập làng đại học
Biên bản buổi họp ủy ban liên bộ chỉnh trang xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa ngày 15-9-1964 được ghi rất chi tiết: "Ông Phạm Gia Hiến, đại diện Tổng nha kiến thiết thiết kế đô thị, trình bày một dự án họa đồ thiết kế vùng Thủ Đức và kế cận. 
Theo ông, các khu tô màu vàng trên họa đồ là các trung tâm gia cư. Đô thị Thủ Đức - vùng phụ cận Sài Gòn sẽ có khoảng 10 trung tâm, mỗi trung tâm có thể thu nhận 1.000 gia đình (khoảng 5.000 người). 
Như thế, đô thị Thủ Đức trong tương lai sẽ tiếp nhận được khoảng 50.000 người, và sẽ được coi như một thành phố con phụ thuộc Sài Gòn. Mỗi trung tâm là một đơn vị như Làng đại học diện tích lối 100ha, có đầy đủ vườn trẻ, mẫu giáo, bệnh viện, thương mại, câu lạc bộ, cảnh sát...".
Hơn 20 năm trước, khi nhập học ở cơ sở 3 ĐH Tổng hợp TP.HCM tại Thủ Đức, đám sinh viên chúng tôi thật ngỡ ngàng khi được học ở ngôi trường rộng mênh mông với thiết kế thật đặc biệt. 
Những hành lang vừa dài vừa rộng, xuyên sang nhau thành những góc vuông, lại có một con đường dốc xuống, một hành lang chạy chéo lên thay cầu thang trông rất duyên dáng mà sinh viên gọi đùa là "dốc tình". 
Càng ngạc nhiên hơn khi ngôi trường đã được xây dựng đẹp và hoành tráng thế lại có những phòng học với bàn ghế sơ sài, nằm giữa những vườn điều thăm thẳm như rừng, những cánh đồng cỏ voi lút đầu người, xung quanh không có dân cư. 
Đi bộ xa lắm mới đến được các trường bạn: ĐH Thể dục thể thao, ĐH Nông lâm được xây dựng còn hoành tráng hơn nữa, và cũng nằm giữa rừng điều, rừng tràm như vậy. 
Sau này, chúng tôi được nghe kể rằng những ngôi trường này đều được vẽ bởi hai kiến trúc sư lừng danh Ngô Viết Thụ - Lê Văn Lắm và những khu vườn điều là đất đã dành sẵn cho những trường đại học khác sắp mọc lên.
20 năm, quay trở lại khu Đại học Quốc gia TP.HCM và tôi đi lạc. Không còn con đường đất đỏ độc đạo gồ ghề xuyên qua những đồng cỏ lau lút đầu người để vào trường nữa mà giờ đây là những con đường thẳng tắp, ngã ba ngã tư vòng xoay thênh thang, xe buýt đưa đón nườm nượp, những ngôi trường mới đẹp, giảng đường rộng lớn, hiện đại, phòng thí nghiệm tràn ngập công cụ nghiên cứu, học tập, thư viện đầy ắp sách, ký túc xá tiện nghi, bên ngoài khu dân cư kinh doanh dịch vụ không thiếu thứ gì... 
Cả một thành phố đã mọc lên nơi đây để những cư dân sinh viên được sống thật sự một cuộc sống đủ đầy, năng động và tri thức.
"Làng đại học trong mơ của chúng ta đó, nay đã thành hiện thực rồi" - một người bạn đồng môn của tôi cảm khái. Và hôm nay khi đọc những tập hồ sơ từ những năm 1960, 1970 còn được lưu giữ về một "viện đại học Thủ Đức", tôi biết đó còn là giấc mơ dang dở của rất nhiều người từ ngày đất nước còn lút sâu trong chiến tranh.
Sắc lệnh thành lập "khu đại học tại vùng Thủ Đức gồm các công trình kiến thiết: Tòa viện trưởng, các trường đại học" và "một làng đại học kiểu mẫu" đã được ký từ 1961. 
Làng đại học cũng được lên sơ đồ với các khu hành chánh, làng giáo sư, cư xá sinh viên, các trường đại học, khu triển lãm quốc tế... liền kề chặt chẽ. 
Một viễn cảnh thật đẹp và tươi sáng có thể tạo một trung tâm Thủ Đức mới dọc xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa với sự liên kết chặt chẽ các trường đại học để giảng dạy và nghiên cứu khoa học, các cơ xưởng sản xuất và khu triển lãm sản phẩm, tổ chức hội chợ quốc tế... 
Nhưng tình hình bất ổn định chính trị và chiến tranh leo thang khiến chỉ có một vài cơ sở được xây dựng xong và đi vào hoạt động: Trường cao đẳng Nông lâm súc 1963, Trường trung học kiểu mẫu Thủ Đức 1965, Trường trung học Kỹ thuật Thủ Đức 1967. Làng giáo sư với những khu đất vuông vắn 1.000m2, ngăn nắp như bàn cờ... Và chỉ có thế.
Đến 1972, việc thiết lập Viện đại học Sài Gòn lại được nối lại với những đề án cụ thể và những khẳng định mạnh mẽ: "Nhằm mục tiêu tối hậu là phát triển quốc gia, Viện đại học Thủ Đức sẽ được thành lập với một mô thức tổ chức mới và một chương trình hoạt động mới để đào tạo những chuyên viên đầy đủ khả năng với những kiến thức vững chắc, nhất là có đủ tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi các kế hoạch phát triển quốc gia. 
Khu Thủ Đức sẽ thiên về các chương trình học có tánh cách bách khoa hay chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo chuyên viên kỹ thuật và giáo chức đại học ngay trong nước".
Chỉ có thêm Trường đại học Khoa học được xây dựng thêm, Trung tâm quốc gia nông nghiệp nâng cấp thành cao đẳng. Một lần nữa, những biến động lịch sử khiến mơ ước viện đại học phải đình trệ. 
Chờ đợi hòa bình, rồi chờ đợi kinh tế của thành phố được khôi phục, đến 1995, những dự án khoa học chính đáng như viện đại học mới được nối lại trên sự hình thành của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Nhà văn hóa Sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM tại Thủ Đức mới đoạt giải thưởng kiến trúc WA Awards 2020, hạng mục Dự án đã thực hiện - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhà văn hóa Sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM tại Thủ Đức mới đoạt giải thưởng kiến trúc WA Awards 2020, hạng mục Dự án đã thực hiện - Ảnh: TỰ TRUNG
Thủ Thiêm dang dở
Và không chỉ có làng đại học, Thủ Thiêm cũng đã đợi cuộc "lột xác" đúng nửa thế kỷ.
Hai lần, hai kế hoạch chỉnh trang bán đảo Thủ Thiêm đã được chính quyền Sài Gòn cho tiến hành nghiên cứu. 
Lần thứ nhất là năm 1970, xét điều kiện không đủ để thực hiện, một cuộc nghiên cứu lần hai lại được tổ chức năm 1972. 
Công ty kiến trúc Wurster, Bernadi and Emmons (W.B.E) đã điều nghiên 5 tháng để đưa ra những khuyến nghị xác đáng: "Căn cứ vào vị trí của bán đảo, cách sử dụng tốt nhất là dùng Thủ Thiêm vào việc mở mang trung tâm đô thành, có thể đóng nhiệm vụ trung tâm văn hóa, giáo dục, thương mại mới. Vài năm tới, nên hạn chế các tàu lớn vào Tân Cảng, nối Thủ Thiêm vào trung tâm bằng những cầu thấp. Khi chỉnh trang, hệ thống kinh hiện hữu, thủy lộ thiên nhiên nên được giữ lại và cải thiện".
Đồ án chỉnh trang cũng đã được lên chi tiết với những khu thương mại, dịch vụ, tiện ích công cộng dọc bờ sông, chung cư và gia cư vòng theo đạo lộ vòng cung, công viên nằm rải rác bên cơ sở công quyền. 
Sắc lệnh trưng thu và bồi thường đất đai cũng đã được ban hành. Nhóm W.E.B còn dự đoán chuẩn xác: "Ước lượng rằng trong 30 năm tới, dân số đô thành Sài Gòn sẽ tăng từ 3 triệu hiện nay lên 9-11 triệu, như vậy, bằng cách này cách khác, đô thành phải mở rộng ra 9-10 lần diện tích. Khu Thủ Thiêm này rất có thể sẽ mở ra một kỷ nguyên mới và sẽ là nguồn hãnh diện lớn cho cư dân đô thành.
Nhưng rồi tất cả đều đã phải dừng lại trên giấy tờ, bản vẽ. Thủ Thiêm tiếp tục lặng lẽ trong những rặng dừa nước ken dày, người dân vẫn tiếp tục cuộc sống thôn dã sông nước thêm mấy mươi năm nữa.
Được kiến tạo và phát triển là những điều mà chỉ có hòa bình, ổn định và thịnh vượng mới thực hiện, gìn giữ được. Đứng giữa những ngả đường đại học ở Thủ Đức hôm nay, bên kia quốc lộ là Khu công nghệ cao, metro đang chờ vận hành, những khu dân cư cao cấp nối nhau vươn cao ở khắp quận 2, quận 9... một lần nữa tôi lại cảm nhận được thật rõ điều đó.
_____________________________
Mỗi ngày đi trên những con đường Thủ Đức, quận 2, quận 9, mọi người đều nhìn thấy rõ những đổi thay mới mẻ.
Kỳ tới: Nối lại giấc mơ Thủ Đức
PHẠM VŨ (TTO)

Có thể bạn quan tâm