Phóng sự - Ký sự

Thủ Đức - Khát vọng Phố Đông - Kỳ cuối: Nối lại giấc mơ Thủ Đức

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thành phố Thủ Đức nằm trên trục xương sống các đầu mối giao thông, có quốc lộ, đại lộ nối đến thành phố công nghiệp Biên Hòa, có cảng Cát Lái, bến xe Miền Đông, có đường sắt chạy xuyên, lại sắp có thêm metro.

Một góc Khu công nghệ cao TP.HCM tại quận 9 - Ảnh: TỰ TRUNG
Một góc Khu công nghệ cao TP.HCM tại quận 9 - Ảnh: TỰ TRUNG
Mỗi ngày đi trên những con đường bên bờ Đông sông Sài Gòn, ông Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) quan sát những đổi thay, phát triển mới mẻ. Trong suốt quá trình công tác ở nhiều cương vị khác nhau, ông đã gắn liền với sự ra đời và phát triển Khu công nghệ cao TP.HCM tại quận 9.
Chứng nhận kiểm định của SHTP
"Ngay sau đổi mới..." - ông Năm Nghị bắt đầu câu chuyện của mình. Sau nghị quyết đổi mới 1986, thành phố như được hồi sinh, các ngành sản xuất, mua bán, giao thương khôi phục. 
Một thời gian sau, các lãnh đạo bắt đầu nghĩ đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tất nhiên không có gì dễ dàng. Một đoàn cán bộ được cử sang Cao Hùng (Đài Loan) dưới danh nghĩa hiệp hội doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm. Và đến năm 1991, Khu chế xuất Tân Thuận được thành lập.
"Khu chế xuất đi vào hoạt động, phát triển khả thi rồi, chúng tôi lại phải suy nghĩ đến những hướng đi sắp tới, phải nghĩ xa hơn nữa, thành phố sẽ phải phát triển hơn nữa. Ông Đậu Ngọc Xuân, vụ trưởng Vụ Hợp tác nước ngoài, từ Hà Nội vào nghe báo cáo về Tân Thuận, cũng đồng ý với tôi như vậy. 
Khu chế xuất đã kéo được vốn, có sản phẩm, xuất nhập khẩu tốt nhưng không thể thỏa mãn bằng gia công sản phẩm. Phải thu hút được công nghệ tiên tiến hơn, kỹ thuật cao hơn, phải học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo bằng công nghệ, nâng cao năng lực nội sinh của chính mình".
Vậy là năm 1992, một tổ nghiên cứu để triển khai đề án xây dựng khu công nghiệp kỹ thuật cao được thành lập do ông Phạm Chánh Trực - phó chủ tịch UBND TP.HCM - phụ trách, thành viên có các giáo sư, tiến sĩ nhiều ngành như Chu Phạm Ngọc Sơn, Hoàng Anh Tuấn, Trần Thiện Chí, Trần Thành Trai... 
Họ cùng nhau đi tham quan và nghiên cứu các khu công nghệ cao ở Pháp, Mỹ, Đức, Nhật... và về lập đề án, làm báo cáo tiền khả thi. 
Khu công nghệ cao lúc ấy được đề nghị quy hoạch 1.200ha, rất lớn, vì vậy, vùng Bưng sáu xã Thủ Đức đã được lựa chọn vì là khu vực duy nhất trong thành phố có thể đáp ứng được mặt bằng, phần lớn đang là ruộng hoặc đất cằn hoang hóa, lại có thêm khả năng đáp ứng nhân lực nhờ kề bên khu đại học.
Đến 1995, thành phố và Thủ tướng đều đã phê duyệt tổng thể quy hoạch. Thế nhưng các nhà khoa học không giỏi làm quản lý. Dự án gặp nhiều vướng mắc không giải quyết được, không triển khai được, giậm chân tại chỗ trong suốt 5 năm ông Năm Nghị ra Hà Nội nhận công tác mới.
"Mãi đến 2002 tôi quay lại thành phố công tác, và lập tức bắt tay tái khởi động dự án Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), thành lập ngay Ban quản lý dự án mà tôi làm trưởng ban", ông kể. 
Suốt cả năm trời, ông Năm Nghị đã đến từng khu vực, từng nhà dân để vận động, lắng nghe, giải thích. Ông cũng phải giải thích và vận động cả với các cán bộ quận 9 đang được giao nhiệm vụ chuẩn bị mặt bằng cho SHTP nữa. 
"Chủ trương đúng, người dân đã hiểu sự nghiệp phát triển chung, lợi ích chung thì sẽ không phản đối đâu. Nhưng về phía Nhà nước nhất định phải giải quyết cho có tình, có lý, làm sao để được việc Nhà nước mà thuận lòng dân... 
Chúng tôi đã giữ lại những di tích gắn bó với người dân như chùa Man Thiện, đình Phong Phú, đền Bến Nọc và tu bổ thành cảnh quan cho Khu công nghệ cao. Chỉ một năm, đã giải quyết được trên 70% để có thể bắt đầu, xây dựng hạ tầng và xúc tiến đầu tư được tiến hành song song".
2003, SHTP có nhà đầu tư lớn đầu tiên là Nidec (Nhật), đến 2005 là Tập đoàn Intel (Mỹ). Một cú shock cho làng công nghệ thế giới. SHTP đã được chứng nhận kiểm định: tập đoàn hàng đầu như Intel vào được thì SHTP có thể đón bất kỳ nhà đầu tư nào, dù lớn tới cỡ nào. Cho đến hôm nay, SHTP đã không chỉ mời gọi nhà đầu tư mà còn có khả năng lựa chọn nhà đầu tư để tiếp tục vươn lên.
"Vậy nên SHTP là của cả nước chứ không phải của riêng Thủ Đức hay TP.HCM. Thế nhưng hướng phát triển tiếp theo là thành phố phải tiếp tục có thêm nhiều khu công nghệ cao, các tỉnh khác cũng vậy. Ở đâu cũng có con người, có tri thức, chỉ cần biết tổ chức, chúng ta sẽ làm được. 
Chúng ta đang quá chậm với thế giới, nhưng tôi cho là do yếu kém quản lý chứ không phải vì trình độ quá thấp hay mình quá nghèo. Các khu công nghệ cao sắp tới nên tổ chức chuyên biệt, như chuyên về tự động hóa, phần mềm, sinh học, trí tuệ nhân tạo, in 3D... Sản xuất công nghệ phải thay thế công nghiệp truyền thống thì chúng ta mới bắt kịp được thế giới".

Những kỳ vọng đau đáu này không phải của riêng ông Năm Nghị.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 ở quận 9 - Ảnh: TỰ TRUNG
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 ở quận 9 - Ảnh: TỰ TRUNG
Những cánh tay nối dài của Thủ Đức
Sau vài phút xúc động khi được xem lại những bản thiết kế Làng đại học, chỉnh trang hai bên xa lộ Biên Hòa của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ 60 năm về trước, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn sôi nổi với những ý kiến của ông: "Bản thiết kế xưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các khu viện đại học, làng giáo sư, và ở giữa là Khu triển lãm quốc tế. Nhìn vào là thấy rõ những kỳ vọng về tiềm năng nghiên cứu, sản xuất, mong muốn giới thiệu những sản phẩm từ khoa học. 
Tôi nghĩ Thủ Đức ngày nay có thể kế thừa điều này và chúng ta đang có lợi thế lớn hơn nhiều: Khu Đại học Quốc gia, Khu công nghệ cao đều đã và đang phát triển mạnh, điều kiện rất thuận lợi để tổ chức tốt mối liên kết giữa giáo dục - nghiên cứu - ứng dụng, tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế, triển lãm quốc tế để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghệ, sản phẩm mang nhãn Made in/ Make in VietNam giá trị cao.
Lợi thế tiếp theo của thành phố Thủ Đức là nằm trên trục xương sống của các đầu mối giao thông. Chúng ta đã có quốc lộ, đại lộ nối thẳng đến thành phố công nghiệp Biên Hòa, có cảng Cát Lái, bến xe Miền Đông, có đường sắt chạy xuyên, lại sắp có thêm metro, trong tương lai còn có đường vành đai đến thẳng sân bay Long Thành... 
Những thuận lợi này mở ra tiềm năng liên kết vùng rộng mở cho Thủ Đức, không chỉ về hướng TP.HCM. Vạch ra một chiến lược dài hơi, dùng tư duy kinh tế thị trường để thu hút nguồn vốn ngoại lực, xã hội hóa để khởi động tiếp tục các dự án đang dang dở và ngoài đô thị đại học, công nghệ ra, chúng ta sẽ có thêm đô thị thể dục thể thao Rạch Chiếc, trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm, khu dịch vụ cao cấp bên cạnh các khu hiện hữu... 
Thành phố Thủ Đức khi ấy thật là hấp dẫn phải không?
Tất nhiên kèm theo đó phải là những bài toán về phát triển dân số: phục vụ cơ sở hạ tầng, giáo dục, tạo việc làm, cơ hội khởi nghiệp, giảm bớt cách biệt giữa khu mới và khu cũ, mang giá trị của Thủ Đức mới đến cho những người dân cố cựu...".
Ông Ngô Viết Nam Sơn ngừng lời. Đã 60 năm từ những bản thiết kế cho một Thủ Đức hiện đại mà cha ông từng góp công thực hiện, đến nay Thủ Đức đã có đầy đủ điều kiện để cất cánh.
"Tôi vẫn dõi theo từng ngày"
"Rạch Chiếc, Thủ Thiêm, món nợ của tôi vẫn nằm ngay trước mắt mỗi ngày đó" - ông Võ Viết Thanh, nguyên chủ tịch UBND TP.HCM, nhắc lại. Tháng 1-1995, ông (lúc đó là phó chủ tịch) đã ký duyệt Quy hoạch chung của huyện Thủ Đức "là khu vực đô thị hóa chủ yếu theo quy hoạch tổng thể của thành phố, là địa bàn phát triển dân cư, công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cao, trung tâm văn hóa, thể dục thể thao và dịch vụ du lịch, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đầu mối quan trọng về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, và điện, nước". Lại cũng chính ông ký tờ trình và trình bày trước Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996.
Ông Võ Viết Thanh tâm sự: "Tôi cho rằng trong quá trình đô thị hóa, Nhà nước đưa ra quy hoạch chung, rồi đầu tư, giải quyết trước nhất những nhu cầu thiết yếu: giao thông trường học, bệnh viện, điện nước phục vụ việc phát triển dân cư.
Các tiện ích còn lại sẽ tự động được kéo theo trong quá trình xã hội hóa. Trẻ em là mục tiêu số 1, chăm sóc sức khỏe tốt, tạo điều kiện học hành tốt, rồi lớp trẻ ấy sẽ làm ra được tất cả những gì mà địa phương cần, đất nước cần. Lợi nhuận của chúng ta là tiền đồ của ngày mai chứ không tính được bằng tiền hôm nay.
Là một "người Thảo Điền gốc Bến Tre", tôi tất nhiên rất vui khi được chứng kiến thành phố Thủ Đức hình thành và phát triển. Tôi vẫn theo dõi từng ngày, 45 năm nay. Gần nhất là tôi đang khấp khởi chờ được đi tuyến metro...".
PHẠM VŨ (TTO)

Có thể bạn quan tâm