(GLO)- Sau nhiều lần tổ chức họp bàn, 134 hộ dân đang sử dụng hơn 51 ha đất quốc phòng tại đồi Đức Mẹ (phường Yên Thế, TP. Pleiku) mong muốn Binh đoàn 15 và chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ, giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của bà con trước khi ra quyết định thu hồi đất.
Hệ quả của việc buông lỏng quản lý đất đai
Đồi Đức Mẹ nằm gần ngã tư Biển Hồ, thuộc địa phận tổ 3 và tổ 10, phường Yên Thế. Toàn bộ khu vực đồi Đức Mẹ là đất quốc phòng do Binh đoàn 15 quản lý (trừ 0,6 ha đất nằm trên đỉnh đồi do Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên sử dụng từ năm 2018 đến nay). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc buông lỏng công tác quản lý trong một thời gian dài, Binh đoàn đã để người dân trong vùng khai phá, sang nhượng đất, trồng các loại cây lưu niên như: cà phê, sầu riêng, bời lời, bơ, mít, ổi... tại đây. Ngoài ra, người dân còn làm nhà ở, chuồng trại chăn nuôi xung quanh và trên sườn đồi.
Nhà, đất của chị Trần Thị Bé (tổ 3, phường Yên Thế, TP. Pleiku). Ảnh: H.C |
Sau khi tình trạng này xảy ra, Binh đoàn 15 và phường Yên Thế đã nhiều lần phối hợp tổ chức tuyên truyền, họp dân, thuyết phục, kiểm đếm, lập biên bản thống kê các loại tài sản trên diện tích đất ở đồi Đức Mẹ; đồng thời yêu cầu bà con giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng nhà trái phép, không làm biến dạng các loại tài sản, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất đã được các cơ quan xác định, không sang nhượng và cho tặng nhà đất, vườn tược... Thượng tá Đỗ Xuân Tùng-Phó Trưởng phòng Tham mưu Binh đoàn 15-cho biết: “Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, vận động, kiểm soát, bảo vệ hiện trạng, gửi văn bản đến các cấp có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo việc giải quyết thấu tình đạt lý cho người dân, Binh đoàn còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương chuẩn bị các điều kiện xác lập cụ thể ranh giới, cắm mốc bê tông phân định rạch ròi đất quốc phòng tại khu vực đồi Đức Mẹ, tránh những vấn đề không tốt có thể xảy ra”.
Sẽ giải quyết đúng quy định pháp luật
Trao đổi với những người dân đang sử dụng đất tại khu vực đồi Đức Mẹ, chúng tôi được biết, đa số bà con chỉ mới biết là mình đang canh tác cây trồng, chăn nuôi, làm nhà và sinh sống trên đất do Binh đoàn 15 quản lý. Nay vì lợi ích chung của quốc gia, bà con chấp nhận trả lại đất nhưng mong muốn các cấp có thẩm quyền thực hiện đúng trình tự thu hồi đất, hỗ trợ kinh phí, nhất là đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn khi di dời nhà cửa.
Ông Lê Gia Đô (tổ 10, phường Yên Thế) cho hay, ông khai phá đất ở đồi Đức Mẹ để trồng trọt từ năm 1991. Đến năm 1993, ông được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 2.100 m2 đất tại đây. 2 năm trước, ông mới biết diện tích đất này là đất quốc phòng. Cũng như nhiều người, ông nhất trí trả lại đất cho Nhà nước nhưng mong muốn trước khi thu hồi phải được hỗ trợ, giải quyết đúng quy định của pháp luật.
Còn chị Trần Thị Bé (tổ 3, phường Yên Thế) thì cho biết, năm 2004, chị nhận sang nhượng nhà cửa và đất vườn rộng gần 800 m2 của ông Lê Kim Sơn, có giấy tờ đàng hoàng. Từ đó đến nay, gia đình chị sinh sống, sản xuất trên diện tích đất này. Đến năm 2017, chồng chị qua đời, mình chị phải nuôi 2 con nhỏ ăn học. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo nên đã nhiều lần kiến nghị lên cấp thẩm quyền hoán đổi lô đất để có nơi ở trước khi thu hồi đất.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đại Trí-Chủ tịch UBND phường Yên Thế-thông tin: Ủy ban nhân dân phường đang phối hợp với Binh đoàn 15 đến thực địa xem xét cụ thể từng tài sản, giấy tờ của mỗi hộ dân để từ đó tuyên truyền, vận động, xác định phương án giải quyết đúng người, đúng việc và đúng các quy định của pháp luật. Trước mắt, phường vận động cán bộ, đảng viên làm gương trả lại đất quốc phòng, sau đó thuyết phục người dân chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
HOÀNG CƯ