Kinh tế

Nông nghiệp

Thu nhập "khủng" nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều hộ nông dân ở huyện Chư Sê đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và đem lại thu nhập cao.
Anh Võ Văn Luân (thôn 4, xã Ia Hlốp) là người tiên phong đưa cây hoa cúc Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) về trồng thử nghiệm ở huyện Chư Sê từ năm 2019. Thấy cây hoa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và đem lại thu nhập tương đối cao nên anh đầu tư mở rộng sản xuất. Năm 2020, anh đầu tư gần 500 triệu đồng làm nhà màng, kết hợp hệ thống béc phun, áp dụng biện pháp kỹ thuật nhằm chủ động ép hoa nở theo ý muốn, giúp tăng thêm thời vụ cũng như kiểm soát tốt sâu bệnh. Anh Luân cho biết: “Trồng hoa cúc hiệu quả kinh tế cao gấp mấy lần so với cây hồ tiêu, cà phê, lại xoay vòng vốn nhanh. Hiện ngoài 2 sào nhà màng, tôi còn trồng thêm ở ngoài trời khoảng 9 sào hoa để đáp ứng nhu cầu rất cao của khách hàng các địa phương lân cận. Tuy nhiên, trồng hoa ngoài trời thì khó chăm sóc, hiệu quả không cao bằng trong nhà màng. Vì vậy, tôi dự định đầu tư làm nhà màng trên toàn bộ 1,1 ha đất của gia đình để vừa sản xuất hoa, vừa ươm giống. Ươm hoa giống đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhưng lợi nhuận mỗi sào có thể đạt 400-500 triệu đồng/năm”.
Cũng theo anh Luân, thị trường tiêu thụ hoa hiện nay rất lớn, lượng hoa sản xuất trên địa bàn không đáp ứng đủ nhu cầu mà phải nhập thêm từ Đà Lạt. Do đó, anh sẵn sàng liên kết, hỗ trợ kỹ thuật, giống và bao tiêu sản phẩm cho người dân trên địa bàn huyện. Theo tính toán của anh Luân, trồng hoa trong nhà màng mỗi năm có thể mang lại lợi nhuận 300-400 triệu đồng/sào.
Anh Võ Văn Luân (thôn 4, xã Ia Hlốp) trồng hoa trong nhà màng cho thu nhập 300-400 triệu đồng/sào/năm. Ảnh: Quang Tấn
Thời hoàng kim của cây hồ tiêu, có năm, gia đình anh Nguyễn Phước Thiện (thôn 6, xã Ia Blang) thu 17-18 tấn tiêu hạt. Tuy nhiên, cũng chính vì lạm dụng phân bón hóa học để tận thu nên cây hồ tiêu bị suy kiệt nhanh chóng và chết gần hết. Do đó, từ năm 2017, khi chuyển sang trồng cây sầu riêng, anh Thiện đã chọn sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững. Nhờ đó, 5 ha sầu riêng của gia đình anh sinh trưởng và phát triển rất tốt, cho thu nhập cao. “Trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng, vừa cho năng suất ổn định, chất lượng tốt. Nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận, tôi tận dụng vỏ cà phê kết hợp các chế phẩm sinh học và phân chuồng để ủ thành phân bón cho cây sầu riêng. Vụ sầu riêng này, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi lãi gần 2 tỷ đồng”-anh Thiện phấn khởi nói.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: Mục tiêu của huyện về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025 là có 20% diện tích cây trồng các loại ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cho ngành nông nghiệp địa phương. Triển khai thực hiện mục tiêu trên, các cấp, ngành của huyện đang cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Trong đó, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa giống mới chất lượng cao vào sản xuất; mở rộng áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ở các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Đồng thời, huyện tập trung phát triển diện tích cây ăn quả, cây dược liệu, trồng dâu nuôi tằm; sử dụng các giống mới cho năng suất cao; áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, trồng trong nhà lưới, nhà màng... nhằm mang lại thu nhập cao cho người dân. Đến nay, toàn huyện có khoảng 1.200 ha cây trồng được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (chiếm 3,5% tổng diện tích gieo trồng).
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê thông tin thêm: “Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất các loại cây trồng có tiềm năng, thế mạnh và có liên kết ổn định; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để thay đổi tư duy của người dân trên địa bàn. Đồng thời, huyện tập trung kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đầu tư xây dựng nhà xưởng, nhà máy, nhà kho, các thiết bị chế biến để hoàn thiện các khâu sản xuất. Qua đó, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân, góp phần tạo đầu ra ổn định và nâng tầm giá trị các sản phẩm nông nghiệp của địa phương”.
QUANG TẤN
 

Có thể bạn quan tâm