(GLO)- Sáng 8-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo. Tại điểm cầu Gia Lai, đồng chí KPă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ban ngành, địa phương và 4 huyện hưởng chính sách như 30a tham dự.
Ảnh: Đinh Yến |
Báo cáo tại hội nghị nêu hiện nay cả nước có 94 huyện nghèo hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 30a. Trong 6 năm qua (2009-2014), từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và hỗ trợ của các doanh nghiệp đã huy động được 20.189 tỷ đồng phục vụ xây dựng hạ tầng cơ sở và thực hiện các chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, nhà ở. Theo đó đã xây dựng được 5.700 công trình hạ tầng tại các huyện nghèo, gồm 3.000 công trình cấp huyện và 2.700 công trình cấp xã và dưới xã. 54 huyện có trung tâm dạy nghề và 10.000 lao động được đào tạo nghề tại chỗ. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, tỷ lệ giảm nghèo của các huyện đạt mức từ 6%/năm, cao hơn mục tiêu 4% mà Nghị quyết 30a đã đề ra. Bên cạnh những ưu điểm đạt được, công tác giảm nghèo còn có hạn chế là tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo vẫn cao hơn so với bình quân cả nước 5,5 lần và tại một số huyện tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức trên 50%, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có huyện nghèo còn đến hơn 80%.
Gia Lai có 4 huyện được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a là Ia Pa, Krông Pa, Kông Chro và Kbang. 6 năm qua, 4 huyện đã được đầu tư 72 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng được 27 công trình về trường học, trạm y tế, giao thông liên thôn, công trình thủy lợi để giúp bà con có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu rà soát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, trong đó nhấn mạnh đến 4 nhóm chính sách, gồm chính sách giao khoán bảo vệ rừng, sắp xếp lại hoạt động của các nông lâm trường để người dân có đất sản xuất; chính sách phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì việc hỗ trợ về giống, vật nuôi và nguồn thức ăn; cho vay ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất nhằm hạn chế tình trạng cho không, làm nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm cho vùng khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, các địa phương cũng phải thường xuyên quan tâm đến công tác giảm nghèo, đầu tư sử dụng lồng ghép các chương trình giảm nghèo sao cho đạt hiệu quả; thực hiện tốt công tác thanh-kiểm tra. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu những mô hình tốt, kinh nghiệm hay về giảm nghèo để bà con tự ý thức vươn lên thoát nghèo, đồng thời cũng phê phán những nơi nào làm chưa tốt để thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo.
Đinh Yến