Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Thủ tướng: Phải bỏ ngay quan điểm 'quyền anh, quyền tôi'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hôm nay (22/1), chủ trì làm việc giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị TP. Hà Nội, Thủ tướng nêu rõ, ai làm hiệu quả hơn, bảo đảm công việc chạy nhanh hơn, tốt hơn mà vẫn làm tốt nhiệm vụ quản lý thì giao cho người đó làm. “Cái gì Hà Nội làm tốt hơn thì nên phân cấp cho Hà Nội làm”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu



Theo đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, những năm qua, Thủ đô ngàn năm văn hiến đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Bộ mặt đô thị có sự thay đổi nhanh chóng, được nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế đánh giá cao, đặc biệt khu vực nội thị. Các huyện, xã của Hà Nội đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Hà Nội ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình với cả nước, là niềm tự hào, một động lực tăng trưởng quan trọng của cả nước.

Bên cạnh những thành công, theo Thủ tướng, công tác quản lý quy hoạch của Hà Nội còn nhiều bất cập, kể cả lập quy hoạch và phát triển đô thị, nhất là hạ tầng chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Vấn đề ô nhiễm, ùn tắc giao thông, cháy nổ, quản lý dân cư, trật tự xã hội còn nhiều bức xúc. Mô hình quản lý hiện hành, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động, cơ chế điều hành còn nhiều bất hợp lý, thiếu linh hoạt, thiếu tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của một Thủ đô có quy mô lớn. Việc phân cấp giữa Trung ương và Thành phố còn bất cập. Một số lĩnh vực chưa phân định rõ ràng, chưa tạo được sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn, chưa tạo được sự chủ động cho Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân, yêu cầu phát triển và hội nhập của một Thủ đô hiện đại, văn minh.

Theo Thủ tướng, các hạn chế đó càng bộc lộ rõ hơn khi xu hướng đô thị hóa, hay việc xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Đồng thời với việc đó, các thách thức trong hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về cơ sở hạ tầng, giao thông, môi trường, an ninh trật tự đòi hỏi mô hình tổ chức chính quyền và cơ chế chính sách quản lý phù hợp với đặc thù đô thị của Hà Nội.

Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, việc Hà Nội chủ động đề xuất thực hiện thí điểm tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị thực sự cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, giúp Thành phố phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu của nhân dân Thủ đô và cả nước, xứng đáng với tên gọi xưa Thăng Long - Rồng bay và danh hiệu Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

Qua các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhìn nhận, Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị TP. Hà Nội được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, bài bản và khoa học, nhất là “số lượng tài liệu chuẩn bị rất lớn”. Hà Nội đã kế thừa một số mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách đặc thù và đã tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý, tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực và trên thế giới… Đề án có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo, đề xuất nhiều nội dung thí điểm.


 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu



Về nguyên tắc, Thủ tướng nêu rõ, Đề án cần bám sát các đường lối chủ trương của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 22 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18 của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Ngoài ra, phải đảm bảo nguyên tắc Hiến định, không được thí điểm những nội dung trái với quy định của Hiến pháp.

Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với các cấp chính quyền, phát huy quyền dân chủ của nhân dân, kể cả qua hình thức trực tiếp và đại diện. Tổ chức thí điểm theo hướng tinh gọn có tính tập trung, thống nhất hoạt động thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả cao, có bước đi, lộ trình phù hợp, chắc chắn, bảo đảm hoạt động bình thường, ổn định của bộ máy, không tạo cú sốc, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và phục vụ tốt hơn cho người dân. “Yêu cầu phục vụ tốt hơn cho người dân là yêu cầu rất quan trọng chúng ta nêu ra trong nguyên tắc này. Chúng ta nói do dân, vì dân, thì đề án này cũng là phục vụ nhân dân thuận lợi nhất, tốt nhất”, Thủ tướng bày tỏ.

Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, do đó nội dung cần tập trung áp dụng đối với phạm vi 12 quận; đối với các huyện thì vẫn thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.

Ai làm hiệu quả hơn thì giao người đó làm

Về cơ chế phân cấp, ủy quyền, theo Thủ tướng, Hà Nội có diện tích, quy mô, mật độ dân số lớn. Thủ đô sau khi được mở rộng năm 2008 có diện tích tự nhiên lên đến 334.000 ha, lớn gấp 3 lần trước đây, đứng vào tốp 17 thủ đô trên thế giới có diện tích rộng nhất. Hà Nội có số dân đông thứ tư trong khu vực Đông Nam Á.

Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, nhất là đối với Thủ đô Hà Nội để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý, tạo sự linh hoạt, kịp thời giải quyết các công việc thường xuyên, “cái gì Hà Nội làm tốt hơn thì nên phân cấp cho Hà Nội làm”.

Đối với các nội dung cụ thể, Thủ tướng giao từng bộ khẩn trương cùng Hà Nội xem xét từng việc trên nguyên tắc việc gì ai làm tốt hơn thì giao cho người đó làm, phải bỏ ngay quan điểm “quyền anh, quyền tôi”, phải coi đây là việc chung, vì sự nghiệp chung của Hà Nội, ai làm hiệu quả hơn, bảo đảm công việc chạy nhanh hơn, tốt hơn mà vẫn làm tốt nhiệm vụ quản lý thì giao cho người đó làm.

Theo tinh thần ấy, phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho Hà Nội. Đồng thời, các bộ cần tăng cường hậu kiểm, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của bộ. Hà Nội cần đề cao trách nhiệm cá nhân và có cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm minh.

Thủ tướng đề nghị Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các thành viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ và các đại biểu dự họp, tiếp tục hoàn thiện Đề án, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, vừa góp phần xây dựng Thủ đô vừa thể hiện trách nhiệm với cả nước, cùng cả nước tiến lên theo đúng mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. “Tinh thần là có cơ chế mới của một chính quyền đô thị, có cơ chế tốt, tạo điều kiện phát triển Thủ đô”, Thủ tướng nói. Lãnh đạo Hà Nội cần có quyết tâm chính trị cao, không ngại khó khăn, không ngại va chạm, quyết tâm với những cơ chế chính sách thật tốt để Thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

 

Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu



Tại cuộc làm việc, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã trình bày Tờ trình Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội. Nội dung tập trung vào sự cần thiết, căn cứ và cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng Đề án; thực trạng tổ chức chính quyền Thành phố; định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình mới với mục tiêu nâng cao tính tự chủ cho chính quyền Thành phố trong các quyết định quản lý và phát triển đô thị bằng việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Đồng thời, thiết kế, xây dựng thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị trong khu vực các quận tinh gọn và quản lý phù hợp, bảo đảm việc quản lý Nhà nước tập trung, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả cao, giảm bớt các tầng nấc trung gian.

Tại cuộc làm việc, các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và đại biểu Thành phố đã có những ý kiến đánh giá, trao đổi, góp ý toàn diện về các nội dung, kết cấu cũng như việc tổ chức thực hiện Đề án khi được thông qua. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng có các đề xuất Chính phủ về một số vấn đề trong thủ tục phân cấp, ủy quyền, lộ trình xây dựng, triển khai Đề án.

Đức Tuân (chinhphu.vn)
 

Có thể bạn quan tâm