Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để huy động sức mạnh nội lực và ngoại lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 4-1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo tại hội nghị. 

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Quế cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh. 

Theo báo cáo, trong năm 2022, tăng trưởng GDP cả nước ước đạt khoảng 8,02% (mục tiêu là 6-6,5%). Cùng với đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai. Công tác an sinh xã hội triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Phương Linh

Trong năm qua, Bộ KH-ĐT đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước. Bộ đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp cũng như những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu các tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu kép trong phát triển kinh tế-xã hội. Bộ đã đưa ra các giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp; qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, gắn với tiến trình phục hồi xanh toàn cầu. 

Đặc biệt, Bộ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới và các yêu cầu phát triển bền vững hậu Covid-19; phát huy vai trò tích cực trong công tác truyền thông, giải trình về định hướng điều hành chính sách và kết quả phát triển kinh tế-xã hội.

Tại hội nghị, một số địa phương đã có tham luận, chia sẻ cách làm hay trong triển khai các mặt công tác; các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc cũng như tồn tại, hạn chế và thống nhất đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và ghi nhận những kết quả mà Bộ KH-ĐT đã đạt được trong năm qua. Thủ tướng nhấn mạnh: Bộ đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tương đối tốt, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Bộ đã nắm chắc tình hình và tham mưu chiến lược. Dấu ấn là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đã chọn 4 việc rất trúng và đúng là: an sinh xã hội, y tế, hạ tầng và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT đã cùng với các cơ quan, địa phương thực hiện cắt giảm gần 5.000 dự án, tập trung vào đầu tư đột phá, chiến lược, hạn chế dàn trải trong đầu tư công. Định hướng về đầu tư công đi đúng trọng tâm, trọng điểm. Kiến tạo, đổi mới phát triển, chuyển đổi số có bước phát triển đáng kể. Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng. Góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới, Bộ KH-ĐT cần tập trung vào 12 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phải tập hợp, đánh giá tình hình, tham mưu chính sách trên cơ sở nắm thật chắc tình hình trong nước và quốc tế; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo hướng góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, bám sát các xu thế lớn như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để huy động sức mạnh nội lực và ngoại lực, tăng cường hợp tác công-tư nhằm phát triển kinh tế-xã hội. 

PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm