Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Thủ tướng: "Yếu kém và hạn chế hiện nay là do tư duy, tầm nhìn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng nay (28/12) ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra quan điểm phát triển với 12 chữ, đồng thời nhấn mạnh các cấp, ngành và người lãnh đạo không được đổ lỗi cho cơ chế, chính sách mà là do hạn chế tư duy, tầm nhìn của con người.

Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Đây là lần thứ 2, Hội nghị được Tổng Bí thư tham dự và chỉ đạo sau năm 2017.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Có những hoàn cảnh, thời điểm đất nước đứng trước khó khăn lớn không nằm trong kịch bản, dự đoán.


 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo Hội nghị.



Năm 2016 trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất, thì năm nay lần đầu tiên trong lịch sử nông nghiệp xuất khẩu hơn 40 tỷ USD. Năm nay 2018, tăng trưởng kinh tế tăng cao nhất 10 năm qua, đạt 7,08%.

Chất lượng tăng trưởng rõ nét, thể hiện qua tăng năng suất lao động. Công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 12%.

"Đang có sự chuyển dịch và chuỗi thăng tiến cao hơn về giá trị. Chưa bao giờ chứng kiến quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân, đó là chưa kể số lượng hơn 131.000 DN lập mới năm nay", Thủ tướng nói.

"Mỗi thành quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng, con đường chọn là đúng, tư duy không lỗi nhịp", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nói: Chúng ta không chỉ phát huy những tài nguyên sẵn có mà còn phải tạo ra cảm hứng, tư duy đóng góp của hơn 100 triệu người Việt cả trong và ngoài nước vào phát triển đất nước.


 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng các Phó Thủ tướng tham gia Hội nghị với 63 địa phương.



Bên cạnh đó, cần tìm giải pháp mạnh mẽ khơi thông mọi nguồn lực phát triển, khắc phục chậm trễ, trì trệ trong cải cách kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận thẳng thắn: Môi trường kinh doanh, nhất là những chỉ số đánh giá kinh tế của Việt Nam hiện bị thế giới đánh giá khá thấp như giải quyết thủ tục phá sản đang đứng thứ 133/190 quốc gia, nộp thuế 121/190 quốc gia, thương mại biên giới 100/190 quốc gia, bảo vệ nhà đầu tư 89/100 quốc gia...

"Những rào cản kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình khó chuyển lên doanh nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc trong các dự án đầu tư công cả ở trung ương và địa phương... Chúng ta không thể đổ lỗi cho cơ chế chính sách, bởi chính sách do con người làm ra, do hạn chế tư duy, tầm nhìn do cách chúng ta thực hiện và quản lý", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định năm 2019 sẽ thực hiện phương châm phát triển với 12 chữ: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Quan điểm của Chính phủ là không đánh đổi hoặc lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và số lượng tăng trưởng mà phải đạt được cả hai, phát triển nhanh, bền vững. Kiên trì nguyên tắc 3 trụ cột; kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo Thủ tướng, mô hình tăng trưởng Việt Nam cần dựa hơn vào năng suất lao động, kinh tế số. "Không chỉ tăng cường xây dựng hạ tầng cứng mà xây dựng hạ tầng mềm, thế kỉ XXI dự trên trí tuệ và sáng tạo dựa trên Cách mạng Công nghiệp 4.0", Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định: "Chúng ta không chỉ phát huy những tài nguyên sẵn có mà còn phải tạo ra cảm hứng, tư duy đóng góp của hơn 100 triệu người Việt cả trong và ngoài nước vào phát triển đất nước".

Thủ tướng khẳng định, mặc dù những con số kinh tế năm 2018 rất đáng khích lệ nhưng không có con số nào đo lường đầy đủ trong mục tiêu đưa Việt Nam tiến nhanh lên con đường độc lập, tự cường và thịnh vượng..

"Chính phủ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những năm 2017, 2018 và hai năm tới đây bởi hành trình đi đến con đường trở thành dân tộc thịnh vượng của đất nước ta còn rất dài với rất nhiều thách thức phía trước", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Nội hàm, giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta là không để người dân nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị đến nông thông, từ miền ngược, đến miền xuôi, biên giới, hải đảo...".

Nguyễn Tuyền (Dantri)

Có thể bạn quan tâm