Phóng sự - Ký sự

Thư viện miễn phí của "gã khùng" miền sơn cước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Giữa lúc công nghệ kỹ thuật số đã vươn đến tận, miền núi và hải đảo, cuốn hút người đọc vào máy tính, smartphone mọi lúc, mọi nơi, nhưng một nông dân trẻ tuổi, đồng thời là sinh viên nghèo vẫn dành công sức mở thư viện ở miền sơn cước để phục vụ miễn phí cho bạn đọc trên địa bàn cửa ngõ phía Đông huyện Sơn Hoà (Phú Yên).
Từ nông dân vượt khó
Ở thôn Nguyên Hà, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hoà (Phú Yên) có một thư viện mang tên Nắng Mai. Chủ nhân thư viện này là Nguyễn Bá Nha cũng là một người đặc biệt vì đã 32 tuổi nhưng vừa kết thúc năm thứ 3 ngành Việt Nam học Trường Đại học Thái Bình Dương ở TP Nha Trang (Khánh Hoà).
Trong câu chuyện với tôi, Nha tâm sự: "Ba má tôi đều là nông dân thứ thiệt ở vùng quê Định Thiện Tây, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (Bình Định). Không có ruộng đất để mưu sinh bằng nghề trồng trọt nên năm 1983 gia đình tôi ngược lên Gia Lai sinh sống.
 
Sau hơn một tháng hoạt động, đã có nhiều bạn đọc đến với Thư viện Nắng Mai.
4 năm sau đó, tôi chào đời hơn hai tháng thì người mẹ đẻ giã cõi trần, nhưng điều may mắn là người mẹ kế sau này chăm nuôi tôi như con đẻ. Tuy nhiên, khó khăn bám đuổi dai dẳng nên từ năm 2002 tôi phải rời ghế nhà trường sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, khởi đầu cuộc mưu sinh ở nhiều nơi trên vùng đất Tây Nguyên từ phát dọn nương rẫy, trồng rừng, đến đốn mía cây, nhổ mì, bốc xếp, phụ hồ…
Hơn một năm sau đó, tôi được học nghề hàn tiện, gia công cửa sắt tại tiệm Năm Thanh ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Miệt mài một thời gian, tôi sớm thạo nghề nhưng không có vốn đầu tư thiết bị, vật tư để mở tiệm nên tôi xin làm công nhân cơ khí cho một doanh nghiệp".
Khi cùng đồng nghiệp đến thôn Nguyên Hà, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hoà (Phú Yên) xây dựng cầu giữa năm 2005, Nguyễn Bá Nha kết bạn với cô thôn nữ Mai Thị Huy. Gần hai năm thì họ nên duyên chồng vợ. Nghe người con rể quyết định rời quê nhà ở Bình Định để vào Phú Yên lập nghiệp, gia đình vợ hỗ trợ vốn liếng bằng… 5.000m2 đất. Không chỉ cần mẫn trồng mía, mà thời gian nông nhàn Nha đi phụ hồ vài năm rồi trở thành thợ xây thạo nghề.
Hai đứa con Nguyễn Thị Bích Hân, Nguyễn Bá Đam lần lượt chào đời năm 2009, 2013 nên đời sống gia đình thêm chật vật, thế nhưng ước mơ có tấm bằng cử nhân luôn hiện hữu trong tâm trí, thôi thúc Nha nỗ lực vượt khó, tìm đến Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Sơn Hoà nối lại hành trình học tập bậc trung học phổ thông trong ba năm (2013-2016). Tháng 9-2016, nông dân trẻ Nguyễn Bá Nha bước vào Trường Đại học Thái Bình Dương ở TP Nha Trang (Khánh Hoà) và là sinh viên "già" nhất lớp.
Để giải quyết bài toán học phí đại học mỗi năm gần 11 triệu đồng, Nha không chỉ nỗ lực học tập tốt và đã trở thành sinh viên khá, được nhà trường giảm học phí mỗi năm 2,4 triệu đồng trong hai năm đầu, mà còn sắp xếp thời gian làm nhân viên bảo vệ tại một quán cà phê trong những buổi không đến lớp, ban đêm và hai ngày nghỉ cuối tuần với mức thu nhập mỗi tháng từ 6 - 8 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, Nha còn kiếm tiền nhuận bút từ những bài viết cộng tác với Báo Phú Yên, Nông nghiệp Việt Nam, Nhi đồng, Người Cao tuổi, Tạp chí Trí thức Phú Yên… nên ít ai có thể tin được rằng sinh viên Nguyễn Bá Nha tự chủ toàn bộ chi phí sinh hoạt, học tập và tiết kiệm mỗi tháng 2 - 3  triệu đồng gửi về người vợ chăm nuôi hai đứa con.
Đến chủ nhân thư viện miễn phí
Nhắc tới Thư viện Nắng Mai, Nguyễn Bá Nha tâm sự: "Là người mê đọc sách và mong muốn có điều kiện tra cứu thông tin văn học, khoa học - kỹ thuật, kỹ năng sống an toàn...nhưng khi nhìn lại nơi mình đang sinh sống có không ít thiếu nhi chưa biết đến truyện tranh cổ tích, lịch sử, sách đố vui để học; nông dân thiếu kiến thức trồng trọt, chăn nuôi; phụ nữ cũng cần những trang sách hướng dẫn nấu ăn, chăm sóc con trẻ…
Trong khi đó một số thanh niên mua điện thoại thông minh trả góp chỉ để khai thác thông tin đa chiều, phức tạp trên mạng xã hội, rồi bám đuổi cuộc chơi facebook, zalo, một số thiếu niên dúi đầu vào máy tính chỉ vì mê game…
Chặng đường đến Thư viện huyện Sơn Hoà 5 km, đến Thư viện tỉnh Phú Yên hơn 40 km, nên người mê sách như tôi cũng vấp phải khó khăn khi cần nghiên cứu, học tập, giải trí. Với ước muốn khơi dậy phong trào đọc sách, sau khi kiểm lại hơn 1.000 quyển sách mà mình đã sở hữu từ nhiều nguồn, tôi quyết định tu sửa, mở rộng nhà riêng để thành lập Thư viện Nắng Mai".
Khi nhìn thấy mấy người thợ xây dựng thư viện, đã có vài người cho rằng tâm trí của Nha có vấn đề, bởi lẽ công nghệ kỹ thuật số đã vươn đến tận nông thôn, miền núi và hải đảo, chỉ cần vài thao tác nhấp chuột, bấm bàn phím máy tính hay lướt nhẹ ngón tay trên smartphone thì phần mềm Google sẽ cung cấp những thông tin, hình ảnh theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ mà không phải mất nhiều thời gian tìm kiếm, lật lại từng trang sách.
Thậm chí có người còn chủ động tìm gặp, can khuyên Nha không nên "phô diễn trò đùa", "đừng có ngố"… Mặc họ. Nha vẫn lầm lũi vừa triển khai xây dựng, vừa bày tỏ tâm nguyện của mình với nhiều bạn bè, người thân qua zalo, facebook.
Khởi đầu là Đại tá, Th.s Đỗ Văn Soan - Trưởng Khoa lý luận Mac Lênin - Tư tưởng Hồ Chí Minh Học viện Hải quân, giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Thái Bình Dương tặng 6 quyển sách nghiên cứu văn hoá dân gian Phú Yên rồi đưa Nha đến gặp Đại tá Phạm Thanh Đảng - nguyên Trưởng Khoa lý luận Mac Lênin - Tư tưởng Hồ Chí Minh của Học viện Hải quân. Nghe chuyện, Đại tá Đảng quyết định tặng cho Nha toàn bộ số sách trong tủ sách gia đình gần 800 quyển các thể loại văn học, triết học, chính trị, lịch sử, y học dân dụng…
Những ngày sau đó, Nha mua thùng carton xếp số sách được tặng, chở dần đến Bến xe phía Bắc Nha Trang để ông Nguyễn Phú Yên - chủ nhân xe khách tuyến Sơn Hoà - Nha Trang hỗ trợ vận chuyển miễn phí về đến Thư viện Nắng Mai. Kế đó là chị Đào Linh - trú ở thị trấn Phú Hoà, huyện Phú Hoà (Phú Yên) tặng 700 quyển truyện thiếu nhi, Chi nhánh Công ty cổ phần Gia Lai CTC tặng 100 quyển sách khoa giáo…
Cùng thời điểm đó, chị Lê Minh Thu ở Hà Nội đã tìm hiểu qua facebook trước khi vào Phú Yên gửi tặng 5 triệu đồng để cho Nha chuyển đổi kết cấu xây lắp thư viện từ mái tôn thành mái ngói dịu mát.
Tại buổi ra mắt Thư viện Nắng Mai ngày 5-5-2019, Thư viện tỉnh Phú Yên tặng 100 quyển sách cùng 2 tủ gỗ trưng bày sách, Thư viện huyện Sơn Hoà tặng 150 quyển sách, Hội người mù huyện Sơn Hoà tặng 10 bản sách chữ nổi Braille dành cho người khiếm thị. Mỗi ngày, thư viện mở cửa từ 6h30 đến 22h, mỗi bạn đọc có thể mượn về nhà từ 1 - 5 quyển sách với thời gian 1 ngày đến 1 tuần.
Trong thời gian Nha còn bận học đại học, người vợ đảm trách thủ thư. Dù không được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, nhưng nhờ chủ động sắp xếp sách theo từng thể loại, thống kê tên sách, mở sổ cập nhật thông tin bạn đọc mượn - trả sách cụ thể… nên Thư viện Nắng Mai hoạt động tương đối bài bản.
Tiếng thơm lan toả nên hơn một tháng trôi qua, mỗi ngày có hàng chục lượt bạn đọc là học sinh, thanh thiếu niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh đến Thư viện Nắng Mai đọc sách.
Trong thời gian đó, có gần 50 nhà báo, văn nghệ sĩ, nhà hảo tâm cùng một số doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội ở Phú Yên, Bình Định, Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, An Giang, Cà Mau… liên hệ Nguyễn Bá Nha qua facebook, zalo, điện thoại để gửi tặng thêm hơn 500 quyển sách các loại cùng với hiện vật tủ gỗ, tủ nhôm, bàn ghế đá, tranh ảnh trang trí và gần 20 triệu đồng để hỗ trợ chủ nhân thư viện miễn phí mua thêm sách mới, lắp đặt ghế xích đu, trồng thêm cây xanh, giàn hoa giấy tạo bóng mát để phục vụ bạn đọc trong sân vườn.
 
Ông Phạm Đại Dương – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên trao tặng bộ máy tính cho Thư viện Nắng Mai.
Sau một tháng hoạt động, ngày 8-6-2019, ông Phạm Đại Dương - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã đến thăm Thư viện Nắng Mai, động viên chủ nhân và tặng một bộ máy tính. Đến thời điểm này, thư viện đã có gần 3.000 quyển sách với nhiều thể loại, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu bạn đọc.
Bà Võ Thị Nguyên Huệ - Phó Giám đốc Thư viện Phú Yên cho biết: "Chúng tôi thật sự cảm kích trước những nỗ lực khơi dậy phong trào đọc sách của vợ chồng anh chị Nha - Huy. Ngoài việc hỗ trợ sách, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cử cán bộ thủ thư hướng dẫn nghiệp vụ cho Thư viện Nắng Mai hoạt động ổn định, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ bạn đọc".
Trưởng Phòng Văn hoá thông tin huyện Sơn Hoà - ông Nguyễn Thiện Tình chia sẻ: "Nỗ lực tích cực của vợ chồng Nha - Huy đã góp phần  nâng cao đời sống văn hoá cơ sở, tạo ra một điểm đến văn hoá hấp dẫn, bổ ích cho nhiều đối tượng bạn đọc ở một vùng quê".
Nguyễn Bá Nha cho biết anh dự tính đầu tư mở ra một không gian xanh trong sân vườn nhà để thu hút thêm nhiều bạn đọc, đồng thời vận động thành lập Câu lạc bộ đọc sách 365 ngày để các thành viên luân phiên tham gia đảm trách thủ thư. Thêm một điều đáng ghi nhận là Nha còn đam mê sáng tạo kỹ thuật (STKT).
Với mô hình "Bếp tiện ích" cấu tạo bằng thép, sử dụng quạt kích hoạt điện 12V, sử dụng nguyên liệu rác thải thực vật, giấy vụn làm chất đốt, không khói, Nha đã được trao giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (STKT) Phú Yên lần thứ 5 (2012 - 2013) và giải khuyến khích tại Hội thi STKT toàn quốc lần thứ 5 (2012 - 2013). Đến Hội thi STKT Phú Yên lần thứ 7 (2015-2016), Nha nhận giải ba với mô hình "Máy làm mát môi trường không khí tự nhiên"…
Phan Thế Hữu Toàn (Cảnh sát toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm