Thừa Thiên Huế: Hơn 400 hộ dân “khát” nước sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Do nguồn nước đang sử dụng bị nhiễm phèn nên 30 năm qua, hơn 400 hộ dân miền núi xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế bị lâm vào cảnh “khát” nước sạch trầm trọng. Phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm để sinh hoạt hàng ngày, buộc người dân nơi đây phải đối mặt với nhiều rủi ro về bệnh tật.
Một điều mà nhiều người không ngờ là tại vùng núi non này, hàng chục năm qua người dân nơi đây vẫn luôn “khát” nước sạch. Không phải ngẫu nhiên, mà từ đầu xã cho tới cuối xã, hàng trăm giếng nước, bể lắng, bể lọc các loại đều lần lượt bị bỏ hoang. Thậm chí có nhiều chiếc mới chỉ được đào và đưa vào sử dụng vài ba tháng cũng chịu chung số phận. 
Nhiều giếng nước, bể lắng, bể lọc các loại lần lượt bị bỏ hoang.
Nhiều giếng nước, bể lắng, bể lọc các loại lần lượt bị bỏ hoang. Ảnh: Ngọc Thanh
Chị Trần Thị Thảo, người dân thôn 1, xã Phú Sơn cho biết: Từ mấy chục năm nay, gia đình chị cũng như hàng trăm hộ dân khác trong vùng vẫn phải cắn răng sử dụng nước nhiễm phèn mỗi ngày. Nước mới múc từ các giếng lên có màu vàng đục, mùi hôi rất khó chịu, để vài phút là đỏ ngầu và lắng đầy cặn ở đáy…
Ông Đỗ Viết Tùng- Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho hay: “Toàn xã có khoảng 80% hộ dân sử dụng nguồn nước giếng, hơn một nửa giếng trong số đó bị nhiễm phèn (nặng nhất là thôn 1 và 2), hễ cứ đào giếng lên được vài tháng là lại bị nhiễm phèn đục ngầu và hôi tanh rất khó chịu, nên người dân đành bỏ hoang”.
Để có nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày người dân phải lọc đi lọc lại nhiều lần qua hệ thống bể lắng bể lọc các loại.
Để có nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày người dân phải lọc đi lọc lại nhiều lần qua hệ thống bể lắng bể lọc các loại. Ảnh: Ngọc Thanh
Theo ông Tùng thì do địa bàn xã cách khá xa trung tâm nên việc đầu tư hệ thống nước sạch vào đây là rất khó khăn và tốn kém. Hiện phần lớn các hộ dân trong xã đều sử dụng nguồn nước giếng từ Chương trình nước sạch nông thôn và Chương trình 135 hỗ trợ xây dựng đã lâu. Đến nay các giếng đều đã xuống cấp hư hỏng nặng, nhiều giếng đã bị bỏ hoang do nhiễm phèn.
Phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn hàng ngày nên người dân đang phải đối mặt với nhiều rủi ro về bệnh tật. Theo thống kê của Trạm y tế xã, mỗi năm trên địa bàn có hàng trăm ca mắc các bệnh liên quan tới đường ruột, bệnh ngoài da… chủ yếu là ở người già và trẻ nhỏ, nhiều trường hợp bệnh nặng phải đưa đi cấp cứu tại tuyến trên.
Trước tình hình trên, chính quyền cùng với người dân đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên nhưng vẫn chưa có lời đáp... Để có nước ăn, sinh hoạt hàng ngày, chính quyền xã đã vận động bà con tự đầu tư xây dựng bể lắng, bể lọc các loại để hạn chế độ phèn. Còn lại vẫn phải trông chờ vào các cơ quan chức năng...
Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Trần Thừa Nguyên- Trưởng phòng Khoa học Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: Nếu sử dụng nguồn nước nhiễm phèn trong thời gian dài, ngoài việc mắc các bệnh về đường ruột, bệnh ngoài da, thì nguy cơ mắc các bệnh như: Ung thư, tiểu đường, suy tim cấp do nhiễm sắt… là rất cao, cần phải có biện pháp khắc phục sớm.
Ngọc Thanh - Trần Nguyễn

Có thể bạn quan tâm