Thừa Thiên-Huế: Muôn chiêu lừa chạy trường, xin việc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chưa kịp mừng vui dứt được gánh nặng học hành, nhiều sinh viên mới ra trường tại miền Trung lại rơi vào tình cảnh bế tắc vì không xin được việc làm đã tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo nhắm tới để hoạt động phạm tội. Đáng báo động ở Thừa Thiên-Huế thời gian qua xuất hiện hàng loạt đối tượng là cán bộ, công nhân viên chức nhà nước... tham gia vào đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn chạy trường, xin việc.

Ngã giá như… ngoài chợ

Tự nhận mình có khả năng chạy trường, xin việc vào ngành Công an dễ như trở bàn tay nên thời gian qua, viên Trung úy Nguyễn Chí Tiến đang công tác tại Tiểu đoàn Tăng-Thiết giáp thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế đã móc nối với Khuất Duy Duẫn, trú tại thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng từ nhiều người cả tin.

 

Khuất Duy Duẫn khai báo hành vi móc ngoặc với viên Trung úy Nguyễn Chí Tiến để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Bùi Oanh
Khuất Duy Duẫn khai báo hành vi móc ngoặc với viên Trung úy Nguyễn Chí Tiến để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Bùi Oanh

Thiếu tá Nguyễn Duy Hùng-Phó Trưởng Công an huyện Nam Đông cho biết, chiêu trò lừa đảo của Duẫn và Tiến bị vạch trần sau khi đơn vị nhận đơn tố cáo từ gia đình ông Nguyễn Văn Trứ, trú tại xã Hương Hòa, huyện Nam Đông.

Theo đó, vào tháng 8-2013, trong một lần chở khách đến Siêu thị Big C Huế tham quan mua sắm, Duẫn đã tình cờ gặp Nguyễn Thị Cẩm Thúy là con gái ông Trứ. Trò chuyện, Duẫn biết Thúy là cựu học sinh Trường THPT Nam Đông (ngoài nghề lái xe du lịch Duẫn còn làm bảo vệ Trường THPT Nam Đông-P.V) đã hai lần thi rớt đại học nên gia đình đang có ý định nhờ người chạy vào học ở một trường đại học hoặc cao đẳng bất kỳ. Lập tức, Duẫn điện thoại trao đổi và được Nguyễn Chí Tiến hứa sẽ bố trí cho Thúy vào học ở Trường Cảnh sát Giao thông của Bộ Công an đóng tại Quảng Nam với giá 500 triệu đồng.

Mê hoặc trước lời hứa hấp dẫn nên ngày hôm sau, Thúy hẹn và dẫn Duẫn cùng Tiến về nhà riêng để trao đổi trực tiếp với bố mẹ mình về việc chạy trường. Tại đây, hai tên lừa đảo biết được gia đình này rất giàu có và đang muốn xin cho Thúy và anh trai Nguyễn Công Vũ đi học Công an để khi ra trường có tương lai sán lạn.

Tận dụng cơ hội, Duẫn và Tiến thay nhau nói như đinh đóng cột là lo cho Thúy và Vũ vào học Trường Cảnh sát Giao thông ngay trong năm học 2013-2014 với giá 1 tỷ đồng. Đồng thời, hướng dẫn gia đình ông Trứ làm hồ sơ xin cho chị gái Thúy là Nguyễn Thị Cẩm Linh vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Kế toán tại thành phố Huế vào làm việc tại ngành Công an với giá 400 triệu đồng.

Trước mắt, Tiến và Duẫn nhận 850 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ nhận sau khi ba đứa con ông Trứ có giấy gọi nhập học và việc làm ổn định. Nhưng gia đình ông Trứ đợi mãi đến gần 5 tháng sau khi đã đưa tiền theo yêu cầu của Tiến và Duẫn vẫn không thấy các con mình có giấy báo đi học cũng như đi làm nên gọi điện cho Duẫn và Tiến. Lúc này, Tiến trả lời, trường hợp của Vũ không xin đi học được và sẽ trả tiền lại; hai trường hợp còn lại chắc chắn xin được. Đến hẹn, vẫn không thấy 2 đứa con đi học, đi làm nên ông Trứ đã viết đơn tố cáo đến cơ quan Công an.

Cũng theo Thiếu tá Hùng, với chiêu trò tự nhận có quan hệ xã hội rộng, đặc biệt là lãnh đạo nhiều bộ, ngành ở ngoài Trung ương, Duẫn và Tiến tiếp tục lừa đảo nhiều nạn nhân khác tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế trong việc chạy trường, xin việc. Trong đó, người ít là 50 triệu đồng, người nhiều hơn 100 triệu đồng. Hiện cơ quan chức năng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Duẫn và Tiến về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trò lừa bịp, giả giọng Giám đốc sở

 

Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt giam Phan Văn Tuấn giả giọng nói Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Bùi Oanh
Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt giam Phan Văn Tuấn giả giọng nói Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ảnh: Bùi Oanh

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Gia Lai điện tử, đứng trước thực trạng vấn đề đào tạo đại trà không theo địa chỉ làm việc, hàng loạt sinh viên các trường CĐ-ĐH tại miền Trung sau khi ra trường lâm vào tình cảnh thất nghiệp kéo dài nên tìm mọi cách để chạy việc đã tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo nhắm vào “miếng mồi” ngon này để hoạt động phạm tội. Trong đó, Phan Văn Tuấn (34 tuổi, làm nghề giáo viên, trú xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) vừa bị Công an tỉnh này khởi tố bắt giam về tội lừa đảo chiếm đoạt trót lọt hơn 100 triệu đồng của nhiều người có nhu cầu xin việc làm. Tuấn khai, y luôn miệng khoe mẽ, tung tin rằng mình có mối quan hệ hết sức thâm tình với lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo Thừa Thiên-Huế, nên việc xin đi dạy học cho sinh viên sư phạm ra trường dễ như trở bàn tay.

Qua một người bạn, Tuấn làm quen với chị Nga vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Huế. Bằng “biệt tài” của mình, Tuấn nhận lời xin cho chị Nga đi dạy tại Trường Tiểu học tại thị xã Hương Trà với giá 25 triệu đồng. Để tạo lòng tin cho chị Nga, Tuấn dùng số điện thoại di động gọi vào máy chị Nga xưng là Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế và nói: “Thầy Tuấn đã xin được việc cho Nga, yêu cầu gửi tiền cho Tuấn để lo việc”. Tuấn có thể giả giọng Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế một cách điêu luyện là do y sử dụng điện thoại Q-mobile có chức năng đổi giọng nói từ nam sang nữ, từ nam trẻ thành giọng trung niên khiến những cuộc gọi diễn ra khá suôn sẻ. 

Tuấn cũng sử dụng thủ đoạn này lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ huynh khác đang có nhu cầu xin việc làm trong ngành Giáo dục.

Nói về tình hình loại tội phạm này, một vị lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, việc làm luôn là vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm, nên các đối tượng bày ra nhiều chiêu trò “lừa bịp” hòng thực hiện hành vi “móc túi” của người dân. Thủ đoạn lừa đảo của bọn chúng chủ yếu là lợi dụng lòng tin cá nhân những người thân quen giới thiệu, mai mối khi biết được các gia đình có con em tốt nghiệp các trường trung cấp, đại học và cao đẳng ra trường mà chưa tìm được việc làm. Nhằm đánh trúng tâm lý người có nhu cầu xin việc, các đối tượng tự giới thiệu hoặc qua môi giới thông tin về đối tượng là “người nhà”, người thân của các vị lãnh đạo lớn ở tỉnh, giám đốc các sở, ngành, người có chức trách... Đồng thời, các đối tượng lừa đảo còn tìm hiểu khá kỹ về nhân thân, lai lịch, nhằm đánh trúng tâm lý nhiều người bị hại để lừa đảo...

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm