Thừa Thiên-Huế: Phát hoảng trước rung chấn động đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khoảng 18 giờ 45 phút ngày 22-12, nhiều người dân ở TP. Huế nghe cảm giác rung lắc bởi một cơn rung chấn động đất. Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần-Viện Vật lý Địa cầu xác nhận, trận động đất này xảy ra tại vị trí có tọa độ 16.106 độ vĩ Bắc, 107.298 độ kinh Đông, thuộc khu vực huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế (cách TP. Huế khoảng 70 km).
 

Người dân thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế cảm nhận rõ nhất về rung chấn động đất xảy ra vào tối 22-12. Ảnh: Bùi Oanh
Người dân thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế cảm nhận rõ nhất về rung chấn động đất xảy ra vào tối 22-12. Ảnh: Bùi Oanh

Cường độ của trận động đất được xác định là 3,4 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Hiện Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.  

Khoảng 18 giờ 45 phút ngày 22-12, phóng viên Báo Gia Lai điện tử đang ở khu dân cư phía sau khu vực núi Bân (phường An Tây, TP. Huế) có cảm giác rung nhẹ khi kê tay lên bàn làm việc. Cách địa điểm này chừng 2 km, tại đường Nguyễn Huệ, Mai Thị Trang-sinh viên Trường Đại học Khoa học Huế cho biết: “Đang nằm trên giường chợt nghe rung lắc nhẹ, cảm nhận rất rõ ràng trong khoảng 5-6 giây”. Trên mạng xã hội Facebook, rất nhiều sinh viên đang theo học tại Huế ở trọ tại khu vực Trường Bia, ký túc xá Đống Đa, đường Chi Lăng, đường Lý Thường Kiệt và đường Lê Quý Đôn của TP. Huế cũng đăng bình luận, gửi, chia sẻ với bạn bè rằng, có cảm giác sợ hãi vì lần đầu cảm nhận rõ về động đất khi tường nhà, đồ đạc rung lắc bất thường vào thời điểm trên. Nhiều cụ già cho biết trường hợp rung lắc tương tự rất hiếm khi xảy ra ở Huế. Chị Nguyễn Thị Sương (sống tại khu chung cư A1 của Khu đô thị An Vân Dương, TP. Huế) cho biết: “Hai vợ chồng đang xem ti vi thì bỗng cả tòa nhà chung cư rung lắc mạnh. Sợ nhà sập nên chúng tôi vội đưa con rời khỏi nhà chạy ra đường”. Tương tự, tại khu vực huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng xảy ra hiện tượng trên. Bà Lê Thị Thêm-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện A Lưới cho biết, khoảng 18 giờ 40 phút tối 22-12, đang ngồi xem ti vi thì nghe một đợt rung lắc khá mạnh tương đương đợt động đất có độ lớn 4,7 độ richter xảy ra tại địa phương vào ngày 15-5-2014. Nhiều bạn bè và đồng nghiệp ở thị trấn A Lưới cho hay, đang ngồi trên giường thì nghe một đợt rung khá mạnh. Cơn rung chấn khiến chim nuôi trong lồng bay nháo nhác…

 

Động đất xảy ra dồn dập khiến một số ngôi nhà tại thị trấn A Lưới vị nứt. Ảnh: Bùi Oanh
Động đất xảy ra dồn dập khiến một số ngôi nhà tại thị trấn A Lưới vị nứt. Ảnh: Bùi Oanh

Trao đổi với phóng viên Báo Gia Lai điện tử, ông Phan Thanh Hùng-Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế xác nhận, đã cảm nhận rất rõ về độ rung lắc của trận động đất này như tàu chạy. Hiện đơn vị đang chờ thông tin chính thức từ phía Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) thông báo về tọa độ, độ sâu chấn tiêu của trận động đất. Song khả năng tâm chấn trận động đất này có thể xảy ra tại huyện A Lưới. Cũng theo ông Hùng, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã ghi nhận được hơn 10 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4,7 richter xảy ra tại Thừa Thiên-Huế. Trong đó, chỉ tính riêng từ ngày 6 đến ngày 14-12, tại khu vực huyện A Lưới và khu vực thị xã Hương Trà giáp ranh với huyện A Lưới dồn dập xảy ra 4 trận động đất độ lớn 2,5 và 2,9 độ richter. Hầu hết những trận động đất xảy ra ở khu vực nói trên thời gian qua đều có cấp độ rất nhỏ, khó nhận biết, không gây thiệt hại về người và tài sản. Tất cả các tin báo động đất từ phía Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đều được Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế thông tin kịp thời đến lãnh đạo các cấp, chính quyền địa phương để nắm tình hình diễn biến.

Còn việc phân tích nguyên nhân, diễn tiến như thế nào đến nay vẫn chưa thể khẳng định và nói trước được. Ngay cả các nhà khoa học cũng rất thận trọng chưa dám đánh giá, nhận định nguyên nhân, vì chưa có đủ cơ sở khoa học, điều kiện để giải đáp vấn đề này. Tuy hầu hết các trận động đất tại địa phương ở dạng nhẹ và yếu, nhưng số lần xuất hiện dồn dập, nhất là 2 năm trở lại đây nên UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đề tài khoa học công nghệ cấp thiết mới phát sinh ở địa phương để sớm có đánh giá, phân tích cụ thể, ở mức độ chi tiết cao về tình hình động đất trên địa bàn. Trước mắt, để chủ động ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với các đơn vị liên quan, mời chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu tổ chức các lớp tập huấn và giới thiệu phương pháp phòng-chống động đất cho các xã, thị trấn thuộc huyện A Lưới; hướng dẫn cho cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện A Lưới sử dụng các tờ rơi, áp phích về phòng-chống động đất tuyên truyền rộng rãi cho người dân.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm