Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Sau 5 năm nhìn lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chính sách này có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2009, và từ khi bắt đầu triển khai đã thể hiện được rõ là một trong những chính sách quan trọng trong công tác an sinh xã hội, trực tiếp hỗ trợ cho người lao động một phần thu nhập khi không may họ bị thất nghiệp. Cùng với đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn giúp người lao động học nghề, nhanh chóng tìm việc làm mới, ổn định đời sống. Tuy vậy, sau 5 năm nhìn lại, chính sách này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần sớm được khắc phục trong thời gian tới.

Mức hưởng trợ cấp hàng tháng cao nhất trên 10 triệu đồng

 

Ảnh: Đinh Yến
Ảnh: Đinh Yến

Theo quy định, người lao động đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy, người lao động bắt đầu tham gia BHTN từ đầu năm 2009 và việc chi trả trợ cấp thất nghiệp được Nhà nước thực hiện sau một năm (đầu năm 2010).  Người lao động đăng ký thất nghiệp tập trung chủ yếu ở các ngành nông-lâm nghiệp, như: cao su, cà phê, khai thác và chế biến lâm sản. Nguyên nhân lao động đăng ký thất nghiệp nhiều là do các công ty thanh lý vườn cây già cỗi, số lao động này bị dôi dư, thiếu việc làm, một bộ phận chuyển sang kiến thiết cơ bản, lương thấp cho nên công nhân chủ động xin nghỉ việc về làm kinh tế gia đình. Tình hình kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn về vốn, khó tiêu thụ sản phẩm, do vậy số lao động nghỉ việc hưởng chế độ năm sau tăng hơn năm trước.

Về số lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong 2 năm đầu (2010, 2011) có 1.118 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng với mức tối đa 3 tháng trên 60% mức bình quân tiền lương. Từ ngày 1-1-2012, theo quy định, bắt đầu có lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian hưởng là 6 tháng. Theo số liệu thống kê, số đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng năm 2012 là 939 người, đến năm 2013 là 1.128 người. Số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cao nhất là 10,6 triệu đồng/ tháng (hưởng 3 tháng) và 10,08 triệu đồng/tháng (hưởng 6 tháng) nhưng tỷ lệ chiếm rất nhỏ, còn bình quân mức tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh ta là 1,6 triệu đồng/tháng.

Vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện

 

Ảnh: Hà Tây
Ảnh: Hà Tây

Bảo hiểm thất nghiệp có tác động tích cực đến mối quan hệ về lợi ích hài hòa giữa đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta cũng có không ít những doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận mà quên đóng các khoản nghĩa vụ cho người lao động, trong khi người lao động do áp lực về việc làm nên cũng không dám đấu tranh đòi hỏi quyền lợi.

Thực tế cho thấy, trong mấy năm trở lại đây, số lao động bị mất việc làm ở tỉnh ta đông hơn nhiều so với số liệu về người thất nghiệp đến Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh và 3 điểm cụm huyện đăng ký thất nghiệp: huyện Chư Sê, thị xã An Khê và Ayun Pa. Một thực tế nữa là tính riêng trong năm 2013, toàn tỉnh chỉ có 2 người hưởng chế độ BHTN đăng ký học nghề với thời gian học nghề 3 tháng và chi phí học nghề không quá 900 ngàn đồng, điều đó cho thấy chế độ hỗ trợ học nghề cho người bị thất nghiệp chưa phù hợp nên người lao động ít có nhu cầu học nghề để chuyển đổi việc làm. Mặt khác, việc quy định về tháng đóng BHTN liền kề khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động là chưa hợp lý vì một số trường hợp người lao động đang làm việc ở công ty A chuyển sang công ty B làm việc nhưng công ty B lại không thuộc đối tượng tham gia BHTN, đến khi mất việc làm thì người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp vì không có tháng liền kề đóng BHTN trước khi bị mất việc làm.

 

Tính đến tháng 9-2013, Gia Lai có 63.561 lao động tham gia BHTN, chiếm 80% so với số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong đó, số người đóng BHTN thuộc khối hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể là 37.092 người, chiếm 58,3%/tổng số lao động tham gia BHTN. Trao đổi với chúng  tôi, ông Lê Hạnh-Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh cho biết: Trong 4 năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận 4.814 hồ sơ lao động đăng ký thất nghiệp, số người đăng ký thất nghiệp có xu hướng tăng qua từng năm. Nếu năm 2009 có 425 người đăng ký thất nghiệp (bình quân 35 người/tháng) thì tính đến đầu tháng 12-2013 là 1.916 người đăng ký thất nghiệp (bình quân 173 người/tháng).

Theo quy định, sau 2 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc quyết định hỗ trợ học nghề thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc hỗ trợ học nghề. Theo quy định như vậy, thì đối với Gia Lai là một tỉnh miền núi, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nhất là vào mùa mưa, do đó thời gian 2 ngày là quá ít, chưa phù hợp. Việc thực hiện chính sách BHTN do 2 cơ quan thực hiện dẫn đến người lao động phải đi lại nhiều nơi, nhiều lần, gây nhiều phiền hà cho người lao động. Một số doanh nghiệp còn nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội nói chung và BHTN nói riêng, do đó khi người lao động nghỉ việc không thể thực hiện việc chốt sổ bảo hiểm xã hội để hoàn chỉnh hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người lao động.

Việc sai tên, địa chỉ, năm sinh cũng ảnh hưởng đến quá trình làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhất là lao động người dân tộc thiểu số… Cùng với đó là việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cùng kỳ với lương hưu hàng tháng nên người lao động thường nhận trợ cấp thất nghiệp chậm hơn nhiều so với thời gian nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, do đó không đảm bảo việc kịp thời hỗ trợ người lao động một khoản kinh phí để ổn định cuộc sống trong thời gian tìm việc làm mới. Cùng với tình hình kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp có xu hướng giảm mạnh về nhân sự, do đó lượng lao động thất nghiệp ngày càng tăng, mặt khác khi cắt giảm nhân sự các doanh nghiệp thường cắt giảm tập trung vì thế mà người lao động đến đăng ký thất nghiệp vào cùng một lúc, một thời điểm với số lượng lao động lớn, với số nhân viên nghiệp vụ của Phòng BHTN tại Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh và 3 điểm tiếp nhận của cụm huyện theo định biên của Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) như hiện nay chỉ có 12 người là rất khó khăn trong công tác tiếp nhận cũng như hạn chế trong công tác tư vấn, hướng dẫn hồ sơ cho người lao động.

Để việc thực hiện chính sách BHTN có hiệu quả hơn, mới đây 2 đơn vị cùng thực hiện một chính sách là Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh và Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã phối hợp tổ chức Hội thảo về đánh giá những kết quả thực hiện và khắc phục những tồn tại vướng mắc sau 5 năm thực hiện chính sách BHTN trên địa bàn tỉnh. Vấn đề này, ông Lê Hạnh-Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh, cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách BHTN nhằm nâng cao hiểu biết của người sử dụng lao động và người lao động, để họ hiểu hơn lợi ích của việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Mặt khác, tăng cường công tác giám sát, phối hợp kiểm tra việc thực hiện chính sách BHTN, cùng với đó là đổi mới quy trình tiếp nhận và giải quyết chế độ BHTN của Trung tâm, thực hiện theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm