Kinh tế

Doanh nghiệp

Thực hiện hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Cơ hội thu hút đầu tư và nâng tầm doanh nghiệp Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bao phủ các quốc gia có dân số tới 2,2 tỉ dân, tương đương 30% dân số toàn cầu, hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo ra một thị trường và tiềm năng thương mại lớn, đồng thời là cơ hội thu hút đầu tư, hoàn thiện hóa hệ thống khép kín sản xuất - thương mại. Đối với Việt Nam, RCEP không phải là một kết quả ngẫu nhiên, mà chỉ có được sau một thời gian nỗ lực không ngừng nghỉ. Do đó, cần hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam để đón cơ hội lớn mà Hiệp định này mang lại.

CIEM đánh giá cao những lợi ích “ròng” mà RCEP mang lại. Nguồn: CIEM và Aus4Reform Program
Nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế cao khi vào thị trường RCEP
Sáng 20.1, phát biểu tại Hội thảo báo cáo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Aus4Reform Program tổ chức, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM - Giám đốc Chương trình Aus4Reform - nhấn mạnh: RCEP mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu (XK) bao phủ các quốc gia có dân số tới 2,2 tỉ dân, tương đương 30% dân số toàn cầu, Hiệp định RCEP tạo ra một thị trường lớn và tiềm năng cho XK.
“Đây là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, mức sống cao nên nhu cầu tiêu dùng cũng rất lớn. Một số quốc gia yêu cầu không quá cao về chất lượng sản phẩm - điều đang gặp phải trong CPTPP, EVFTA, v.v… do đó phù hợp với trình độ của phần lớn DN trong nước.
Bên cạnh đó, hành vi tiêu dùng của khu vực RCEP vẫn đang tích cực nhờ sự tương tác giữa các yếu tố như: Sự gia tăng của tầng lớp thu nhập trung bình; sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, vừa có tính thử nghiệm và tính thích ứng cao (như thương mại điện tử); đà tăng trưởng kinh tế nhìn chung tương đối năng động. Do đó, hiệp định RCEP mở ra thêm cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam tăng cường XK và mở rộng thị trường đặc biệt là các loại mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như gạo, càphê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản v.v...” - TS Trần Thị Hồng Minh phân tích.
Tự do hóa thương mại trong RCEP có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho Việt Nam như: Tăng trưởng GDP cao hơn, thúc đẩy tiêu dùng tư nhân và XK. Dù vẫn còn sự trùng lặp nhất định trong cấu trúc lợi thế so sánh giữa Việt Nam và các nước thành viên nhưng sự trùng lặp này đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, tính bổ trợ thương mại gia tăng giữa Việt Nam và các đối tác RCEP. “Tính bổ sung cao hơn và mức độ cạnh tranh ít hơn mang lại triển vọng mở rộng thương mại lớn hơn khi thuế quan và hàng rào phi thuế được gỡ bỏ” - ông Nguyễn Anh Dương nhận định.
Các chuyên gia kinh tế cũng lạc quan đánh giá rằng, tham gia vào một thị trường rộng lớn như RCEP, DN Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực. Thông qua các hoạt động hợp tác kỹ thuật và xuất nhập khẩu hàng trung gian, DN Việt Nam có cơ hội tiếp cận và nhận chuyển giao khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực sản xuất và quản lý.
Theo đó, được tham gia vào các công đoạn sản xuất quan trọng hơn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn. Quá trình này giúp DN không ngừng cải thiện và nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh và tăng cường vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Cơ hội thu hút đầu tư và cơ hội nâng tầm DN Việt
Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM) - Hiệp định RCEP sẽ đem lại nhiều cơ hội, trong đó bao gồm tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Cụ thể, RCEP sẽ giảm các rào cản thương mại và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ, thu hút các công ty nước ngoài tham gia vào một thị trường ASEAN hội nhập hơn. Các DN FDI, đặc biệt là từ các nước phát triển, sẽ đem lại các tác động lan tỏa tích cực, bao gồm chuyển giao công nghệ, bí quyết kinh doanh, kỹ năng quản lý và cơ hội tiếp cận thị trường, vốn là những yếu tố DN Việt Nam còn yếu.
Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, liên kết hợp tác với các DN lớn còn đem đến nhiều lợi ích khác cho DN Việt Nam.
* Một thách thức lớn đối với DN Việt Nam là RCEP có thể tạo ra nguy cơ chuyển hướng thương mại, cụ thể hơn là gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam đang có ưu thế cạnh tranh một cách tương đối so với Trung Quốc nhờ Hiệp định Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), và các Hiệp định ASEAN+1. Với RCEP, Trung Quốc có thêm ưu đãi thuế quan khi XK vào các thị trường này và sẽ gia tăng cạnh tranh hơn nữa với Việt Nam và các nước ASEAN. Chẳng hạn, hiện nay theo Hiệp định, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản với mức thuế ưu đãi là khoảng 10%. Trong khi đó, mức thuế áp cho hàng dệt may Trung Quốc là 15 - 20%. Một ví dụ khác, Nhật Bản áp mức thuế dưới 5% cho sản phẩm da giày của Việt Nam và 30% cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Với RCEP, Trung Quốc có thể được hưởng ưu đãi thuế và do đó làm mất lợi thế cạnh tranh của DN Việt Nam.
* Hiệp định RCEP mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đa dạng cả về loại hình và giá cả của các nước đối tác. Các quy định về xóa bỏ và cắt giảm thuế quan sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc từ các nước có trình độ khoa học kỹ thuật cao, với mức giá thấp hơn. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể tăng xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất. Chất lượng sản phẩm cao hơn với chi phí thấp hơn góp phần tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
(Nhóm tác giả nghiên cứu của CIEM)
PHONG NGUYỄN (LĐO)
https://laodong.vn/kinh-te/thuc-hien-hiep-dinh-doi-tac-kinh-te-toan-dien-khu-vuc-rcep-co-hoi-thu-hut-dau-tu-va-nang-tam-doanh-nghiep-viet-872669.ldo

Có thể bạn quan tâm