Thực hiện nghiêm chế tài xử lý vi phạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đề án Xây dựng nếp sống văn minh đô thị đã được triển khai thực hiện hơn 1 năm qua đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong quần chúng thông qua công tác tuyên truyền, vận động. Song thực tế cho thấy cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa trong việc áp dụng những chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm để tránh “lờn thuốc”.

Đánh giá hiệu quả sau thời gian triển khai thực hiện đề án, bà Trần Thị Tâm-Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhận định: Nhìn chung ý thức về văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, thái độ giao tiếp, ứng xử… trên địa bàn thành phố bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Đây là dấu hiệu tốt cho việc thực hiện đề án trong những năm tiếp theo. Đó là nhờ Ban Chỉ đạo đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng dân cư, trong các ngành, các cấp, trường học, nhà máy, xí nghiệp… trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Đô thị không thể văn minh khi vỉa hè thường xuyên bị lấn chiếm. Ảnh: H.D
Đô thị không thể văn minh khi vỉa hè thường xuyên bị lấn chiếm. Ảnh: H.D
Ông Nguyễn Văn Nông-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku cho biết: “Nhằm tăng cường công tác phòng-chống và xử lý các vi phạm về nếp sống văn minh đô thị, Phòng đã soạn thảo một số nội dung quy ước thực hiện nếp sống văn minh đô thị liên quan đến các quy định xử lý của pháp luật theo các điều, khoản của các nghị định như: Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội; Nghị định 81/2006/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… để các xã, phường nắm rõ hơn về các chế tài này để xử lý vi phạm”. Nhiều đơn vị chuyên ngành cũng đã tích cực chung tay trong thực hiện đề án bằng những hoạt động cụ thể như: Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa và phòng-chống tệ nạn xã hội thành phố phối hợp cùng Ban Văn hóa các xã, phường tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động văn hóa trên địa bàn. Đã xử lý 10 cơ sở karaoke, khách sạn, đại lý internet vi phạm các quy định của Nhà nước với số tiền gần 46,5 triệu đồng. Công an thành phố đã lập biên bản vi phạm hành chính về an toàn giao thông gần 15.100 trường hợp với số tiền lên đến gần 4,2 tỷ đồng; Công an các xã, phường xử phạt trên 4.600 trường hợp vi phạm trật tự giao thông như lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi mua bán, họp chợ với số tiền gần 850 triệu đồng…


Tuy vậy, có thể nhận thấy sự thành công của đề án phần lớn phụ thuộc vào ý thức tự giác của người dân. Nếu chưa khắc phục được một số tồn tại thuộc về trách nhiệm của chính quyền như: Sự phối hợp lỏng lẻo giữa các cơ quan, ban ngành cùng với UBND các xã, phường trong xây dựng những tiêu chí phù hợp cho từng lứa tuổi, hoặc một số đơn vị không theo dõi, báo cáo thực hiện đề án tại địa phương mình… thì đề án cũng khó thành công. 52.500 bảng quy ước thực hiện nếp sống văn minh đô thị được cấp phát xuống 23 xã, phường; 300 pa nô khẩu hiệu; gần 2.500 bài thi tham gia cuộc thi “Tìm hiểu công sở văn hóa và nếp sống văn minh đô thị thành phố Pleiku” (do Phòng Giáo dục- Đào tạo phát động cho cán bộ, giáo viên và học sinh trên địa bàn thành phố)… có lẽ vẫn chưa đủ để có thể tác động mạnh mẽ đến từng người dân.

Thời gian tới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị là điều tất yếu phải làm. Song nên chăng các cấp, các ngành chức năng cần thực hiện nghiêm và quyết liệt hơn nữa việc áp dụng các chế tài xử lý điều chỉnh các hành vi vi phạm những nội dung của đề án, tránh tình trạng tái đi tái lại nhiều lần hoặc chỉ răn đe nhẹ nhàng khiến các đối tượng vi phạm “lờn thuốc”.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm