Thực hiện những quy định về bảo vệ môi trường: Khó hay dễ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá; vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện); vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt. Những quy định này của Nghị định 155/2016/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-2-2017 nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện, kiểm tra và xử lý.

Gặp khó trong công tác triển khai

Nghị định 155/2016/NĐ-CP được Chính phủ quy định về xử phạt hành chính việc vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Các hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường; vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định; vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị... sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 7 triệu đồng.

 

Ủy ban nhân dân phường Yên Thế bổ sung thêm các biển cấm đổ rác tại khu đông dân cư. Ảnh: P.L
Ủy ban nhân dân phường Yên Thế bổ sung thêm các biển cấm đổ rác tại khu đông dân cư. Ảnh: P.L

Tại TP. Pleiku, Nghị định này đã được một số phường triển khai thực hiện, tuy nhiên còn đang lúng túng trong việc kiểm tra, xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm. Ông Đỗ Trung Hùng-Chủ tịch UBND phường Phù Đổng cho biết: “Nghị định này có hiệu lực vào đúng dịp Tết Nguyên đán nên nhiều người dân vẫn chưa biết. Phường sẽ thành lập một ban chuyên đi kiểm tra công tác này, tuy nhiên địa bàn phường rất rộng nên lực lượng này không thể túc trực 24/24 giờ tại các đường phố, khu chung cư để kiểm tra, giám sát hành vi của người dân, do đó việc quản lý, kiểm tra sẽ rất khó”.

Ông Dương Ngọc Anh-Phó Chủ tịch UBND phường Hoa Lư cho biết: “Phường cũng đã thành lập một ban kiểm tra môi trường với nhiệm vụ kiểm tra các tổ dân phố vào thứ ba hàng tuần; đồng thời, giao cho các tổ dân phố phụ trách địa bàn của mình để kiểm tra, giám sát. Với Nghị định này, mức phạt tiền sẽ tăng cao gấp 10 lần so với Nghị định 179/2013/NĐ-CP. Tăng mức xử phạt là điều cần thiết, tuy nhiên, việc xử phạt cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như trong trường hợp phát hiện người vứt thuốc bừa bãi nơi công cộng, bắt được họ nhưng không có bằng chứng thì rất khó xử lý”.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Đã hơn 1 tuần kể từ khi Nghị định 155/2016/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Chia sẻ các giải pháp hữu hiệu nhằm thực thi Nghị định, ông Dương Ngọc Anh cho biết thêm: “Việc tăng tiền xử phạt sẽ đánh vào tâm lý của người dân. Tuy nhiên, xử phạt thôi chưa đủ, hành vi vứt rác, tiểu tiện nơi công cộng, khu chung cư chủ yếu liên quan đến ý thức của mỗi người dân. Chính vì vậy, bên cạnh đó cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho mỗi người dân để không vi phạm. Tại phường Hoa Lư, ban kiểm tra môi trường của phường cũng sẽ tích cực tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh và tuyên truyền lưu động ở các tổ dân phố. Triển khai cho các hộ dân cư ký cam kết, vận động người thân không được xả rác bừa bãi. Bổ sung thêm các biển cấm đổ rác, cấm tiểu tiện ở các khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Đặc biệt, chúng tôi cũng huy động người dân trong phường cùng vào cuộc để giám sát, kiểm tra”.

Phường Yên Thế (TP. Pleiku) cũng đã quán triệt, thông báo Nghị định này với các cán bộ, công chức ở cơ quan; giao cho các hội, đoàn thể cùng chung sức để giám sát, kiểm tra. Ủy ban nhân dân phường cũng đã lập đường dây nóng là số điện thoại của Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường để người dân gọi khi phát hiện những trường hợp vi phạm. “Việc xử phạt người vi phạm sẽ được thực hiện công khai, minh bạch để tạo niềm tin cho người dân. Đồng thời, chúng tôi vận động nhân dân cùng vào cuộc tham gia quay phim, chụp ảnh hành vi vi phạm ảnh hưởng đến môi trường và gửi tới cho cán bộ đô thị địa chính của phường, từ bằng chứng này chúng tôi sẽ kiểm tra và mời cá nhân, tổ chức vi phạm lên nhắc nhở, cảnh cáo hoặc xử phạt. Ngoài bị phạt tiền, những trường hợp tiếp tục vi phạm sẽ bị nêu tên công khai trên hệ thống loa phát thanh và làm bản kiểm điểm, việc làm này đánh vào lòng tự trọng để nâng cao ý thức của người dân. Những cá nhân phát hiện được hành vi vi phạm sẽ được khen thưởng để khuyến khích phát hiện vi phạm”-ông Phạm Văn Hiếu-Chủ tịch UBND phường Yên Thế cho biết.

 Phan Lài

* Ông Trần Minh Hiệu (tổ dân phố 11, phường Yên Thế, TP. Pleiku):

Chế tài tăng tiền phạt như trong Nghị định 155/2016/NĐ-CP là cần thiết, như vậy sẽ có tính răn đe hơn. Để giám sát hành vi vi phạm của người dân, rất cần có hệ thống camera, tuy nhiên, kinh phí để cho việc này cũng hạn chế. Bên cạnh đó, việc xử phạt hành vi vi phạm cũng sẽ dẫn tới nhiều vấn đề đáng bàn như: nương tay vì quen biết; cũng không tránh khỏi tình trạng tiêu cực nếu cán bộ, công chức không nghiêm minh.
* Chị Phạm Thị Thắng-nhân viên Ban Quản lý Quảng trường Đại Đoàn Kết:

Nghị định này mà được thực thi thì quá tốt, đặc biệt là sẽ có lợi cho những người làm công việc dọn dẹp như chúng tôi. Người dân luôn có thói quen “bạ đâu vứt đó”, không kể những lần Quảng trường tổ chức sự kiện lớn, mà ngay những ngày thường rác thải đều vứt bừa bãi. Tôi nghĩ càng xử phạt nặng càng nâng cao được ý thức của người dân.
* Anh Vũ Trường Sơn (tổ dân phố 9, phường Thống Nhất, TP. Pleiku):

Tăng cường ý thức của người dân là điều quan trọng, nhưng theo tôi nghĩ, trước khi xử phạt hành vi trên, thì các cấp, các ngành cũng cần thiết bổ sung thêm hệ thống cơ sở vật chất như thùng rác, nhà vệ sinh công cộng. Bởi thực tế, nhiều người dân khi chạy xe ngoài đường, muốn vứt rác thì cũng không biết tìm thùng rác ở đâu. Nhiều người có nhu cầu tiểu tiện nhưng thiếu nhà vệ sinh, việc đi vệ sinh không đúng nơi đúng chỗ cũng là bất đắc dĩ.

Có thể bạn quan tâm