Thực phẩm sạch: Mua bằng niềm tin?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tình trạng mua bán thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường hiện đang khiến người tiêu dùng thực sự hoang mang, lo sợ. Để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân, nhiều người đã tìm đến những cửa hàng chuyên bán các loại rau, củ, quả và thực phẩm sạch. Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng vẫn băn khoăn: Liệu các loại thực phẩm “dán nhãn” sạch này có thực sự sạch?

“Bùng nổ” cửa hàng thực phẩm sạch

Nói “bùng nổ” cũng không ngoa khi thời gian gần đây, khá nhiều cửa hàng chuyên bán rau, củ, quả, gạo, thịt, cá... sạch đã được mở ra trên địa bàn TP. Pleiku, như: Vạn Trí (73 Nguyễn Đình Chiểu), Chợ Quê (61 Đinh Tiên Hoàng), cửa hàng gạo sạch của doanh nghiệp Hải Tây Phát (03 Nguyễn Văn Cừ), cửa hàng trái cây sạch 3 miền Hương Béo (178 Trần Phú), cửa hàng rau sạch của Công ty TNHH một thành viên Quế Lâm Tây Nguyên (16 Phan Bội Châu), lò đậu khuôn sạch Bắc Ninh (122 Cách Mạng Tháng Tám)...

 

Cửa hàng Trái cây sạch 3 miền Hương Béo (178 Trần Phú, TP. Pleiku). Ảnh: K.L
Cửa hàng Trái cây sạch 3 miền Hương Béo (178 Trần Phú, TP. Pleiku). Ảnh: K.L

Với slogan “Sạch từ trang trại đến bàn ăn, hãy đến với chúng tôi vì sức khỏe gia đình bạn”, cửa hàng thực phẩm sạch Chợ Quê (61 Đinh Tiên Hoàng, TP. Pleiku) bán rau, củ và thịt heo. Tuy mới mở được gần một  tháng nhưng cửa hàng này đã có lượng khách khá ổn định, hàng thường bán hết ngay trong buổi sáng. Bà Nguyễn Thị Hạt-chủ cửa hàng, không ngại ngần khẳng định, đây là cửa hàng thực phẩm sạch đầu tiên tại Gia Lai và tất cả những sản phẩm được bày bán tại đây đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. Để chứng minh, bà đưa ra biên lai mua các loại rau lấy từ Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (thôn 6, xã An Phú, TP. Pleiku) và giấy chứng nhận quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP do Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định Vinacert cấp cho hộ kinh doanh Đặng Văn Đình (làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah)-nơi bà lấy heo về bán. Ngoài thịt heo, rau, củ, quả, cửa hàng thực phẩm Chợ Quê còn bán các loại gạo nếp, tẻ, miến lấy từ các cơ sở sản xuất uy tín ở tỉnh Thái Bình.

Mới hoạt động được 2 tháng nhưng cửa hàng Trái cây sạch 3 miền Hương Béo (178 Trần Phú, TP. Pleiku) cũng đã trở thành địa chỉ tin cậy của các bà nội trợ, nhất là những người có con nhỏ vì ở đây thường bán những loại rau giàu giá trị dinh dưỡng nhưng ít có trên thị trường như: măng tây, cải cầu vồng, cải lá xoăn, cà chua chocolate, củ cải đỏ... Các loại rau này được lấy từ hộ kinh doanh nông sản sạch Lâm Đồng (địa chỉ 80/25A Đinh Tiên Hoàng, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)-địa chỉ chuyên cung cấp rau cho các nhà hàng Nhật. Đối với các loại trái cây, chị Nguyễn Thị Hương-chủ cửa hàng, cho hay: “Tất cả đều lấy từ những địa chỉ uy tín. Trái cây nhập khẩu chủ yếu là cherry, cam Úc, nho Mỹ...; trái cây trong nước thì có chuối Hoàng Anh Gia Lai, lê rừng, bưởi da xanh Bến Tre, cam sành Đà Lạt, ổi, thanh long lấy ở Hợp tác xã Ia Chiêm (tỉnh Kon Tum), dưa lưới... Mua trái cây ở đây, khách hàng có thể yên tâm, nếu quả nào hỏng sẽ được đổi lại”.

“Chúng tôi bán bằng lương tâm”

Khi đánh giá thực phẩm sạch, cơ quan chức năng thường dựa trên các tiêu chí về kỹ thuật sản xuất đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt theo đúng quy định, khi thu hoạch phải đảm bảo không có hóa chất gây hại đến sức khỏe,  nhiễm khuẩn hoặc chất gây ô nhiễm vật lý, môi trường sản xuất không lạm dụng sức lao động của người nông dân, có thể truy tìm nguồn gốc sản phẩm một cách dễ dàng... Song thực tế, người bán vẫn có thể “vượt rào”. Sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng không phải lúc nào cũng chính xác nguồn gốc. Nói cách khác, người tiêu dùng mua thực phẩm sạch hoàn toàn bằng... niềm tin. Chị Đoàn Thị Ngọc Bích (255 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) không giấu được sự băn khoăn: “Vì sức khỏe của gia đình, tôi thường đến những cửa hàng thực phẩm sạch để mua và hoàn toàn không ngại về giá cả. Nhưng thực lòng, tôi vẫn lăn tăn không biết sản phẩm đó có thực sự sạch hay không vì kiểm nghiệm chất lượng từng sản phẩm có lẽ là việc không dễ. Chưa kể những người bán có lòng tham trà trộn rau, củ, quả đang bán nhan nhản ở chợ đầu mối, chợ đêm vào thì cũng chẳng ai biết”.

Đây cũng là băn khoăn của nhiều người tiêu dùng hiệu nay. Đem điều này trao đổi với một số chủ cửa hàng bán thực phẩm sạch, tất cả đều khẳng định: “Sản phẩm chúng tôi bán đều dễ dàng truy xuất rõ nguồn gốc, khách hàng muốn thì chúng tôi sẽ dẫn tới tận nơi nhập hàng”. Chị Hương-chủ cửa hàng Trái cây sạch 3 miền Hương Béo, giãi bày: “Ban đầu, tôi cũng là một bà nội trợ thông thường, cũng mong muốn mua được thực phẩm sạch cho 4 đứa con trai. Khi cầm một sản phẩm bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch trên tay, tôi cũng từng tự hỏi, liệu nó có sạch thực sự hay không nên hiểu tâm lý của khách hàng. Tôi mở cửa hàng vì nhận thấy nhu cầu này nhiều. Và tôi bán hàng bằng chính lương tâm của mình bởi trong số khách hàng của tôi có rất nhiều người thân và bạn bè”.

Việt Nam hiện đang áp dụng một số bộ tiêu chuẩn cho thực phẩm an toàn như: tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ, tiêu chuẩn HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points), công nghệ vi sinh hữu hiệu EM Nhật Bản... Tại Gia Lai, tiêu chuẩn VietGAP được coi là cơ sở đánh giá phổ biến. Tuy nhiên, thật khó để biết chính xác quá trình chăn nuôi, trồng trọt có thực sự đảm bảo tiêu chuẩn hay không. Vì vậy, ngay cả chủ các cửa hàng cũng đang “đặt cược” niềm tin của mình vào những cơ sở sản xuất.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm