(GLO)- Gần đây, ở những ngã ba, ngã tư của thành phố thường có những người ngồi bán bỏng gạo. Những túi bỏng gạo nho nhỏ được xếp chồng lên nhau gợi nhớ trong lòng tôi về một mảng ký ức xưa cũ. Ký ức về những ống bỏng gạo đã được chúng tôi-những đứa trẻ vùng nông thôn ngày ấy-ăn đến căng cả bụng mà vẫn thấy thèm.
Ngày ấy, chúng tôi mới chỉ là những cậu bé, cô bé 7, 8 tuổi. Đầy hồn nhiên và ngây thơ. Thích chơi nhảy dây, nhảy lò cò, trốn tìm…, và đặc biệt là thích ăn bỏng gạo. Thường thì cứ đến cuối tuần, chúng tôi sẽ rủ nhau đi nổ bỏng gạo, đứa nào đứa nấy đều mang sẵn một cái bao thật to để đựng bỏng gạo sau khi đã nổ xong.
Minh họa: Kim Hương |
Thời đó chỉ có nhà ông Tư ở xóm 3 có chiếc máy nổ bỏng gạo. Tiền công nổ bỏng gạo cho chúng tôi ăn chẳng được bao nhiêu, vì dù nguyên liệu ít hay nhiều thì mỗi lần nổ ông Tư chỉ lấy của mỗi đứa 2.000 đồng. Nhưng vì niềm vui con trẻ nên dù nắng hay mưa thì cứ vào dịp cuối tuần là ông lại rao loa để chúng tôi biết mà đến nổ. Đa phần nhà đứa trẻ nào ngày ấy cũng nghèo, cả tuần không được bố mẹ mua cho cái kẹo, cái bánh nên chỉ chờ đến cuối tuần để xin mẹ cho một ít gạo, 3 muỗng đường trộn vào, rồi lại tíu tít rủ nhau đi lên tận xóm 3 để nổ bỏng. Nhà đứa nào có điều kiện hơn thì sẽ cho thêm ít đậu xanh, đậu đen hay thậm chí là ít hành để dậy mùi thơm.
Mỗi lần ông Tư chuẩn bị nổ bỏng gạo, đứa nào đứa nấy cũng háo hức đứng xung quanh cái máy để được chứng kiến tận mắt sự “thần kỳ” của cái máy đang nghiền vụn từng hạt gạo với đường và những nguyên liệu khác để tạo nên thức bỏng gạo có hình thù là một cái ống dài, có mùi thơm ngọt. Liền sau đó, ông Tư dùng kéo để cắt ngắn ống bỏng gạo rồi cho vào cái thúng to bên cạnh. Bỏng gạo được tạo thành từ nguyên liệu của đứa nào thì đứa đó chủ động đứng gần ông Tư để bỏ thành phẩm vào bao rồi cột chặt lại nhằm giữ độ giòn tan. Đến tận sẩm tối, đứa trẻ nào cũng có một bao bỏng gạo mang về nhà. Chỉ có cuối tuần mới được nổ bỏng gạo để ăn nên cả tuần lũ trẻ chúng tôi cứ ăn dè ăn xẻn, nhiều khi còn dò hỏi nhau: Đã ăn hết chưa?
Ở quê tôi, giờ đây những chiếc máy nổ bỏng gạo đã không còn xuất hiện. Trẻ con cũng không còn mấy đứa thích xin mẹ ít đường, ít gạo để rồi rủ nhau đi nổ bỏng gạo như chúng tôi ngày xưa. Khắp những quán xá, đường làng người ta bày bán bỏng gạo làm sẵn tràn lan, đủ màu sắc. Có lần, tôi dựng xe bên đường để xuống mua một túi bỏng gạo làm sẵn, nhưng mùi vị thì chẳng thể nào giống ngày xưa.
Ông Tư nổ bỏng năm ấy giờ đã 60 tuổi. Sau hơn 15 năm trời “làm nghề”, ông đã không còn nổ bỏng nữa. Chiếc máy giờ đã hỏng, được ông Tư che bạt nằm yên ở cuối góc bếp, lâu lâu vẫn được ông mang ra giữa sân để lau chùi thật cẩn thận. Hình ảnh ông Tư ngày ấy với chiếc máy nổ bỏng gạo luôn là một phần tuổi thơ mà chúng tôi không thể nào quên trong trí nhớ của mỗi người. Mỗi lần có dịp về quê, tôi lại ghé vào nhà ông Tư để kể về những chuyện ngày xưa và nói đùa với ông: “Con thèm ăn bỏng gạo quá!”, để thấy một phần ký ức chợt quay về.
Thúy Nga