“Thương hiệu” xe ôm Chư Á

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một mô hình “nghiệp đoàn” mới ra đời cách đây chưa lâu nhưng đã được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân xã Chư Á (TP. Pleiku, Gia Lai): Đội xe máy vận chuyển khách, gồm 30 thành viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã. Mô hình mới này do Trung tâm Học tập Cộng đồng xã Chư Á thành lập.
Ông Võ Xuân Thành- Giám đốc Trung tâm Học tập Cộng đồng xã Chư Á kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã, khẳng định: “Nghiệp đoàn” xe ôm thì TP. Pleiku đã có nhiều, nhưng một “nghiệp đoàn” mà thành viên đều là người dân tộc thiểu số thì đây là mô hình đầu tiên.
Đổi mới hình ảnh bác xe ôm
Đến ngã ba Lê Duẩn- Lý Thường Kiệt bây giờ, người ta đã thấy hình ảnh những bác xe ôm-ngoài vẻ chất phác, chân thật- còn được cải thiện rất nhiều về hình thức: Có đồng phục và logo riêng trên áo, có bảng tên cho từng thành viên. Ngoài ra, toàn bộ thành viên đã được tập huấn kỹ càng về quy chế, kỹ năng trong dịch vụ vận chuyển.
Đội xe máy vận chuyển khách xã Chư Á. Ảnh: P.D
Đội xe máy vận chuyển khách xã Chư Á. Ảnh: P.D
Ông Võ Xuân Thành nói về những trăn trở khi quyết định thành lập Đội xe máy vận chuyển khách: “Từ lâu, ngã ba Lê Duẩn- Lý Thường Kiệt, đã có một bến xe ôm tự phát. Đa số là người dân tộc thiểu số, thu nhập thấp, có người chưa có bằng lái và chưa hiểu nhiều về luật khi tham gia giao thông, nhưng vì cuộc mưu sinh nên cứ đánh liều. Vì thế, Trung tâm đã quyết định tổ chức một khóa học ngắn ngày giúp họ có kiến thức căn bản để tham gia thi bằng lái xe mô tô 2 bánh; Trung tâm cũng miễn phí tiền khám sức khỏe, tiền chụp ảnh, giảm 30% số tiền đóng cho trường đào tạo lái xe…”.

Sau khóa học, được sự nhất trí của UBND xã, Đội xe máy vận chuyển khách xã Chư Á đã ra đời vào tháng 6-2010. “Tôi thích gọi là đội xe máy vận chuyển khách hơn, vì cái tên “xe thồ” hay “xe ôm” nghe cơ cực quá!”- ông Thành bộc bạch. Nhờ đó, các thành viên không những có thêm thu nhập, được đảm bảo về lợi ích khi gia nhập “nghiệp đoàn”, mà qua đó bộ mặt văn hóa đô thị cũng đẹp hơn lên rất nhiều.
“Yên tâm hơn khi gia nhập nghiệp đoàn”
Theo phân công, mỗi ngày đội sẽ có 15 thành viên ra bến, các thành viên còn lại sẽ ở nhà làm việc khác. Anh Anoih- Đội trưởng, người làng Mnú cho biết, hôm nào anh ra bến thì Đội phó Thuynh ở nhà cắt lúa phụ vợ con và ngược lại. Đội trưởng Anoih được bầu ra để thường xuyên làm nhiệm vụ phân tài, nhắc nhở anh em trong quá trình phục vụ khách (lịch sự, không được lấy giá quá cao…), báo cáo tình hình hoạt động cho Trung tâm… “Ai chở khách đi từ 40 km trở lên thì phải báo cáo Đội trưởng. Còn ai ra bến mà thiếu giấy tờ xe hoặc có hơi men là không được chạy đâu”- Anoih nói. Long đong chạy xe ôm từ năm 2008, Anoih thấy vui hơn từ khi gia nhập “nghiệp đoàn”, bởi “từ ngày mặc đồng phục, khách tin tưởng hơn, thu nhập cũng cao hơn, có người cũng kiếm được 100.000 đồng/ngày”.
Cũng như Anoih, trước khi vào đội tự quản, anh Mên (làng Mnú) có thâm niên chạy xe thồ đã gần 10 năm nhưng suốt ngày cứ canh cánh sợ bị phạt và giam xe vì… chưa có giấy phép lái xe. “Gia nhập đội xe này mình thấy yên tâm hơn, thu nhập khá hơn. Mấy ngày nghỉ thì mình ở nhà nuôi heo phụ vợ hoặc làm công cho người ta”- anh Mên vui vẻ kể. Còn với anh Ksor Glơi (làng Bông Phun)- chủ gia đình với… 7 đứa con, đứa nhỏ nhất mới 10 tuổi, thì chạy xe thồ không chỉ là nghề tay trái.
Không chỉ gắn bó với nhau trong công việc, những thành viên của Đội xe máy vận chuyển khách Chư Á còn có thể chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống nhờ vào quỹ riêng đóng góp hàng tháng (20.000 đồng/người); riêng ông Thành còn bỏ thêm tiền túi 1 triệu đồng để gây quỹ ban đầu. Nhờ có quỹ này mà Đội có thể mua sắm trang phục hàng năm, thăm hỏi các thành viên khi đau ốm, tai nạn, sửa chữa xe máy… Ngoài ra, thành viên  nào cần sửa nhà cũng được cho mượn tối đa 3 triệu đồng.
Ai cũng hiểu những vất vả của nghề chạy xe ôm: Có ngày đắt, ngày ế, có ngày nắng, ngày mưa, thường xuyên trần mình trong bụi bặm đường dài…, càng khó khăn hơn khi phải cạnh tranh với nhiều phương tiện vận chuyển khác. Trong điều kiện như vậy, “nghiệp đoàn” đã giúp họ không chỉ có một con đường mưu sinh mà còn kết nối tình thân.
Lam Nguyên

Có thể bạn quan tâm