Chỉ số ít phu trầm là tạm có của ăn của để, còn phần lớn đều trở về với hai bàn tay trắng, thậm chí còn mang nợ nần, bệnh tật. Phải chăng đó là do lời nguyền“lấy của rừng rưng rưng nước mắt” hay là chính sự lọc lừa của người đời đẩy họ vào cảnh ngậm đắng nuốt cay.
Đặt cọc tiền ngay cả khi chưa có hàng
Trong cơn sốt trầm kỳ vào cuối năm 2012, sau nhiều ngày lặn lội nơi rừng thiêng, một số phu trầm ở thôn Phú Cang 2 (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đã tìm được “báu vật”. Nhưng rồi, sau cuộc ngã giá, họ vẫn chỉ là những “con cừu”...
Quán cà phê của ông Sơn mở sau khi trúng kỳ nam.
Hầu hết những phu trầm đi tìm trầm - kỳ vào cuối năm 2012 ở thôn Phú Cang 2 đều xuất thân từ những người nông dân quanh năm chỉ biết đến ruộng vườn. Trình độ học vấn của họ cũng ở một giới hạn nhất định, có người thì hết cấp 2, có người hết cấp 1, có người không biết chữ.
Tuy nhiên, khi thấy người đầu tiên trong thôn trúng kỳ nam và giàu lên nhanh chóng thì họ bỏ nương rẫy, đua nhau vào rừng nuôi giấc mộng đổi đời.
Thời điểm đó, thôn Phú Cang 2 có khoảng 40 người đến “thung lũng tử thần” Ô Kha (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) tìm kỳ nam. Ở thôn Phú Cang 2, nhắc đến ông Trần Văn Sơn (SN 1958) ai cũng biết, bởi nhờ trúng kỳ nam mà ông mở quán cà phê mưu sinh từ đó đến nay.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Sơn bảo, thời điểm đó vì nhà nghèo không có tiền nên ông không có ý nghĩ đi, vì nếu đi cũng phải mua sắm cái này cái kia mất hơn 1 triệu đồng.
“Đùng một cái trong thôn xuất hiện một người đàn ông tên Tài. Ông Tài đến nhà và khuyên tôi nên đi tìm kỳ nam, mọi chi phí mua sắm ông chịu toàn bộ. Hồi đó, ông Tài đưa cho tôi 1,5 triệu đồng kèm với điều kiện khi tìm được thì đem về bán cho ông ấy. Ông Tài còn hứa sẽ mua với giá cao nhất nếu có thương lái nào trả giá tranh mua”, ông Sơn kể.
Không chỉ ông Sơn, nhiều người dân ở thôn Phú Cang 2 cũng được người tự xưng tên Tài này chi tiền để đi tìm kỳ nam, với điều kiện như trên. Cầm số tiền trong tay, những người nông dân chất phác, thật thà hăng hái lên đường. Nhóm của ông Sơn lúc đó có tất cả 7 người.
Sau một tháng ròng rã tìm kiếm ở “thung lũng tử thần” Ô Kha, thậm chí ngược lên tận những khu vực thượng nguồn của tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, lương thực mang theo đã cạn kiệt nhưng vẫn không tìm được kỳ nam, cả nhóm kéo nhau về.
“Lúc đó, nếu người tên Tài đến đòi tiền thì gia đình tôi chẳng biết lấy gì mà trả. Dù lo lắng, nhưng hơn nửa tháng tôi không thấy Tài đến đòi nợ nên cũng yên tâm làm nương rẫy”, cho Sơn cho biết. Lúc đó nhiều người trong thôn vẫn rủ nhau đi tìm kỳ nam.
Vậy là, ông Sơn bàn với cả nhóm quyết thử vận may một lần nữa. Lần này, 7 gia đình nghèo khổ đi vay mượn gom góp tiền cho 7 người đàn ông trụ cột của gia đình tiếp tục lên đường. Sau khi mua được lương thực, họ không đến “thung lũng tử thần” Ô Kha nữa mà lên những khu rừng ở tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông tìm. Thế nhưng, sau hơn nửa tháng lặn lội những người này vẫn về tay không.
Quyết không bỏ cuộc, họ lại khăn gói lên “thung lũng tử thần” Ô Kha. Lần này, trời không phụ lòng người, nhóm 7 người tìm được một cây dó có mùi thơm ngào ngạt. Cả đoàn mừng rỡ, lúc khai thác xong thì được gần 2kg kỳ nam.
“Sau khi tìm được kỳ nam, nhóm của tôi chia làm 2. Chia ra vậy là vì sự an toàn, lỡ nếu gặp cướp giật thì cũng còn một nhóm. Đến tối hôm đó chúng tôi cũng về được đến nhà. Sáng hôm sau chúng tôi tìm mối để bán, đang loay hoay chưa biết giá cả thế nào và chưa tìm được ai mua thì người tên Tài xuất hiện”, ông Sơn kể.
Cuộc ngã giá…đau đời
Theo ông Sơn, người đàn ông tên Tài xuất hiện và bảo ông hãy thực hiện lời hứa trước đây. Ông Sơn đành gật đầu nhưng nói nếu có thương lái nào trả giá cao hơn thì bán. Nếu ông Tài trả cao hơn thì ông Tài được mua.
“Lúc đó, ông Tài cũng đồng ý như vậy và đưa ra giá 1 tỷ đồng/kg, nhóm chúng tôi nghe vậy đã mừng lắm. Nhưng tôi vẫn bảo phải chờ hết ngày, nếu không ai trả giá cao hơn 1 tỷ thì mới bán. Nghe tôi nói vậy, Tài bắt đầu cò kè bảo chúng tôi làm khó dễ, rằng chúng tôi không nghĩ đến việc trước đây đã nhận tiền đi tìm kỳ nam”, ông Sơn kể.
Hai bên đang ngã giá thì xuất hiện một người đàn ông tự xưng là Thành, nhân viên của một công ty chế biến trầm hương đến ngỏ ý mua.
“Ông Thành bảo sẽ thu mua số kỳ nam của chúng tôi với giá cao nhất. Lúc này, trong nhà có đến 2 người thu mua nên anh em chúng tôi cũng mừng vì có thể cạnh tranh được giá và bán sẽ có lời hơn”, ông Sơn kể. Sau đó, ông Thành đưa ra một bảng giá thu mua các loại trầm - kỳ, trong đó có ghi chi chít những loại trầm - kỳ mà nhóm ông Sơn chưa hề nghe.
Ông Thành giải thích đây là những loại trầm - kỳ quý hiếm chỉ có ở nước ngoài, chứ Việt Nam chưa từng xuất hiện. Lúc này, nhóm ông Sơn vẫn chưa đem kỳ nam ra vì vẫn hy vọng có thêm người tới mua. Đến đầu giờ chiều, không thấy ai đến trả giá ngoài 2 người trên, nhóm ông Sơn mới đem kỳ nam ra cho họ xem.
Sau khi xem xong, ông Thành đối chiếu vào bảng giá cầm trên tay và ra giá 1,2 tỷ đồng/kg. Ông Tài liền trả giá luôn 1,4 tỷ đồng/kg. “Chúng tôi đòi 1,5 tỷ đồng/kg thì mới bán nhưng 2 người vẫn một mực đòi hạ xuống. Khi thấy chúng tôi bán gần xong 2kg kỳ nam cho ông Tài với giá gần 2,8 tỷ đồng thì ông Thành quay lại càm ràm vài câu rồi hậm hực bỏ đi”, ông Sơn cho biết.
Bán được giá cao hơn so với mức giá ban đầu ông Tài đưa ra nên nhóm của ông Sơn rất mừng vì nghĩ mình đã bán đúng giá. Tuy nhiên sau này, ông Sơn mới biết mình đã bị lừa. “2 người đó là một nhóm với nhau. Cả 2 giả vờ như thế là để ép giá chúng tôi.
Sau này chúng tôi mới biết loại kỳ nam chúng tôi bán thời điểm đó có giá gần 5 tỷ đồng/kg. Không ngờ mình đi tìm khổ cực, gặp nhiều nguy hiểm nhưng chỉ hưởng một phần nhỏ, còn thương lái chỉ vài ba đường múa mép đã lừa được chúng tôi kiếm 7, 8 tỷ đồng”, ông Sơn cho biết.
Một thời, nhiều người ở thôn Phú Cang 2 lao theo giấc mộng kỳ - trầm.
Lằn ranh sinh - tử
Sau cơn sốt kỳ nam vào cuối năm 2012 ở Ô Kha, nhiều phu trầm ở thôn Phú Cang 2 vì thấy“món hời”quá béo bở nên tiếp tục vào rừng sâu để tìm cách đổi đời. Thậm chí, nhiều người còn xuất ngoại tìm kỳ nam.
Theo ông N.V.K., nhóm của ông gồm 8 người, ngày đêm lục tung cả cánh rừng lớn ở huyện Khánh Sơn. Một buổi sáng, khi đang tìm kỳ nam thì ông bị rắn cắn, bao nhiêu thuốc trị thương, chữa độc đem theo uống vào cũng không hết.
“Cả bàn chân tôi bầm tím và sưng vù, ai cũng nghĩ tôi không qua nổi, nhưng may nhờ trong nhóm có một anh biết chút đỉnh về đông y nên đã dùng cây rừng chữa trị cho tôi. Sau khi tôi qua khỏi thì cả nhóm kéo nhau về”, ông K. cho biết.
Sau những thăng trầm ở “rừng nhà” nhưng không thu được kết quả gì, ông K. cùng nhóm của mình còn quyết định đi tìm kỳ nam ở “rừng ngoại”. Ông K. bảo, việc đi tìm kỳ nam ở xứ người cũng có chủ thầu dắt lối. Những người có của để dành thì bỏ ra làm hộ chiếu, khai thác được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Người nào chưa có tiền sẽ được chủ thầu ứng tiền mua thức ăn, dụng cụ sinh hoạt rồi… tính sau.
Ông K. là phu trầm nằm trong diện phải tính sau. “Đợt đó chúng tôi băng rừng sang Campuchia để săn lùng kỳ nam. Cứ tưởng rừng bên đó cũng giống như bên mình, nhưng không ngờ qua bên đó mọi thứ đều khó khăn vất vả gấp trăm lần. Nơi rừng thiêng nước độc, chúng tôi bị những cơn sốt rét rừng hoành hành.
Vì sức khỏe ốm yếu, không chịu được thời tiết lạ, tôi không ăn uống gì được nên chỉ trong vòng một tuần, người tôi như còn lại bộ xương khô. Quá sợ hãi nên cả nhóm quyết định băng rừng trở về”, ông K. cho biết.
Sau khi trở về, ông K. bàn với vợ vay vốn xây chuồng nuôi lợn. Một năm sau, ông trả được số nợ vay của chủ thầu lúc đi sang Campuchia tìm kỳ nam, đồng thời trả luôn được các khoản nợ vay khác.
Cuộc sống bây giờ đã ổn định nhưng mỗi lần nhắc lại việc đi tìm kỳ nam, ông vẫn còn bị ám ảnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số những phu trầm ở thôn Phú Cang 2 đều là trụ cột của gia đình. Chỉ vì mong muốn được đổi đời trong thoáng chốc nên họ lặn lội vào nơi rừng thiêng nước độc để tìm kỳ nam.
Nhưng một thực tế là rất ít người trong số họ trúng được kỳ nam và đổi đời, còn lại đa số đều trở về tay không hoặc bất hạnh hơn là trở thành người mang thương tật vĩnh viễn.
“Sự may mắn của một số rất ít phu trầm là động lực để nhiều phu trầm khác đi tìm vận may. Tuy nhiên, cái may ấy chỉ là số hiếm. Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, cũng đã từng “ngậm ngải tìm trầm” và gặp không ít gian nguy, nên có lời khuyên thế hệ sau rằng, đừng nên mơ mộng hảo huyền đổi đời vì trầm - kỳ”, ông K. bộc bạch.
Vào thời điểm hiện tại, người dân thôn Phú Cang 2 không còn đi tìm kỳ nam nữa, nhưng mỗi khi rộ lên tin đồn có người trúng kỳ nam tiền tỷ, nhiều người vẫn nuôi mộng đến một ngày mình sẽ trở thành tỷ phú nhờ kỳ nam.
Cũng vì cuộc sống mưu sinh, cũng vì khát vọng đổi đời nhanh chóng nên việc ấp ủ mình sẽ đổi đời của người dân cũng là chính đáng. Nhưng kỳ nam là giấc mộng xa vời, ngàn người đi mới có một người trúng.
T.Kỳ - N.Oanh (PL+)