Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thương lượng giá thuốc trúng thầu: Nhà thầu đồng ý giảm giá 6 loại thuốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh gửi thông báo đến các nhà thầu để thương lượng giảm giá, các nhà thầu đã đồng ý giảm 6/12 mặt hàng thuốc theo kiến nghị của Bảo hiểm Xã hội tỉnh.

Hơn 40 loại thuốc cao hơn giá Max

Ngày 13-10, Sở Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu thuốc Genenic, thuốc biệt dược gốc, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tập trung tỉnh Gia Lai năm 2017-2018. Sau khi có kết quả này, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát danh mục thuốc trúng thầu. Từ đó, cơ quan này phát hiện có 45 mặt hàng thuốc có giá trúng thầu cao hơn giá Max từ dữ liệu giá thuốc trúng thầu trung bình đợt I năm 2017 của BHXH Việt Nam. Trên cơ sở đó, BHXH tỉnh đã có Công văn số 1249/BHXH-GĐBHYT đề nghị Sở Y tế thương thảo với nhà thầu cung ứng các thuốc có giá trúng thầu cao hơn giá Max.

 

Ông Trần Duy Linh-Phó Giám đốc Sở Y tế trao đổi với P.V. Ảnh: V.N

Theo văn bản này, tổng giá trị tiền chênh lệch đối với 45 mặt hàng thuốc so với giá Max của BHXH Việt Nam là hơn 3,1 tỷ đồng. Trong 45 mặt hàng thuốc có giá chênh lệch cao thì có 8 loại tăng 21-110%, các mặt hàng còn lại tăng dưới 20%. Đơn cử như: Đối với hoạt chất Acid Amin, tên Alvesin10E dạng chai thủy tinh 500 ml với số lượng 10.950 chai. Loại thuốc này có giá Max theo BHXH Việt Nam là 82.500 đồng/chai nhưng kết quả đấu giá tại Gia Lai là 136.800 đồng/chai, chênh lệch 54.300 đồng/chai. Tổng số tiền theo tính toán chênh lệch là hơn 594 triệu đồng với tỷ lệ tăng giá là 65,82%.

Hay như hoạt chất Kẽm, tên thuốc Tonazinax Syrup loại hộp 1 chai x 100 ml sirô do Công ty cổ phần Dược-Trang thiết bị Y tế Bình Định sản xuất, số lượng 81.000 hộp có giá Max của BHXH Việt Nam là 21.630 đồng/chai nhưng giá trúng thầu tại Gia Lai là 28.875 đồng/chai, tỷ lệ tăng giá là 33,5%, tổng số tiền chênh lệch là hơn 586,8 triệu đồng. Cá biệt như hoạt chất Isotretinoin có tên thuốc Myspa do Công ty cổ phần Dược phẩm Medisun sản xuất có giá trúng thầu là 5.250 đồng/viên nhưng giá Max của BHXH Việt Nam chỉ là 2.500 đồng/viên, vượt với tỷ lệ 110%.

Về vấn đề này, ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: Việc đề nghị Sở Y tế thương thảo với các nhà thầu cung ứng các loại thuốc có giá trúng thầu cao giảm giá xuống là để thanh toán phù hợp với mặt bằng chung toàn quốc và đảm bảo quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế. “Nếu các nhà thầu không đồng ý giảm giá các danh mục thuốc vượt so với giá công bố của BHXH Việt Nam thì chúng tôi sẽ không thể tiến hành thanh toán”-ông Khánh khẳng định.

Đồng ý giảm giá 6 mặt hàng thuốc

Mới đây, Sở Y tế cho biết đã nhận được Báo cáo số 677/BC-BV của Bệnh viện Đa khoa tỉnh về kết quả đề nghị giảm giá thuốc trúng thầu gói thầu số 1 thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tập trung tỉnh Gia Lai năm 2017-2018. Theo đó, các nhà thầu đã đồng ý giảm giá 6/12 danh mục thuốc mà Sở Y tế yêu cầu. Ví dụ như hoạt chất Kẽm, tên thuốc Tonazinax Syrup có giá trúng thầu là 28.875 đồng/chai sẽ giảm xuống 26.985 đồng/chai, tức vẫn cao hơn so với giá Max của BHXH Việt Nam như đã nêu ở trên; hoạt chất Citicolin, tên thuốc Citicolin 1.000 mg/4 ml có giá trúng thầu 29.400 đồng/ống sẽ giảm giá xuống đúng bằng giá Max của BHXH Việt Nam là 25.000 đồng/ống; nhà thầu trúng thầu cung cấp hoạt chất Isotretinoin có tên thuốc Myspa có giá trúng thầu cao hơn 110% so với giá Max cũng đã đồng ý giảm xuống bằng với giá Max là 2.500  đồng/viên.

Được biết, trước đó, sau khi nhận được văn bản kiến nghị của BHXH tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức mời các nhà thầu trúng thầu nhưng có giá cao hơn thông báo của BHXH Việt Nam đến thương lượng để giảm giá thuốc phù hợp với mặt bằng chung trên toàn quốc, đặc biệt là 12 mặt hàng có giá trúng thầu cao hơn 10%. Trong khi chờ kết quả thương lượng, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở Y tế cần hạn chế đặt hàng và sử dụng các mặt hàng này.

Trao đổi với P.V, ông Trần Duy Linh-Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết, đây là lần đầu tiên tỉnh thực hiện đấu thầu thuốc tập trung, trong đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh được UBND tỉnh chỉ định là bên mời thầu, đại diện cho 36 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Theo đó đã có 784/897 danh mục thuốc trúng thầu, đạt 87,4%; các danh mục thuốc rớt thầu đã có thuốc thay thế hoặc sẽ có kế hoạch tổ chức đấu thầu lại.

Ông Linh cũng cho hay, công tác đấu thầu đã tuân thủ quy định của Nhà nước nên kết quả công bố không sai. Qua rà soát cũng chỉ có 43 danh mục thuốc có giá cao hơn giá Max mà BHXH Việt Nam công bố. Tuy nhiên, theo ông Linh, BHXH tỉnh không thể lấy giá trung bình để áp giá rồi nói hơn 40 danh mục thuốc có giá cao hơn như vậy, bởi không hề có quy định phải lấy mức giá đó làm căn cứ trong đấu thầu. “Để tăng hiệu quả sử dụng quỹ khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế tại địa phương, giúp người dân được hưởng lợi với giá thuốc tốt nhất, Sở Y tế đã đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh thương lượng với các nhà thầu nhằm giảm giá thuốc. Trên thực tế, nhà thầu không giảm giá là quyền của họ vì họ đã trúng thầu đúng quy định. Nếu BHXH tỉnh không thanh toán các danh mục thuốc có giá cao hơn thì sẽ là sai quy định, ảnh hưởng đến công tác khám-chữa bệnh tại các cơ sở y tế”-ông Linh cho biết.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm