Thượng vàng hạ cám… đồ xổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Cơn sốt” đồ xổ (hay còn gọi là đồ sida, đồ bành-P.V) nay càng “nóng” hơn khi các “tín đồ” của mặt hàng này rầm rộ săn những món hàng hiệu, hàng độc.

Một chiếc áo da có giá gần 2 triệu đồng, vợt tennis, gậy chơi gôn giá trên 1 triệu đồng, ví nam giá 500-750 ngàn đồng, một chiếc dây nịt giá 500-600 ngàn đồng hay một chiếc đồng hồ giá vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng sẽ là mức giá rất bình thường, nếu đó không phải là những món đồ cũ, đã qua sử dụng. Sở dĩ khách hàng chịu móc hầu bao mua đồ cũ vì tin rằng chúng là hàng hiệu, hàng độc.

Xài đồ cũ… tiền triệu

Săm soi chiếc dây nịt của thương hiệu thời trang Luis Vuitton (LV), dù rất thích nhưng chị Đinh Kim Ngân-đường Nguyễn Tất Thành (TP. Pleiku) không mua với lý do hàng cũ mà giá đắt. Anh N.H. chủ cửa hàng đồ xổ có tiếng trên đường Lê Lai khẳng định đó là hàng LV thật, xách tay từ nước ngoài. “500 ngàn đồng là giá “mềm” rồi, chiếc nịt này nếu mới phải có giá vài trăm đô”- Anh H. thuyết phục khách hàng. Sau khi xem xét các mặt hàng, chị Ngân mua một chiếc đồng hồ Tilbury với giá 700 ngàn đồng và hài lòng với món đồ mua được.

Khách hàng đang xăm soi những sản phẩm được chủ cửa hàng đồ xổ giới thiệu là “hàng hiệu”. Ảnh: Hoàng Ngọc
Khách hàng đang xăm soi những sản phẩm được chủ cửa hàng đồ xổ giới thiệu là “hàng hiệu”. Ảnh: Hoàng Ngọc

Cửa hàng này cũng là nơi lui tới của nhiều “dân chơi” Phố núi, thậm chí là nhiều khách hàng từ Đà Nẵng lên, Kon Tum, Đak Lak xuống cũng tìm đến. Là bởi ở đây bán toàn hàng độc, hàng hiệu mà những cửa hàng đồ xổ khác không có. Trong gian hàng bé tẹo của anh H. có đủ thứ mặt hàng, từ giày, dây nịt, bóp, áo da đến các loại đồng hồ, vợt tennis, cầu lông, gậy chơi gôn, các loại quân trang quân dụng dùng trong quân đội Mỹ… Anh H. khẳng định toàn hàng xách tay từ nước ngoài, do anh mang về. Tuy là hàng sida nhưng giá các mặt hàng ở đây không hề rẻ, từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Anh Đ.P.-làm việc trong một công ty cao su tiết lộ: “Dịp Tết vừa rồi, tôi mua 3 chiếc áo da ở đây với tổng giá gần 5 triệu đồng để làm quà cho khách.Thấy da mềm, đốt thử không cháy, khách rất thích nên sau đó tôi đến “tậu” thêm một chiếc để mặc”.


Trước đây đồ sida chỉ phổ biến ở các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, nay có thêm đủ loại phụ kiện như túi xách, dây nịt, bóp, chăn mền, ga trải giường… Bất cứ ngày nào trong tuần dạo qua các phố đồ xổ trên đường: Cù Chính Lan, Trần Khánh Dư, Đinh Tiên Hoàng, Hùng Vương, Cách Mạng Tháng Tám… cũng thấy các cửa hàng treo biển thông báo ngày, giờ xổ đồ. Cảnh giành giật, thậm chí cãi vã giữa các “tín đồ” xảy ra như cơm bữa. Ai cũng cố chen chân để giành cho được hàng “nước một”- hàng đẹp nhất của kiện hàng.

Chủ một cửa hàng đồ xổ trên đường Hùng Vương cho biết: “Mặt hàng quần áo gần như bão hòa, khui kiện ra bán không đắt bằng túi xách, giày dép. Túi của các thương hiệu Luis Vuitton, Chanel, Prada, hay giày made in Italy và Hàn Quốc là những thương hiệu được  khách “chuộng” hơn cả. Không cần biết có đúng là hàng hiệu hay chỉ là hàng nhái, nếu khui trúng những kiện có nhiều túi xách, giày dạng này sẽ bán rất chạy”.

“Móc túi” khách hàng

Khách hàng thường có chung suy nghĩ hàng sida là hàng từ nước ngoài, là hàng tốt, hàng hiệu. Cũng vì tâm lý này nên nhiều cửa hàng đồ xổ thường treo biển “xổ hàng tuyển” câu khách. Song, theo một chủ cửa hàng đồ xổ trên đường Đinh Tiên Hoàng, nếu chỉ khui kiện ra bán thì không thể gọi là “hàng tuyển” vì hàng hóa trong các kiện tạp nham, thậm chí có cả những món đồ chỉ đáng làm giẻ lau. “Thường tôi phải sang Myanmar tuyển từng đôi giày, từng chiếc túi xách trước khi chúng được đóng kiện đưa đi tiêu thụ ở các nước. Hàng ấy mới được gọi là hàng tuyển. Một số “trùm” đồ xổ ở đây cũng sang các nước để tuyển hàng về bán chứ không khui kiện tràn lan. Nhưng hàng tuyển thường có giá đắt hơn hẳn nên rất kén khách hàng”. Hàng tuyển đắt vì được đảm bảo chất lượng, đáng nói là nhiều mặt hàng bình thường cũng bị chủ các cửa hàng hét giá chóng mặt, thậm chí mặc sức tăng giá mà không có tiêu chuẩn, tiêu chí nào để so sánh, đánh giá.

Chủ cửa hàng trên còn tiết lộ, hàng hiệu, hàng độc đã bị “luộc” từ khâu đầu trước khi chúng được đưa về các tỉnh, trong đó có Gia Lai. Vì thế, đồ xổ về đến đây thường đã là hàng nước hai, nước ba. Dù vậy, nhiều Thượng đế vẫn không biết mình bị lừa, sẵn sàng bỏ số tiền lớn để “rinh” về những món đồ đã bị “mông má” lại, thậm chí đắt hơn nhiều so với giá trị thực của món hàng. Chị Bùi Thị Duyên-đường Lê Thánh Tôn, bức xúc: “Tôi mua đôi giày sida giá 250 ngàn đồng về đi được đúng 2 ngày thì bị rơi gót. Hóa ra đây là giày đã bị làm lại hoàn toàn chứ không phải hàng còn “rin” như chủ cửa hàng quảng cáo”.

Nhiều “tín đồ” lâu năm của đồ xổ than rằng, giá các mặt hàng bị chủ cửa hàng tăng giá ầm ầm. Một chiếc túi xách được cho là “nước một” có giá 400-500 ngàn đồng, nước hai, nước ba mới hạ xuống đôi chút. Giày dép nước một cũng có giá 200-400 ngàn đồng/đôi.

Nhưng có lẽ, chính tâm lý thích mua sắm của chị em chính là điểm yếu để nhiều chủ cửa hàng đồ xổ khai thác, lợi dụng!

Nguyên Bình
 

Có thể bạn quan tâm